xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bồng bềnh cùng sông nước Ngã Bảy

Theo MINH LY (Vĩnh Long Online)

Chợ nổi Ngã Bảy nằm ở điểm hội tụ của bảy ngã kinh đổ về, trong công cuộc khai thác đất Nam Bộ khi xưa. Khác với miệt vườn ở vùng trên, miệt dưới Hậu Giang vốn lung, trũng lắm phèn nên muốn khai phá thì thủy lợi là ưu tiên hàng đầu. Chính vậy mới hình thành nên ngã bảy và chợ Ngã Bảy là một loại chợ đặc thù của sông nước Nam Bộ…

img

Bán mua ở chợ nổi Ba Ngàn

Mọi chuyện bán buôn, sinh hoạt chính đều ở trên ghe. Ghe lớn, ghe nhỏ, xuồng năm lá, xuồng ba lá… lên hàng, xuống hàng suốt từ khi trời đâm mây ngang, cho đến sáng bửng thì coi như tan chợ. Ghe đi bổ hàng thì đổ về các nẻo kinh, xẻo nhỏ; còn ghe lớn thì đậu đó giải lao để chờ dỡ đủ hàng, để đi tiếp về các chợ xa. Mà thời đó thì chuyện “đi- đến, bổ hàng, giao hàng đều theo mùa, theo kinh nghiệm, theo mối thân quen hẹn trước”, chớ phải nào như bây giờ chỉ cần móc điện thoại di động “một cái rẹt” là xong.

Thì cũng phải thôi. Gần 100 năm rồi còn gì!

Cũng như bao chợ ở các bến sông khác. Chợ Ngã Bảy đóng vai trò của một chợ đầu mối sỉ- lẻ dạng “bách hóa” thứ gì cũng có. Nhưng đó là ngã bảy chợ trên bờ, con dưới sông thì chuyên trị hàng nông sản, cây trái được bán- mua theo phương thức đậm đặc chất Nam Bộ “mùa nào trái nấy” và “bán gì cũng bán- mua gì cũng mua”, bởi lẽ chỉ có những khách thương hồ mới biết được ở đâu đang cần cái gì? Mua cái gì chở đi thì bán được. Mùa nước lẽ đầu mùa, miệt trên thiếu rau xanh, bầu bí,… xuống Ngã Bảy bổ hàng về bán. Mùa chôm chôm, măng cụt, mận,… từ miệt vườn đổ xuống Ngã Bảy. Đi một chuyến phải cho đáng, nên phải lựa ghe cỡ nào đi cho có lời, đáng một chuyến.

Cặp theo mé bờ kinh xuôi về Lái Hiếu, Búng Tàu,… thì vẫn còn chừa lối đi ven sông và được kè đá. Có vẻ như đây vẫn còn giữ được đôi chút của “Ngã Bảy chợ xưa” với ghe, xuồng và vỏ lãi đậu cặp bờ ken dày. Hàng mà các ghe bổ đi cũng chủ yếu là các loại rau màu, thực phẩm. Đông nhất là quãng từ 5 giờ sáng cho đến tầm non 9 giờ thì thưa hẳn. Lời ăn tiếng nói ở khu chợ này vẫn đậm nét quê xưa, làm bâng khuâng lòng lữ khách.

img

Bữa sáng ở chợ nổi thật gọn, nhẹ và ấm cúng.

Ngay đầu vàm về Búng Tàu, 2 chiếc ghe hàng “lỡ” (ghe chở từ khoảng 2- 4 tấn) đậu song đôi cũng trương bẹo nhỏ xíu mà mắt thường nhìn không ra. Chị Điệp, một chủ đò dọc đưa rước khách tham quan chợ nổi giới thiệu: “Bẹo đó là trái khóm, treo mấy bữa rày chắc héo queo rồi. Còn chiếc kế bên đang lên chuối già. Nếu muốn đi chợ nổi thì sáng mai cỡ 5 giờ rưỡi ra đây tui chở đi. Chợ nổi giờ dời lên trên vàm Ba Ngàn lâu rồi”.

Chợ nổi phải dời lên trên vàm Ba Ngàn, cách đó gần 3 cây số… So với chợ cũ thì mật độ ghe, xuồng bán buôn ở đây chẳng còn mấy. Sáng sớm, tôi đếm được ở đây chỉ có khoảng 50 ghe, vỏ lãi lên hàng, xuống hàng, trong đó chỉ có 5 chiếc ghe hàng lớn đậu riêng ngay đầu vàm Ba Ngàn với “bẹo hàng” là củ sắn, cà rốt, khóm và bắp.

2 chiếc ghe nhỏ bán bún, mì, bánh canh giò heo len lỏi giữa hàng xuồng, ghe, vỏ lãi. Những tô bún, tô mì bốc khói trên sông nước trong cái se lạnh mùa chướng ở đất phương Nam, đem lại cho tôi một cảm giác thật khó tả… vừa gần gũi, vừa ấm áp. Dì Bảy ở cạnh Ba Ngàn cũng vừa chở ra hơn 20 chục cái cà ràng đỏ au đang tìm mối bán. Hôm nay coi bộ “hổng khá” khi đã đảo suốt 4 vòng chèo ở cả hai bên vàm sông, mà dì vẫn chưa bán được cái nào. Phải mà, bây giờ, thì toàn là xài bếp gas, nước lọc,
… Coi bộ cái thời của khách thương hồ “gạo chợ- nước sông” đã hết rồi.

Nhớ lại lần trò chuyện cùng một cán bộ văn hóa ở Hậu Giang, anh đã nói rằng: Thương hiệu Ngã Bảy có từ cả trăm năm nay, đã không được khai thác đúng mức. Tại sao ư? Tất cả bắt đầu từ chuyện dời chợ nổi, trong khi vấn đề chính thực chất không phải là chuyện giao thông đường thủy đã quá chật hẹp. Kế đến là chuyện ỷ y… từ Cần Thơ xuống, Sóc Trăng lên khoảng 30 cây số thì không cần đầu tư hạ tầng phục vụ du khách tại đây.

img

Xuồng, ghe cặp bờ kinh ngã về Lái Hiếu.

Tôi thấy anh nói có lý, bởi lẽ linh hồn của chợ nổi Ngã Bảy không phải là quãng nắng đã lên, mà là ở phiên chợ sớm khi trời vừa “đâm mây ngang”, cái bản sắc của Ngã Bảy đậm chất Nam Bộ chính là ở chỗ này. Du khách không phải đến chỉ để nhìn, mà họ có nhu cầu hiểu rõ và sống trong bối cảnh, không khí văn hóa của vùng đất mà họ muốn tìm hiểu. Du lịch ở đây thuộc về phần “hồn” chứ không phải là phần “xác”. So sánh với những chợ nổi khác, vẫn cảm thấy Ngã Bảy đậm đặc “hồn vía” của một thời khai hoang mở đất.
 
Chợ sớm, sương vẫn còn giăng giăng đầy mặt sông. Tiếng ghe xuồng lọc cọc chạm nhau, tiếng trả giá, mặc cả rộn cả một khúc sông vắng. Bên bờ kinh này chỉ có một quán bán nước, nhưng lại... không bán cà phê đen, mà chỉ bán cà phê đá và cà phê sữa. Ngồi bên bến sông ngắm cảnh bán buôn mà không khỏi chút chạnh lòng. Lại lẩm bẩm câu hát xưa cho nó đỡ buồn: “Ghe chiếu Cà Mau cắm sào bên dòng kinh Ngã Bảy. Sao cô gái năm xưa không thấy ra chào…”
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo