xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện người cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ sống ở Biên Hòa

Theo Đăng Tùng (Báo Đồng Nai)

Nép mình vào cuộc sống thầm lặng của một cán bộ về hưu, ít ai biết ông Trần Đình Phương (83 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã từng là một trong những chiến sĩ cảnh vệ làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ 10 năm đầu sau ngày giải phóng thủ đô Hà Nội.


Ông Trần Đình Phương đọc những bài báo sưu tầm về Bác Hồ.

Ông Trần Đình Phương đọc những bài báo sưu tầm về Bác Hồ.

Bước đến chiếc tủ kính đặt trong phòng khách, ông Trần Đình Phương lấy xấp báo cũ có những mẩu chuyện về Bác Hồ mà ông sưu tập mấy chục năm qua đưa cho chúng tôi xem, rồi nói: “18 tuổi tôi được kết nạp Đảng, 23 tuổi đã trở thành cận vệ bảo vệ Bác Hồ, các cán bộ lãnh đạo, chuyên gia. Suốt 10 năm ở bên Người, nhiều lần được tận mắt chứng kiến tình cảm của Bác dành cho đồng bào là những ký ức mà đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như vừa mới xảy ra hôm qua, hôm nay…”.

Lý tưởng tuổi trẻ

Xuất thân từ vùng đất võ Tây Sơn (tỉnh Bình Định), từ nhỏ ông Phương đã được gia đình cho đi học trường Tây nên vốn kiến thức của ông vượt trội so với bạn bè đồng lứa ở quê. Cách mạng tháng Tám thành công, ông làm liên lạc cho cán bộ ở Ủy ban kháng chiến hành chính địa phương đến tận năm 1954 thì tập kết ra Bắc.

“Ngày tôi đi, mẹ tôi bảo đã đi thì phải học hỏi mọi người, không được để mang tiếng quê hương. Năm đó, tôi đi ròng rã nhiều tháng trời từ Bình Định đến Thanh Hóa, rồi ra Ninh Bình, Hà Nam, cuối cùng đến Hà Nội. Tập kết xong, tôi được cử đi học lớp cảnh vệ khóa 4 ở Trường an ninh C500 đóng ở Hà Đông. Ngày đó, tổ chức cử đi đâu, làm gì ai nấy đều chấp hành, không so đo, tính toán nên tôi cũng như mọi người, cầm giấy giới thiệu trên tay là lên đường” - ông Phương kể.

Năm 1955, sau 6 tháng học lớp cảnh vệ, ông Phương được điều về Đội Cảnh vệ (đóng ở số 1 Lê Hồng Phong, gần Quảng trường Ba Đình), chuyên bảo vệ cán bộ lãnh đạo, chuyên gia của Chính phủ. Ngày đến nhận nhiệm vụ và trình diện Cục trưởng Cục Cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng (một trong 8 người được Bác Hồ đặt tên Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi), ông Phương không thể ngờ được 10 năm tiếp theo ông sẽ được cận kề Bác nhiều đến thế.

“Nhiệm vụ của người cảnh vệ khi tháp tùng lãnh đạo là luôn quan sát, kiểm soát mọi thứ trong tầm mắt chứ không được hỏi điểm đến, cũng như những vấn đề ngoài công việc. Những lần được ở cạnh Bác là điều vinh dự với thế hệ chúng tôi khi đó. Những lời Người dặn dò năm nào, tôi luôn mãi khắc ghi và đã theo tôi đến tận lúc này. Khi tuổi cao, sức yếu, tôi lại truyền đạt những lời đó lại cho con cháu để chúng noi theo tấm gương của Bác” - ông Trần Đình Phương tâm sự.

“Ngày đó, khi hiệp định Geneve đang được thực thi, lớp thanh niên, cán bộ miền Nam chúng tôi ai cũng nghĩ chỉ 2 năm sau đất nước sẽ thống nhất, sẽ được về xây dựng quê hương giàu mạnh hơn. Nhưng tình hình thay đổi khiến mọi dự định của tôi phải xếp lại, để chuyên tâm làm nhiệm vụ được giao. Những năm đầu khi thi hành hiệp định, bọn mật thám của chính quyền thân Pháp còn cài cắm lại miền Bắc nên công tác cảnh vệ cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Do nhiệm vụ bí mật nên chẳng mấy khi chúng tôi mặc cảnh phục mà chỉ khoác lên bộ đồ dân sự, giấu khẩu súng vào người rồi đi công tác” - ông Phương nhớ lại.

Với nhiệm vụ của một chiến sĩ cảnh vệ, ông Phương cùng đồng đội nhiều lần ẩn thân vào đám đông để bảo vệ Bác từ xa, hoặc mai phục tại những địa điểm không ai ngờ tới nhằm đảm bảo sự an toàn cho lãnh tụ và các cán bộ. Do tính chất công việc là bí mật nên nhiều lần ông cùng đồng đội bị Công an TP.Hà Nội vì tưởng nhầm là kẻ gian. “Ngày đó, chúng tôi phải làm đủ mọi cách để không bị phát hiện hành tung, từ hóa trang cho đến làm giả biển số xe đạp (thời kỳ đó xe đạp cũng được cấp biển số). Công tác tại Cục Cảnh vệ nhưng hiếm khi nào chúng tôi có mặt ở cơ quan, thậm chí đến chỗ ở cũng phải thay đổi liên tục nhằm tránh bị phát hiện” - ông Phương vui vẻ tâm sự.

Mãi nhớ những bài học Bác dạy

10 năm ròng bảo vệ lãnh tụ, cán bộ, chuyên gia là 10 năm ông Phương được gặp Bác liên tục và học hỏi rất nhiều từ phong cách, tác phong của Người. Ông còn nhớ như in lần Bác đi thăm khu an dưỡng Đông Phù (thị trấn Văn Điển, Hà Nội) dành cho các cụ miền Nam tập kết ra Bắc. Chung chuyến xe với Bác có Thứ trưởng Bộ Lao động khi đó là bà Minh Hiền, cùng các chiến sĩ cảnh vệ. Khi được Bác hỏi số lượng các cụ đang an dưỡng ở đây, bà Minh Hiền đáp ước chừng 300 người. Nghe vậy, Bác không đồng ý và nhắc nhở bà Minh Hiền: “Sao lại là chừng, cái gì cũng phải chính xác, chuyện này đồng chí không biết rõ thì ai biết rõ đây?”.

“Nghe xong những lời đó, chúng tôi chợt giật mình và tự kiểm điểm lại những việc trước đây đã làm, có không ít việc chúng tôi làm qua loa đại khái, không chú trọng đến tính chính xác. Từ đó về sau, đến tận những năm về lại miền Nam công tác và có gia đình, tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu về sự quan trọng của tính chính xác trong cuộc sống. Làm gì cũng phải chính xác, cẩn thận và hơn hết là ghi nhớ thật kỹ những gì thuộc phạm vi quản lý, nhiệm vụ của bản thân” - ông Phương chia sẻ.

Làm nhiệm vụ cảnh vệ, đã nhiều lần ông Phương được tháp tùng Bác đi thăm nhân dân, thăm cán bộ vùng xa, được nghe nhiều lời dặn dò của Bác. Tháng 5-1958, ông đã được cùng Bác đi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) để “trốn“ sinh nhật và đó là lần đầu tiên ông được gần Bác nhất, được trực tiếp nghe lời Bác dặn dò. Ông Phương kể lại, thường vào những ngày gần sinh nhật Bác, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm hỏi rất nhiều, điều này làm Bác Hồ khá mệt mỏi vì tính Bác vốn giản dị, không thích những sự chúc tụng ồn ào.


 Ông Trần Đình Phương kể cho cháu nội nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ.

 Ông Trần Đình Phương kể cho cháu nội nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ.

Sau sinh nhật năm đó, Bác mới cùng ông Hoàng Hữu Kháng và 2 chiến sĩ cảnh vệ (trong đó có ông Phương) tham quan Tam Đảo để giảm bớt căng thẳng. Trên xe, Bác quay lại nói với mọi người: “Bác cháu ta mấy ngày nay đón khách mệt rồi, nay gác lại công việc cùng Bác đi ngắm cảnh đẹp nước mình một ngày cho thoải mái đầu óc”.

Đến lưng chừng dãy núi Tam Đảo, Bác cùng mọi người dừng xe và ngắm cảnh, nghỉ ngơi, đọc sách đến xế chiều. Trước lúc về, Bác cùng mọi người đi xuống suối để rửa mặt. Do đường dốc nên ông Phương nghĩ cách tìm một khúc cây cho Bác chống. Do quên đem theo dao, ông dùng một cục đá nhọn để chặt nhánh cây, nhưng khi đem đến đưa Bác thì ông Phương mới giật mình nhận ra khúc cây quá to và nặng so với một người đã gần 70 tuổi.

Bác cầm khúc cây và nói với ông Phương: “Chú còn trẻ, sức khỏe dẻo dai nên mới cầm được để chống, còn với Bác thì khúc cây này chỉ có thể vác được thôi. Lần sau làm việc gì cũng nên nhớ cần phải phù hợp với từng người, không thể dùng chuẩn của mình mà áp dụng cho người khác”. Lời nhắc nhở ấy của Bác Hồ còn ghi nhớ mãi trong tâm trí ông Phương, đến tận sau năm 1964, khi đã chuyển ngành và được cử đi học, ông còn áp dụng vào trong việc học tập của bản thân.

Năm 1969, khi vừa học xong Trường đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phương cùng chiến sĩ, đồng bào cả nước ngậm ngùi tiễn Bác về nơi an nghỉ trong sự bàng hoàng và tiếc thương vô hạn. “Được tin Bác đã đi xa, thật không còn nỗi đau nào lớn hơn thế nữa. Tuy nhiên, cả nước khi đó xác định phải biến đau thương thành hành động, quên đi nỗi đau để tập trung vào việc học tập, chiến đấu, thống nhất đất nước theo lời Bác dặn” - ông Phương xúc động khi nhớ lại năm tháng đó.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo