xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Hoa hậu rừng đước”

Theo Đỗ Thùy Mai (Cà Mau Online)

Cái ngày mà cô Út Lợi - Phan Thị Lợi ở ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển-Cà Mau xuất hiện trên cầu truyền hình trực tiếp trong chương trình “Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển”, do Bộ Tư lệnh Hải quân và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra tại 3 điểm cầu: Đồ Sơn (Hải Phòng), Lữ đoàn 125 Hải quân (Cát Lái - TPHCM) và Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển - Cà Mau) đêm 23/10/2011, thì bà con ở cả xã nhà Tân Ân, huyện nhà này, hay nói đúng hơn là cả nước, mới biết xưa kia cô Út là hoa hậu - hoa hậu rừng đước.

 
img
Cô Phan Thị Lợi và chiếc khăn dù, kỷ niệm thời kháng chiến.  Ảnh: T.M

Có mấy em, mấy cháu đang theo dõi tại đầu cầu Bến Vàm Lũng reo lên: “A! Cô Út lên truyền hình kìa!”, còn các chế lớn tuổi thì ngỡ ngàng: “Chèn ơi! Tui ở xứ này cũng lâu, mà cổ hổng bao giờ nói cho ai biết cái chuyện này he!”. Rồi mọi người cười rộn ràng, mừng cho cô được ra Bắc, đang ngồi tại đầu cầu Đồ Sơn, kể lại câu chuyện của hàng chục năm trước.
 
Thật ra cô Út đâu có thi hoa hậu, mà vì các anh bộ đội của Đoàn 962 thời đó, thấy cô đẹp người đẹp nết, hội đủ tiêu chuẩn nên tự các anh tôn vinh, gọi cô là hoa hậu.
 
Cái tên đó tưởng đã nằm sâu trong ký ức. Không ngờ… giữa hàng triệu, triệu người đang theo dõi truyền hình, anh Tám Khảm nhắc lại, làm cho cô không sao cầm được nước mắt. Là thế này, lúc đó trên màn hình chiếu lại những bức thư, những bức ảnh, những chiếc lá khô mà các anh gửi tặng, đến giờ cô vẫn còn giữ nguyên, những chiếc áo gối hồi đó cô tự tay thêu, đến cái đầu máy may cô sử dụng để may nón, may khăn, may vá quần áo cho mấy anh cũng được chiếu lên ti-vi…
 
Cô gái dẫn chương trình bỗng nhiên hỏi anh Khảm (nhân vật lịch sử chiến sĩ của Đoàn tàu không số ngày trước):
 
- Anh nhìn hình cô này, có nhận ra ai không?
 
- Cô Út Lợi! Hồi đó, chúng tôi đều gọi cô là hoa hậu rừng đước.
 
- Vậy bây giờ anh có muốn gặp không?
 
- Cô Út ở miền Nam mà làm sao gặp được? Cách đây 2 năm tôi có vào trỏng nhưng không gặp được cô. Thật tiếc!
 
Tiếng nói của người dẫn chương trình lại vang lên:
 
- Xin mời cô Phan Thị Lợi bước lên sân khấu.
 
Hai anh em ôm chầm nhau xúc động đến nghẹn ngào, trong lúc đó dưới sân khấu mọi người cũng vỗ tay rần rần, niềm xúc động lan truyền đến những người đang chứng kiến qua màn hình…
 
Thời đó, sự sống và cái chết, ranh giới nhỏ như những con sóng lăn tăn trên mặt sông Rạch Gốc trước nhà cô, nó nhanh như tia chớp giữa đêm dông… chỉ ai đã từng đi qua thời kỳ máu lửa đó mới cảm nhận thấu đáo.
 
Chính những thử thách nghiệt ngã ngày ấy đã kéo con người gần nhau, thương yêu nhau, hy sinh cho nhau một cách vô tư mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì.

***

Cách nay đúng 50 năm, cô Út Lợi 13 tuổi, là con gái út của bà má chiến sĩ tên Nguyễn Thị Hoài, mọi người đều gọi bằng cái tên thân thương: má Bảy. Má có 7 người con, chồng chết, ở vậy nuôi con, trong 4 người con tham gia kháng chiến, có người con trai thứ năm là liệt sĩ Lâm Văn Bùi. Nhà của má là nơi nuôi chứa cán bộ.
 
Luật 10/59 bọn giặc khủng bố gắt gao, lần đó tại căn nhà của má diễn ra một cuộc họp quan trọng, do được điềm chỉ, tụi lính kéo đến hòng tóm gọn các cán bộ của ta.
 
Ông Bùi lúc đó là lính bảo vệ ông Tạ Kỳ Hương (ông Tám Phùng), Huyện ủy viên, đã nhanh chóng giải vây bằng cách đánh lạc hướng kéo địch về phía mình. Lần đó cán bộ ta đều rút an toàn. Chỉ có một mình ông Bùi là bị giặc bắt rồi thủ tiêu mất xác. Đó là năm 1959, ngày đó ông tròn 23 tuổi.
 
Trước cái chết quá đau đớn của con, lòng má tan nát như ai cứa vào tim, nhưng má tự hào về đứa con trai bé bỏng, quả cảm đã dám xả thân vì nghĩa lớn. Rồi má nghĩ đến các chiến sĩ cũng như những đứa con trai của má, đã gác lại bao tình riêng của gia đình lên đường cầm súng cứu nước. Càng nghĩ má càng thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ như con đẻ, để các anh có được tình yêu thương ấm áp, vui khỏe, yên tâm chiến đấu, mau chóng đuổi sạch quân thù. 
 
Sau lần “bể cơ sở”, bọn giặc bắt cả nhà má ra Tắc Năm Căn, cách nhà hơn 20 cây số. Má đi chỗ này chỗ kia động viên mọi người, phải kiên định tỉnh táo, đừng hoang mang tinh thần trước những lời đe dọa hoặc dụ dỗ của giặc, rồi má tìm mọi cách trở về bám làng giúp đỡ cho cán bộ, chiến sĩ.
 
Ngày 19/9/1962, tại xã Tân Ân, Đoàn 962 được thành lập, tiền thân của Trung đoàn 962 sau này. Lúc này chiến tranh của Mỹ đang từng bước leo thang, chúng ra sức càn quét khắp nơi, hòng tận diệt những người yêu nước làm cách mạng.
 
Vì thế, công việc nuôi quân càng vất vả hơn. Nhà má trở thành trạm dừng chân của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962. Các anh đi và về đều ghé lại ăn nghỉ 2-3 ngày, có khi giữa mưa dầm, nước ròng sát kiệt, đêm hôm khuya khoắt, má và Út Lợi đều lo lắng chu toàn.
 
Nhà má nghèo lắm, để có được miếng ăn, mấy người con gái của má cũng phải ra biển đánh lưới, giăng câu, đêm về đi bắt từng con ba khía bán kiếm tiền, làm ra được bao nhiêu là chăm chút nuôi bộ đội. Năm bảy ngày, má chèo ghe cui đi mua gạo, nói là đi bán kiếm lời, chớ thật ra gạo để dành nuôi cán bộ, chiến sĩ. Lúc còn nhỏ ham ngủ, nhiều khi nửa đêm phải thức dậy nấu cơm cho mấy anh, cực quá, Út Lợi bực bội.
 
Má Bảy biết nên thường dạy dỗ con cái phải biết giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình, phải biết sống có ích, có nghĩa, má còn dặn: “Mấy anh xa gia đình, cực khổ lắm, mình ráng lo để mấy anh không có buồn".
 
Từ đó, Út Lợi hiểu chuyện và tự sửa đổi. Những lúc rảnh, các anh đi giăng câu, giăng lưới bắt cá, bắt tôm, Út Lợi còn nhỏ cũng lóc cóc xách cá tôm đi bán rồi mua trà, mua thuốc hút đem về. Mấy anh lui tới đông lắm, Út Lợi biết hết, nhớ hết như: anh Tám Tân, Sáu Toàn, Ba Kỹ, Tư Mao, Ba Thành, Tư Đình, Năm Mừng, Bảy Nhỏ… chỉ có điều không biết ai là chiến sĩ, ai là chỉ huy.
 
Tân Ân là vùng căn cứ kháng chiến, có một thời gian dài giặc phong tỏa lực lượng, cho hạm đội nhỏ tuần tiểu liên tục khắp nơi, đạn pháo bắn suốt ngày đêm. Ngoài 2 lần dùng máy bay chiến lược B52 rải thảm, giặc thường xuyên “đổ giò”, hòng dồn dân tách xa căn cứ.
 
Nhà của má cũng như bà con xứ Rạch Gốc phải di dời nhiều lần để tránh giặc. Người dân vẫn một lòng bám rừng, chịu cảnh đói khát, sống chết theo cách mạng, không dám qua sông Cửa Lớn mua gạo vì sợ bọn biệt kích bắn.
 
Từ đó đói ăn, thiếu uống, cả nhà má Bảy phải lấy nước mặn đem chưng cất (như chưng cất rượu) để có nước uống cho mấy anh, tìm những bãi mắm lượm trái đem về luộc 7-8 lượt cho bớt đắng, bớt nhẩn để các anh đỡ lòng.
 
Bây giờ nhắc lại, cô Út nói: Người dân Tân Ân đặc sắc lắm! Sống trong hoàn cảnh như thế mà vẫn một lòng yêu thương, chở che bộ đội, những kho vũ khí hàng ngàn tấn đặt cạnh làng dân suốt bao nhiêu năm không hề bị lộ.
 
Càng lớn cô Út càng xinh đẹp, nét đẹp của một cô gái quê đằm thắm, hiền hậu, chất phác, kín đáo, ít nói, chỉ chăm bẵm làm việc của mình. Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, lào xào muỗi, cô tẩn mẩn may vá quần áo, nón tai bèo, may khăn, nghe mấy anh chuyện trò.
 
Cô nghĩ, mình có cực khổ cỡ nào cũng không bằng mấy anh, vì thế làm được gì cho mấy anh, cô đều thấy vui. Ngược lại, mỗi lần đi công tác về, các anh gửi cho cô, có khi chỉ một chiếc lá dớn, khi một bức ảnh, có cả những bức thư…
 
img
Những kỷ vật ngày xưa cô vẫn trân trọng giữ gìn. Ảnh: T.M
 
Giữa chiến trường khốc liệt, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, các anh vẫn nhớ đến mình, đem về tặng mình, cho dầu một món quà nho nhỏ, với cô đều thật quý giá. Nhớ lại hồi đó, vì sợ giặc tràn vô nhà bị lộ, má Bảy nhiều lần biểu đốt bỏ, cô lặng lẽ cho vào bọc ni-lông cột kín rồi đục cây đước tươi nhét vô đó, trân trọng cất giữ cho đến ngày nay.
 
Mỗi lần nhớ về chuyện cũ, thương nhớ anh em, cô lật từng trang kỷ niệm, rồi lẩm nhẩm: Hồi đó có ai học hành tới nơi đâu, sao người nào viết thơ nghe cũng hay quá chừng!
 
Có nhiều anh lính Đoàn 962, người nào cũng đẹp trai, ngỏ ý xây dựng gia đình, nhưng với ai cô cũng nói, thương mấy anh như ruột thịt trong nhà, không nghĩ gì cả. Có người kể rằng: “Hồi ấy, cô yêu thương một người, cả hai không biết hẹn ước thế nào mà anh ấy hy sinh mấy chục năm rồi cô vẫn sắt son ở vậy”.
 
Chẳng biết có phải như thế không nhưng trên mặt gối cách đây hơn 40 năm, có một dòng chữ thêu còn tươi thắm “trọn niềm chung thủy”. Nếu thật thì mối tình đó chắc hẳn đẹp lắm và sâu sắc lắm.
 
Năm 1968, cô và má Bảy được các chú chỉ huy tin yêu điều về giữ cửa khẩu tại rạch Chim Đẻ (nay thuộc xã Tân Ân Tây). Thời gian này, hai mẹ con vẫn làm rẫy, đặt vó… vẫn chăm lo cho các anh, nhưng nhiệm vụ chính là canh giữ cửa khẩu cho đến ngày giải phóng.
 
Ngoài cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962, bất kỳ ai cũng không được vào. Nằm sâu trong đó là con tàu không số - Tàu 69. Mỗi lần nhớ lại lòng cô cứ dạt dào, hình như đâu đây vẫn còn âm vang quen thuộc tiếng nói cười của các anh… những người lính đi ra từ chiến tranh và rồi những người lính làm chiến tranh phải khuất phục.

***

Gương mặt phúc hậu của má Bảy đang mỉm cười, nhìn ngắm những đứa con - những người lính năm xưa trở về đây thăm má, thắp nén hương lòng dâng lên má, nghe gió lộng ngoài khơi tràn về. Gió mùa này to lắm, nó đẩy sóng quất phầm phập vào bờ, những bãi bờ Cà Mau xanh bạt ngàn cây đước, cây mắm vẫn lặng lẽ vươn mình vượt sóng đi tới.
 
Cũng như những tấm lòng cao quý, đức hy sinh của má Bảy, của cô Út “hoa hậu rừng đước”, của những người dân Tân Ân một đời kiên trung bám đất giữ làng, chở che bộ đội. Và cho dù có đi đâu về đâu, thì những người lính của Đoàn 962 năm xưa vẫn nương náu theo một bến bờ lấp lánh tình yêu thương nơi bến cảng lòng dân.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo