xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng “nghêu tặc”

Theo Hải Yến (Cà Mau Online)

Qua mùa nghêu giống năm 2011, ấp nghèo ven biển Kinh Đào Tây - nằm xéo UBND xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển-Cà Mau) bị nhiều người gán cho cái tên “làng nghêu tặc”…

Quanh năm sống đời lam lũ, cũng hiền lành, chất phác như những cư dân miền quê sông nước khác, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ cam chịu bị gọi là "sò tặc", "nghêu tặc" mỗi khi vào mùa giống thủy sản…
 
Làm liều vì thất học 
 
Căn nhà tình thương, thiếu ánh sáng của ông Đỗ Văn Thảo (71 tuổi) chiều nay trĩu buồn. Lần giở xấp hồ sơ của Tòa án huyện Ngọc Hiển, anh Lê Văn Bon, con rể của ông Thảo, giọng đứt quãng: “Tòa kêu án Út Lớn 19 tháng tù giam, Út Nhỏ 12 tháng cùng tội chống người thi hành công vụ. Tôi vừa photo Huân chương Chiến công hạng ba của bà ngoại vợ gởi tòa án, mong xem xét gia đình có công mà giảm án cho hai đứa nó”.
img
Thu hoạch nghêu thương phẩm tại bãi Khai Long. Ảnh: THANH QUANG
 
Gần cuối mùa nghêu giống 2011 (đầu tháng 9/2011), Út Lớn và Út Nhỏ hòa cùng dòng người đi cào nghêu giống ở Khai Long. Gần tới cửa biển Vàm Xoáy, một trong số những xuồng cào nghêu trong đoàn do anh Nguyễn Chí Linh điều khiển chạy mất an ninh trật tự bị Tổ tuần tra của Công an huyện Ngọc Hiển ra hiệu lệnh dừng phương tiện kiểm tra giấy tờ. Linh không chấp hành mà còn chống đối lực lượng chức năng.
 
Thấy đồng đội bị “làm khó”, dòng người cào nghêu giống khoảng 30 phương tiện (trong đó có xuồng của Út Lớn và Út Nhỏ) quay ngược xuồng tông thẳng về hướng những người đang làm nhiệm vụ trên ca-nô. Út Lớn, Út Nhỏ dùng vợt cào nghêu, gậy bằng gỗ tấn công tổ tuần tra nên bị bắt, sau đó bị truy tố về cùng tội danh “chống người thi hành công vụ”.
 
Nói về việc làm sai trái của hai con, ông Thảo ứa nước mắt: “Chính quyền cho phép cào nghêu giống kiếm tiền là chiếu cố rồi mà tụi nó còn bày đặt “nghĩa hiệp”, làm chuyện có lỗi để rước họa vào thân. Phải chi hồi đó có tiền cho nó đi học, biết chữ nghĩa, biết luật với người ta thì đâu đến nỗi này. Là lao động chính trong nhà, nếu đi tù thì già này còng lưng gánh vác, nếu không, cả nhà đói”.
 
Vợ chồng ông Thảo đều là cựu chiến binh, sau năm 1975 rời Nguyễn Phích (U Minh) qua định cư ở Kinh Đào Tây cho tới nay, mưu sinh bằng nghề giăng lưới mé, đăng giống thủy sản ven bờ, cào nghêu, bắt sò, ba khía… tùy thời vụ.
 
Nhà thờ 2 người có công: mẹ ruột tên Nguyễn Thị Minh, Huân chương Độc lập hạng ba; em ruột ông Thảo là Đỗ Văn Phúc, liệt sĩ, hy sinh ngày 14/3/1973. Gia đình chính sách nên năm 2000, ông Thảo được xét cất nhà tình thương.
 
Căn nhà không lớn nhưng là tổ ấm của 6 nhân khẩu đều dốt chữ (ông Thảo, 3 người con, vợ Út Lớn và đứa cháu ngoại). Lúc Út Lớn bị bắt, vợ là Lê Cẩm Tiên đang mang thai, giờ cận ngày sanh nở.
 
“Hồi làm mướn ở Sài Gòn, gặp ảnh đang làm thuê trên đó, phải lòng ảnh nên theo ảnh về đây ở tới giờ, hổng làm đám cưới, cũng chưa trình diện bên em. Mai mốt ảnh đi tù, mẹ con em hổng biết xoay xở thế nào. Cái tên cho thằng nhỏ cũng chưa có, vì em cũng mù chữ”, vợ Út Lớn bùi ngùi nói về tương lai mù mịt.
 
Thấy khách lạ tới nhà hỏi thăm tình cảnh Út Lớn, chị Tiên ngồi co ro phía sau buồn, lén nhìn chồng rồi đưa mắt xuống cái bụng đang ngày một lớn. Ông Thảo đến tuổi xế chiều, sắp tới trở thành lao động chính nuôi cả nhà. Mùa nghêu giống năm 2012, Kinh Đào Tây sẽ vắng 2 người bị coi là nghêu tặc!
 
Không đất canh tác
 
Xóm làng chài Kinh Đào Tây tựa lưng vào vạt rừng phòng hộ thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, mặt trước là con sông Rạch Tàu ăn thông ra biển Đông. Toàn ấp có 195 hộ nhưng không hộ nào có đất canh tác. Ấp hiện còn 54 hộ nghèo và cận nghèo. Đầu năm 2012, có 20 hộ bỏ xứ đi Sài Gòn, Bình Dương… làm thuê, sắp tới sẽ về để tiếp tục đi cào nghêu giống.
 
"Trai tráng còn lại trong làng không có điều kiện làm thuê phương xa nên dắt díu con cái vô mé rừng bắt ốc len, bắt vọp, ba khía. Hộ có xuồng nhỏ bơi cặp mé biển giăng lưới bắt tôm, cá, ghẹ; hộ thì đăng cá kèo, đăng cua giống ven mé biển.
 
Bà con không sợ sóng, sợ gió, chỉ sợ không bắt được cá, tôm để lấy tiền đong gạo qua ngày” - chỉ tay về dãy nhà có nhiều cao su sọc của xóm mình, Phó ấp Kinh Đào Tây Phan Văn Dũng cho biết.  

img

Bị gọi là “tặc” nhưng thanh niên xóm Kinh Đào Tây kiên quyết bám biển vào mùa nghêu giống năm nay.   Ảnh: HẢI YẾN
 
Dân Kinh Đào Tây gọi đăng cua giống, cá kèo giống cào nghêu cặp mé biển là “nghề cạn” - nghề bị cấm do tận diệt nguồn lợi thủy sản ven biển. Biết vi phạm pháp luật nhưng những năm qua, dân nghèo nơi đây bỏ ngoài tai, bất chấp tất cả vì cơm áo gạo tiền. Chính quyền địa phương cảm thông với hoàn cảnh của cư dân nghèo nên kiểm soát theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, nếu không sẽ triệt đi “nồi cơm” của cả xóm.
 
Ông Phan Văn Cấm (73 tuổi), gắn bó cả đời ở Kinh Đào Tây, nói: “Hổng có tiền đóng tàu lớn để đánh ngoài khơi nên chấp nhận bám mé, chứ trong bờ tôm cá bé tẹo, dạo này không còn nhiều nữa. Cũng may, gần đây có thêm nguồn nghêu giống sinh sản cặp bãi Khai Long, dân xóm tôi có thêm cơ hội kiếm tiền. Chính quyền có cấm bà con cũng làm, có bị gọi là tặc này tặc nọ cũng chịu bởi nghêu giống chỉ xuất hiện vài tháng, không bắt nó thì nó cũng trở về với biển, phí lắm”.
 
Đi dọc Kinh Đào Tây, con nước lớn chiều tháng tư lên nhanh, ngập vài ngõ ngách xóm nghèo. Ít nắng cuối chiều héo hắt xuyên qua vách những căn nhà xập xệ vắng chủ. Ngoài mé biển, vài đứa trẻ mình mẩy ướt nhẹp, đeo chân cha mẹ sau cả ngày lam lũ với những con sóng lớn, dáng liêu xiêu trở về.
 
Có lẽ cuộc sống quá khó khăn nên họ không còn sợ biển dữ. Nỗi sợ đã bị khỏa lấp bởi tiếng trẻ thơ đòi ăn, tiếng cọt kẹt của cột kèo bị mối mọt lâu ngày, tiếng phành phạch sau những cơn gió lùa ngang vách cao su sọc không đủ sức chống chịu trong mùa mưa bão tới.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo