xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lão nông "gàn" đem hết tiền đi xây cầu ở Bình Định

Theo Dương Đình Tường (Báo Nông Nghiệp VN)

Chưa hết, lão nông “gàn” này còn ấp ủ tiếp tục xây cầu mới cho dân.

Là nông dân quanh năm lam lũ khổ cực, phải ở trong căn nhà cấp 4 với những mảng tường đã bong lớp vữa, nhưng lão nông Lê Văn Thành (58 tuổi, ở thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tình nguyện mang hết số tiền tích góp cả đời xây dựng cây cầu kiên cố cho dân đi.

1. Cơn lũ đi qua, người dân xã Nhơn Thọ tất bật với công việc dọn rửa nhà cửa, khôi phục đồng ruộng để sớm ổn định đời sống trở lại. Con đường dẫn vào thôn Lộc Thọ 1 nhiều nơi hư hỏng, ổ gà lởm chởm, xói lở khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Các em nhỏ đến trường phải có người lớn theo cùng.

Ông Cao Thái Sang - trưởng thôn Lộc Thọ 1, cho biết: “Lũ về nhanh quá nên người dân trở tay không kịp. Nhiều vật dụng của người dân phần hư hỏng, phần bị lũ cuốn trôi. Sau lũ, người dân bắt tay ngay vào việc dọn dẹp để ổn định đời sống. Tuy nhiên, ngán nhất là con đường vào thôn bị hư hỏng nặng nề nên việc đi lại của người dân rất khó khăn”.

Dẫn chúng tôi đi qua cây cầu Vườn Bộng đứng vững chãi ở giữa cánh đồng Bờ Cạn, ông Sang bảo: “May mà cây cầu này còn nguyên vẹn, chứ nó cuốn theo lũ nữa thì không biết việc đi lại của người dân sẽ như thế nào. Cây cầu này là công sức của ông Lê Văn Thành xây cho dân đi đấy. Nhà nghèo nhưng ông ấy biết lo cho dân, bỏ cả trăm triệu xây cầu cho dân đi. Dân ở đây biết ơn ông ấy lắm”.

Nói rồi ông Sang kể, thôn Lộc Thọ 1 và Lộc Thọ 2 của xã Nhơn Thọ bị ngăn cách bởi con suối Bờ Cạn chạy giữa cánh đồng. Con suối không lớn, chỉ rộng chừng 6m, nhưng khiến cho việc đi lại của người dân hai thôn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trước đây, cầu tre hầu như năm nào cũng phải làm mới, vì mỗi mùa nước lớn, cầu bị cuốn phăng theo dòng nước lũ. Chuyện chiều hôm trước còn đi trên cầu, sáng hôm sau lơ tơ mơ bước hụt chân rồi rơi tõm xuống suối là bình thường.


Ông Thành bên cây cầu do mình tích góp tiền bạc cả đời để xây dựng.

Ông Thành bên cây cầu do mình tích góp tiền bạc cả đời để xây dựng.

“Người dân ở đây té cầu không biết bao nhiêu lần, nhưng may là chưa có ai chết cả. Người lớn đi cày, đi làm đồng mà té thì bị ướt nước, lấm bùn thôi, chứ không đáng ngại. Thương lắm là mấy đứa học trò quần áo trắng tinh, lỡ rớt xuống suối làm bẩn hết, sách vở cũng đi tong. Cũng một vài lần, khi con nước lớn, nhiều em bị té, nhưng may gặp người lớn cứu vớt, chứ không thì mất mạng rồi”, ông Sang cho biết.

Ông Sang còn kể chúng tôi nghe câu chuyện trước đây một hộ gia đình trong thôn Lộc Thọ 1 có người thân mất, nhưng đem chôn ở thôn Lộc Thọ 2 nên buộc phải đi qua suối Bờ Cạn. Lần đó, nhóm người khiêng quan tài đi đến giữa cầu thì mấy thanh tre mục chịu lực không nổi, thi nhau gãy rôm rốp, nhóm người loạng choạng rơi xuống suối, chỉ còn quan tài là vướng lại nằm lủng lẳng trên cầu. Từ lần ấy, hễ gia đình nào có người mất muốn khiêng quan tài đi qua cây cầu này đều nhờ đám thanh niên trong làng đến kiểm tra, tìm thêm cây gỗ chằng chống cho kiên cố, rồi mới dám đi qua.

2. Ở quê nghèo Lộc Thọ này, quanh năm người dân gắn chặt với gốc rạ, vợ chồng ông Thành cũng làm nông, chỉ vài sào ruộng, không đủ lo cho con cái học hành nên khi mùa màng xong xuôi, ông Thành đi làm thợ hồ kiếm thêm thu nhập, vừa trang trải cuộc sống, vừa tích góp ít vốn để sau này lo tuổi già. Nghề thợ hồ, nay đây mai đó, cực khổ, có khi phải xa vợ con nhưng ông chẳng hề nản chí. Suốt hơn 15 năm làm việc cật lực với nghề, ông cũng tích góp được chút ít, nên khi có tuổi, ông bỏ nghề, chuyển sang làm ruộng, chăn nuôi.

Ngôi nhà cấp 4 mà gia đình ông đang ở được xây từ năm 1988, nay cũng đã nhuốm màu cũ kỹ, những mảng tường đã bong lớp vữa, lộ lớp gạch ra bên ngoài. “Sẵn có nghề thợ hồ nên rảnh lúc nào, tôi xây lúc đó. Xây 3 đợt mới hoàn thành ngôi nhà, nhưng chỉ với 120 bao xi măng, còn lại vôi vữa là chính nên giờ nhà đã xuống cấp theo thời gian”, ông Thành kể lại.

Bản tính nhà nông quen dành dụm, tiết kiệm nên khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống đỡ chật vật hơn, vợ chồng chi tiêu dè dặt, tích cóp được hơn 100 triệu đồng phòng đau ốm về già. Nhưng cứ mỗi khi đi ngang cây cầu tre trong xóm, mỗi lần chứng kiến những đứa trẻ trong làng bì bõm dưới nước, ông lại thêm ám ảnh.

“Chứng kiến bà con đi lại khó khăn, nhất là các cháu học sinh nhỏ thường qua lại cây cầu tre ọp ẹp đến trường, có cháu đi học bị rớt xuống cầu rất nguy hiểm, tôi muốn làm cầu để tiện cho bọn nhỏ nuôi dưỡng ước mơ, mai này thành tài làm giàu cho quê hương, đất nước. Tôi bàn với vợ đóng góp số tiền 110 triệu đồng dành dụm để làm cây cầu bê tông. Tưởng bả ngăn vì nhà cửa còn ọp ẹp, xuống cấp, lại lo đau ốm, nhưng bả ủng hộ ngay và đồng tâm cùng làm”, ông Thành kể.

Vợ ông, bà Trương Thị Hoa (56 tuổi), quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời với 5 sào ruộng và vài con heo nái, nên số tiền đó là cả một gia tài. Nhưng bà bảo, nghĩ sau có chết đi cũng không mang theo được, hay chăng mình làm việc tốt vừa đỡ cho dân vừa tích đức về sau cho con cái. “Tôi cũng từng suýt mất mạng khi qua cây cầu tre ọp ẹp này. Tôi nhớ mãi cái hôm trời nhập nhoạng, tôi đạp xe từ ruộng về nhà, đi đến nửa cầu thì cả người lẫn xe nhào xuống dòng nước xiết. May sao lúc đó có cô hàng xóm nhìn thấy vội thả gậy kéo lên bờ”, bà Hoa kể lại.

Nghe chuyện ông Thành bỏ cả trăm triệu đồng để xây cây cầu dân sinh, không ít người nghĩ ông là một phú nông. Bởi lẽ, chỉ có bậc doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm mới bỏ ra số tiền nhiều vậy, chứ nông dân nghèo còn bao nhiêu việc phải lo, ai hơi đâu làm vậy. Thế nên khi biết vợ ông đang sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, nhưng bỏ số tiền lớn xây cầu, người ta gọi ông là “lão gàn”, có người còn bảo ông bị điên.

3. Ngay khi vợ gật đầu ủng hộ, ông Thành liền chạy lên báo cáo với thôn, xã về việc ủng hộ xây cầu. Được cấp trên duyệt, ông lại theo chân trưởng thôn Cao Thái Sang đi vận động dân làng đóng góp thêm, người góp công, người góp của rồi tất tả lo chuyện thiết kế, vật liệu xây cầu. Kinh phí xã có hạn, nên xã đóng góp dầm sắt, rồi liên hệ nhờ công ty tư vấn thiết kế xây dựng làm giúp bản thiết kế miễn phí.

Đúng ngày 2-9-2015 khởi công, cả làng xúm tay cùng làm. Người xách máy bơm từ nhà đi kéo nước, người chặt tre làm cốp pha, trộn vôi vữa... Ông Thành xắn tay, hì hục dưới nước từ mờ sáng. Vốn có chút kinh nghiệm từ nghề thợ xây nên ông cáng đáng luôn chức thợ cả, chỉ bày cho từng người làm các khâu. Còn bà Hoa tất bật lo phục vụ nước cho đội lao động, sốt sắng như việc nhà mình.

Đến ngày 25-9-2015, cây cầu mới vững chãi, có lan can an toàn hoàn thành trong niềm hân hoan của làng trên xóm dưới. Nhiều người cứ đi qua đi lại mấy lần mới tin là có thật. Cây cầu mang tên Vườn Bộng (theo tên địa danh), dài 6m, rộng 3,5m, tổng kinh phí xây dựng 157 triệu đồng, trong đó ông Thành đóng góp 110 triệu đồng.

Khi được hỏi về niềm vui khi hoàn thành cây cầu, ông Thành bảo: “Ngày khánh thành cây cầu, cả làng ai cũng hân hoan trong niềm phấn khởi. Mà không vui sao được, khi cây cầu hoàn thành đồng nghĩa với việc giải quyết nhu cầu đi lại thuận lợi của hơn 200 hộ dân ở thôn Thọ Lộc 1 và Thọ Lộc 2, nhất là các em học sinh sẽ yên tâm đến trường trong những ngày mưa bão”.

Cụ Huỳnh Văn Thanh (82 tuổi, ở xóm Thọ Phước, thôn Thọ Lộc 2) cho biết: “Bên xóm tôi có hơn 100 hộ dân sử dụng chiếc cầu kiên cố do ông Thành xây dựng. Hồi trước, phải đi qua chiếc cầu tre yếu ớt, học sinh rớt xuống kênh liên tục, mọi người phải thay phiên ứng cứu. Nhưng từ khi cầu Vườn Bộng được hoàn thành, mỗi mùa thu hoạch về, người dân trong xóm có thể lái xe cơ giới bon bon đưa nông sản về tận nhà. Và nỗi lo của những đứa trẻ đến trường, phải chịu cảnh rớt kênh đã không còn hiện hữu”.

4. Hoàn thành cây cầu Vườn Bộng, ông Thành mãn nguyện lắm, nhưng không chỉ có vậy mà ông đang ấp ủ một dự định khác, vẫn là việc xây cầu. Ông kể, cách cây cầu Vườn Bộng hơn 1km là cây cầu Bà Mưu xây dựng gần 15 năm nay, nhưng trong đợt lũ vừa qua, cây cầu đã bị sập. Hiện gần 100 hộ dân đi lại trên cây cầu này phải đi vòng đến cầu Vườn Bộng, quãng đường đi rất xa, gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đặc biệt là việc đi lại của các em học sinh lúc trời mưa, trời gió.

Ông Thành chia sẻ: “Bây giờ, vợ chồng tôi không còn tiền để mà đầu tư xây như cây cầu Vườn Bộng nữa. Nhưng sắp tới, tôi sẽ đi huy động bà con, mọi người cùng nhau chung tay, chắc chắn sẽ xây dựng lại cây cầu Bà Mưu. Cùng lắm thì tôi vay ngân hàng một ít, rồi mình cố gắng làm trả dần. Mình còn sức nên cố gắng huy động để làm cho được, chứ đến lúc già yếu sẽ không làm nổi”.


Ông Thành kể chuyện xây dựng cầu Vườn Bộng.

Ông Thành kể chuyện xây dựng cầu Vườn Bộng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Hào - Chủ tịch UBND xã Nhơn Thọ bảo, trong đợt lũ vừa qua, cây cầu Vườn Bộng vẫn bám trụ kiên cố, trong khi cây cầu Bà Mưu cũng bắc qua suối Bờ Cạn đã bị sập hoàn toàn. Người dân qua lại ở cây cầu này phải đi vòng đến cầu Vườn Bộng hơn 1km để lưu thông. “Trong đợt lũ vừa qua, nếu không có cây cầu Vườn Bộng thì không biết bà con ở đây sẽ đi lại như thế nào. Nói thế để biết được tấm lòng thảo thơm, nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng ông Thành là như thế nào. Ít ai có thể làm được như vợ chồng ông”, ông Hào cho biết.

Nói rồi, ông Hào bảo: “Đây là câu cầu nông thôn đẹp nhất của xã Nhơn Thọ, vừa thiết kế an toàn, kiên cố vừa thể hiện được tình đoàn kết của dân. Chính quyền địa phương cũng đã khen thưởng đối với ông Thành trong phong trào nông thôn mới, khuyến khích và nhân rộng ý thức đóng góp cho cộng đồng. Vừa qua, thị xã An Nhơn cũng đã tặng giấy khen cho ông Thành, tuyên dương gương người tốt việc tốt và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nhà ông Thành cách cây cầu Vườn Bộng khoảng hơn 100m. Hằng ngày, ông rất mãn nguyện khi nhìn thấy cảnh những người dân trong thôn đi lại đông vui trên cây cầu do mình vận động xây dựng. Với ông, không có sự ghi công nào bằng cái tình, cái nghĩa, sự yêu mến của bà con dành cho ông mỗi khi qua cầu.

Phan Nhuận Phin

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo