xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lên điện Bồ Hong thở cùng mây ngàn lãng đãng

Theo THÀNH CHINH (An Giang Online)

Điện Bồ Hong là nơi cao nhất trên đỉnh núi Cấm và trong dãy Thất Sơn. Lên đỉnh Bồ Hong nhìn về phía nam, cánh đồng Lê Trì, Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) tựa như một tấm lụa đa sắc màu. Trông về phía tây là một quần thể kiến trúc chùa chiền quanh hồ Thủy Liêm ẩn hiện trong mây ngàn lãng đãng.

Đi trong mây mù
 
Từ dưới chân núi nếu đi đường bộ lên điện Bồ Hong phải mất hơn 4 giờ đồng hồ, còn đi xe chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Ngày nay, con đường lên điện Bồ Hong được sơn dân hùn kinh phí để mở lên tận đỉnh nhằm vận chuyển rau màu, trái cây xuống núi. Mùa này, nếu đi đường bộ leo núi Cấm dễ bắt gặp bà con hối hả chở măng rừng đem cân cho thương lái.
 
Ngoài ra, tại điện Bồ Hong mỗi ngày có trên 50 tay lái xe ôm mưu sinh theo đường núi. Chỉ cần du khách đặt chân đến hồ Thủy Liêm là có xe ôm phục vụ tận nơi. Ngồi phía sau những tay lái xe ôm lên điện Bồ Hong, quay nhìn phía sau cảm thấy choáng ngợp, bởi con đường đèo dốc khúc khuỷu.
 
Chiếc xe Honda được làm lại nhông, dĩa và bố nên vượt dốc núi mạnh như trâu. Còn những “bác tài” điều khiển tay lái rất điệu nghệ, nhưng người yếu “bóng vía” sẽ cảm thấy rất sợ khi vượt qua những đoạn đường dựng đứng. Thấy chúng tôi căng thẳng, anh Thảo- người hành nghề xe ôm lâu năm lên núi Cấm, trấn an: “Chú em an tâm, tụi tôi lái an toàn lắm. Nếu xe của mấy chú mà chạy lên núi thì không tài nào bườn nổi, bởi dốc cao và đứng. Hồi trước, có một lão nhà vườn bên vồ Bà Cửu mua xe gắn máy về, rồi nghĩ ra cách thay nhông dĩa lớn hơn để chinh phục những đoạn đường cao ở núi Cấm. Từ đó, tụi tôi mới học theo và hành nghề chạy xe ôm lên núi cho đến nay”.
 
Con đường ngoằn ngoèo chạy dài tận điện Bồ Hong, với nhiều lối rẽ, hai bên vườn tượt xanh mướt mắt. Gần đến điện Bồ Hong, muốn leo tận đỉnh du khách phải vượt hàng ngàn bậc thang dựng đứng...
 
img
Đường lên điện Bồ Hong
 
Theo ông ba Lưới, Trưởng ban Quản tự thiền viện Phật Lớn, sở dĩ có tên gọi điện Bồ Hong là xưa kia nơi đây núi rừng thâm u có nhiều bồ hong trú ngụ bay như muỗi ở đồng bằng. Đêm xuống, người dân phải dùng lá cây đốt xông trong nhà thì mới đuổi bồ hong đi nơi khác. “Hồi đó, tui từng lên điện Bồ Hong tìm dược liệu để cứu người, mỗi lần đi ngang đây phải đem theo cây rọi để xua đuổi đám bồ hong bay dày đặc. Còn ban đêm, tui đố ai dám ăn cơm trễ, bởi bồ hong bay dày đặc trước ngọn đèn dầu.
 
Nhưng loại côn trùng này chỉ xuất hiện vào những tháng đầu mùa mưa, sau đó thì bay đi đâu mất. Trên điện Bồ Hong, nơi cao nhất có thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, bên trái thờ Diêu Trì Thánh Mẫu và Cửu Huyền Trăm Họ. Hiện địa điểm này, có rất nhiều du khách đến chinh phục và thưởng ngoạn. Nếu du khách đặt chân đến núi Cấm mà chưa chinh phục điện Bồ Hong thì xem như chưa đi núi Cấm”, ông ba Lưới nói.
 
Ngủ đêm thưởng thức khí hậu trong lành
 
Nhiều đoàn khách đi bộ khi đặt chân đến đỉnh Bồ Hong họ thở phào nhẹ nhõm. Mùa này, núi Cấm mây mù giăng lãng đãng, du khách đến điện Bồ Hong sẽ cảm thấy dễ chịu và mát mẻ. Nhìn về phía Lê Trì, Ba Chúc (Tri Tôn), khung cảnh bao la hùng vĩ. Để tạo điều kiện cho du khách lưu trú qua đêm, tại khu vực điện Bồ Hong, người dân mở ra nhiều nhà trọ, quán xá phục vụ 24/24 mà giá cả cũng khá bình dân.
 
Bà Phượng Hồng, chủ một nhà trọ trên điện Bồ Hong, nói: “Hổm rày, ảnh hưởng bão nên trên điện Bồ Hong mây mù luôn bao phủ. Nhiều du khách dừng chân qua đêm trên núi để thưởng thức cái khí hậu mát mẻ ở đây. Đặc biệt, năm nay điện Bồ Hong có nhiều đoàn khách miền ngoài vào cũng ngủ đêm để thưởng thức cảnh trên núi Cấm. Họ so sánh khí hậu nơi này không thua Đà Lạt…”.
 
Từ đỉnh Bồ Hong nhìn xuống tượng Phật Di Lặc với khuôn mặt hiền từ ẩn hiện trong sương chiều, chúng tôi bắt gặp đoàn người đang nối đuôi vượt dốc.
 
Ông hai Khánh, quê ở huyện Phú Tân, hồ hởi: “Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa mưa là tụi tôi rủ nhau thuê xe khách 25 chỗ lên núi Cấm. Đi bộ mới thưởng thức, chiêm bái cảnh chùa trên núi, nhất là phải chinh phục điện Bồ Hong, nơi cao nhất núi Cấm khoảng 716m. Từ sáng sớm, chúng tôi đã leo núi, đi qua nhiều vồ điện trên núi. Sau đó, khoảng 4 giờ chiều mới đến tận điện Bồ Hong, rồi thuê phòng ngủ qua đêm. Trời về khuya, núi Cấm lạnh y như khí hậu ở Đà Lạt. Ai mà leo núi Cấm không ngủ qua đêm trên điện Bồ Hong thì thiệt uổng!”.
 
Chị Trần Thị Giang, một chủ quán nằm trên đường lên điện Bồ Hong cho biết, đây là điểm du lịch tâm linh thờ các vị thần, ngọc hoàng do người xưa xây dựng lên để răn dạy mọi người sống hướng thiện. Leo điện Bồ Hong, du khách thắp nén nhang tỏ lòng biết ơn đối với các vị tiền nhân khai sơn phá thạch, biết ơn tổ tiên cha mẹ, ơn tam bảo và ơn đồng bào nhân loại.
 
Chiều buông! Chúng tôi tranh thủ xuống núi. Xa xa, từng đoàn khách cũng đang tuột dốc trong sương mù mờ ảo.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo