xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người bán hủ tiếu và bản án 14 năm tù

Theo KHÁNH HƯNG (An Giang Online)

Ngày 18-11-2011, chúng tôi tiếp xúc với Dương Hữu Hạnh (SN 1967, ngụ 324/1 khóm 7, phường Mỹ Long, tạm trú nhà trọ Hưng Thịnh, khóm Thạnh An, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên-An Giang) tại trụ sở Công an phường Mỹ Thới vài giờ sau khi ông dùng dao đâm chết anh vợ của mình.

Hơn nửa năm sau, tôi gặp lại ông trong một không gian khác: Tòa án nhân dân tỉnh. Trở thành bị cáo, ông vẫn không thay đổi nhiều, chỉ trừ một chi tiết: Mái tóc giờ lấm tấm bạc hơn xưa.
 
Thật hiếm khi tôi thấy đông đúc người dân tham dự phiên tòa, mà đa số lại đứng về phía… bị cáo. Họ thương cho ông bán hủ tiếu hiền lành, giỏi giang, vui tính với tên thường gọi là Tèo. Họ hiểu rõ những buồn tủi  ông chịu đựng nhiều năm trời, do chính nạn nhân gây ra.
 
“Ổng giết người là sai, nhưng cũng tại bên kia làm dữ quá, ổng nhịn không nổi mới có chuyện. Mấy lần người nhà vào thăm, tụi tui cũng nhờ chuyển lời nhắn nhủ với ông Tèo, cứ yên tâm cải tạo, mai mốt về lại cộng đồng mình sống tốt hơn. Người dân ở xóm luôn ủng hộ tinh thần cho ổng” – một người dự khán cũng là hàng xóm của bị cáo chia sẻ. Cái tình, cái nghĩa “tắt lửa tối đèn” giờ đây mới thật sự quý giá, đáng trân trọng!
 
…Nạn nhân Lê Văn Diềm (sinh năm 1957, hộ khẩu thường trú số 10/5, khóm Thạnh An, phường Mỹ Thới) cùng vợ có thời gian buôn bán dưới mé sông. Công việc khá tốt, nhưng vì nhiều lý do, cả hai nghỉ. Lúc ấy, Dương Hữu Hạnh, em rể bà con của Diềm vừa mới bán xong căn nhà  ở phường Mỹ Long để trả nợ. Không còn chỗ sinh sống, Hạnh dọn về ở trọ gần nhà Diềm.
 
Thấy hoàn cảnh đáng thương của Hạnh, chủ nhà trọ đồng ý cho vợ chồng ông che đỡ căn chòi nhỏ dưới mé sông, nơi bán thức ăn cũ của ông Diềm. Nhờ công việc bán hủ tiếu, ông Hạnh có thu nhập ổn định vài triệu đồng/tháng. Cộng với tính tình vui vẻ, xởi lởi, tốt bụng, ông được nhiều người trong khu vực ủng hộ hàng quán nhiệt tình.
 
Thấy vậy, vợ chồng ông Diềm không được vui. Bắt đầu từ đó, mỗi lần nhậu say, Diềm lớn tiếng chửi mắng Hạnh bằng nhiều câu tục tĩu. Nghĩ mình là phận em, lại chân ướt chân ráo mới tới, Hạnh im lặng chịu đựng.
 
Chiều tối ngày xảy ra vụ án, Hạnh tổ chức uống rượu cùng nhóm bạn, đến khoảng 18 giờ 45 phút thì nghỉ. Lúc này, rượu chỉ còn nửa ly, Diềm đến đòi nhậu chung, nhưng Hạnh từ chối với lý do đang dọn dẹp chén dĩa, tranh thủ thời gian để sáng thức sớm dọn hàng cùng vợ. Diềm bắt đầu lớn tiếng la mắng.
 
Thấy không êm, Hạnh xuống nước nhỏ cho qua chuyện: “Hết mồi, nhậu gì nữa anh Tư?”. Ông Diềm chửi thề: “Mày khi dễ tao hả?”, rồi bất ngờ nhào đến đánh vào mắt phải của Hạnh. Được mọi người can ngăn kịp thời, vụ việc ngừng lại ở đó. Khi về tới nhà, Diềm vẫn còn nóng giận, nên chửi mắng tiếp tục.
 
Không nén nổi bực tức, Hạnh vào bàn bán hủ tiếu chụp con dao Thái Lan cán nhựa màu vàng (thường dùng để xắt hành ớt), la lớn: “Anh mà còn đánh tui nữa là tui đâm thiệt đó nghe!”. Diềm vẫn không ngừng xông đến, nên Hạnh đâm thẳng vào phần ngực Diềm hai cái, khiến nạn nhân bị thương nặng, tử vong trên đường đi cấp cứu.
 
Hạnh dùng khăn lau sạch máu trên con dao, cất vào trong ngăn bàn và tự động đến nhà của ông Đoàn Văn Ê, Tổ trưởng Tổ 5, khóm Thạnh An để trình báo vụ việc: “Tui mới đâm ông Diềm bị thương, nhờ chở đi cấp cứu giùm. Giờ tui ở đây, ông báo với Công an phường đến làm việc, mọi tội lỗi tui đứng ra chịu hết”. Lúc lực lượng chức năng có mặt, Hạnh bình tĩnh trả lời mọi câu hỏi và thuật lại tường tận hành động của mình lẫn hiện trường xảy ra vụ việc.
 
Khi tôi đến trước mặt, bị cáo Hạnh gật đầu với hàm ý đã nhận ra tôi. Ông trò chuyện suốt giờ nghỉ giải lao đợi nghị án, như muốn trút sạch nỗi lòng mình. Nhưng ông cứ khóc suốt. Nước mắt lấm lem trên gương mặt, trên chiếc áo thun trắng, trông ông yếu đuối hơn vẻ ngoài rắn rỏi, giọng lạc đi sau mỗi câu nói.
 
Khi tôi khuyên ông đừng khóc nữa, ông lại quẹt nước mắt: “Không khóc sao được hả cháu, chú buồn lắm! Từ bữa chú bị bắt đến giờ, vợ chú cũng nghỉ bán hủ tiếu luôn. Bả chuyển qua giặt đồ thuê, mỗi tháng kiếm chỉ được 600 – 700 ngàn đồng. Xài tằn tiện, chắt chiu, mỗi tháng bả vào trại thăm chú, kèm theo mớ đồ ăn hủng hỉnh và 100.000 đồng. Hai vợ chồng già nhìn nhau mà không dám khóc, phải cố gắng cười để có nghị lực mà sống tiếp.
 
Mọi chuyện đến nông nỗi này cũng do chú không tự kiềm chế mình, khóc lóc chỉ làm vợ con ở ngoài thêm rối trí. Nhưng sao hôm nay ra tòa, nước mắt cứ rớt hoài! Chú muốn mình cải tạo tốt, sớm trở về làm lụng cực khổ như trước để lòng thanh thản hơn, để kiếm tiền bồi thường cho gia đình anh Diềm”.
 
Rồi bị cáo lại chuyển qua tâm sự về hai cô con gái lấy chồng xa, về đứa cháu ngoại bụ bẫm, dễ thương vợ chồng ông nuôi từ nhỏ. “Nó cứ hỏi chú, ngoại ơi sao ngoại không về ở với con? Chú trả lời, ngoại đang ở tù mà, sao về được! Nó chưa biết gì, con nít mà. Ngay cả người lớn mình cũng chưa biết hết mọi chuyện trên cuộc đời này…”.
 
Toà án nhân dân tỉnh tuyên phạt Dương Hữu Hạnh 14 năm tù với tội danh “Giết người” theo điểm n, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự, buộc phải bồi thường 50 triệu đồng theo yêu cầu gia đình bị hại. Bị cáo đón nhận bản án với ánh mắt đỏ hoe, cố gắng quay lại tìm kiếm người thân trong đám đông. Tôi tự hỏi, ông có còn nghị lực để làm lại từ đầu khi đã lục tuần ngày trở về hay không?
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo