xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nuôi chó thời nay

Theo TẤN PHƯỚC (Bình Định Online)

Đi từ hẻm phố, ra xóm chài, đến buôn làng đâu đâu cũng gặp chó. Chó được nuôi tại nhà, cơ quan, đơn vị cho đến trang trại, chòi canh, bãi chứa... Chó là vật nuôi gần gũi với con người. Vậy mà, ngày nay nhiều người nuôi chó luôn phải đối phó với nạn trộm chó lộng hành.

 

img
Nuôi chó ở quê.


Theo những người nuôi chó lâu năm, hiện có ba giống chó được nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh là chó ta, béc-giê và chó Nhật. Chó ta còn gọi là chó sẻ, nhỏ con, sủa tốt, ít đau bệnh, chiếm số lượng lớn trong số chó nuôi. Chó béc-giê to cao, có con lên đến 40kg, rất bén hơi, chịu huấn luyện, nhưng khó nuôi. Chó Nhật nhỏ con nhất, ít sủa, thường nuôi làm cảnh để tiêu khiển.

Nuôi chó
 
Người dân nuôi chó với nhiều mục đích khác nhau. Anh Đào Văn Thành, ở thôn Quy Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước - người có trên hai mươi năm sưu tầm chó nuôi để huấn luyện thành chó săn - trò chuyện: “Ở quê, nhà có con chó thấy vui. Đêm ngủ, có chó nằm trong sân, ngày lên rẫy có chó đi theo, mình thêm dạn chân, bớt ngại. Đa số bà con nuôi chó để giữ nhà, người già neo đơn nuôi chó làm bầu bạn, còn người khá giả nuôi chó để tiêu khiển. Một số người còn nuôi, tập cho chó giữ bò, dê, săn chuột”. Còn bà Nguyễn Thị Quả, 78 tuổi, ở đường Trần Phú, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, thì bảo: “Ở phố, nuôi chó để giữ nhà và ăn thức ăn thừa. Hiện xung quanh tôi có hầu hết các hộ dân đều nuôi chó, đa số là chó sẻ và chó Nhật”.
 
Số lượng chó nuôi ở từng nhà, từng vùng khác nhau. Có nhà nuôi một con, có nhà nuôi ba, bốn con. Chó nuôi ở quê nhiều hơn, đa số thả rông. Chó quanh quẩn bên chủ, biết mừng đón chủ về. Nhiều con như hiểu được ý chủ nên luôn được cưng.
 
Anh Thành tâm sự: “Mới đây, tôi có con chó sẻ khôn đáo để. Sáng ra, lùa bò lên rẫy, nó đi theo giữ bò suốt buổi. Con bò nào rời rẫy lên rừng là nó chặn đầu sủa, nhe răng dọa. Bò không đi xa được, tôi có thời gian để trồng trỉa. Rồi trộm cuỗm mất con chó, tôi ngẩn ngơ cả nửa tháng trời”. Trầm ngâm một lúc, anh Thành bảo không mấy người nuôi chó mà muốn bán chó; trừ trường hợp chó ghẻ, điếc, sủa tru, cào sân, ăn gà, cắn lén hoặc bướm trán, lỏ đuôi, không nuôi được.
 
Bà Hai Máy, 86 tuổi, ở thôn này, sống một mình, có con chó tướng mạo chó săn, người ta hỏi mua với giá tiền cao hơn chó thịt nhưng bà không bán, bảo để nuôi đến khi nó chết hoặc bà chết mới thôi.
 
Trộm chó lộng hành
 
Những năm gần đây, nạn trộm chó diễn ra ngày càng tinh vi và lộng hành, khiến nhiều người lo lắng, từ chỗ lác đác sau lan rộng đến nhiều xã, thôn, xóm, hẻm phố. Ông Lê Hữu Chấn, ở xóm Hóc Cau, thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, thổ lộ: “Trước năm 2005, nghe tin mất chó, bắt được trộm chó, bà con thấy lạ, xôn xao. Bây giờ, mươi bữa nửa tháng thôn này có tin mất chó, xóm kia vây bắt được trộm, vùng nọ bị trộm chó hăm dọa, thách thức...
 
Riêng ở các xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Phong, chỉ mấy tháng gần đây, tôi đã nghe gần chục vụ mất chó, trộm chó. Mới đây, chúng vào tận xóm hóc này bắt chó nhà ông Năm Ánh và chó nhà ông Ba Hùng. Người làng phát hiện, hô hoán, chúng cắt đường, phóng xe dong tuốt!”.
 
Trộm chó diễn ra ban đêm đã đành, nhiều nơi, trộm hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật. Ông Đỗ Việt Tân, ở đường Trần Phú, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, bức xúc: “Mới tuần trước, hai tên trộm chó vào phố này đầu buổi sáng. Đang dọn dẹp trong nhà, nghe tiếng “oẳng”, chạy ra thấy một thằng kẹp cổ con chó nhà hàng xóm lôi ra xe. Tôi la lên, hai tên giơ gậy dọa, rồi lên xe rồ máy phóng thẳng”.
 
Thời gian gần đây, nhiều trộm chó sử dụng đến nhị khúc, côn. Có đồ nghề trong tay, chúng càng liều lĩnh, ngạo nghễ hơn. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, ở thôn Trung Bình, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, ngậm ngùi kể: “Cách đây nửa tháng, mới đầu hôm trộm chó vào sân nhà tôi. Con chó từ trong nhà phóng ra, chúng rút nhị khúc quất một phát, con chó lật ngửa. Trộm xốc chó ra xe, tôi chạy theo, nó xỉa nhị khúc bảo: “Muốn chết hả? Khôn hồn thì im miệng!”. Tôi đứng như trời trồng trong khi chúng điềm nhiên lên xe, chở chó đi tuốt”.
 
Nhiều địa phương trong tỉnh còn xuất hiện nạn trộm chó bằng bã tẩm chất cực độc, ném cho chó ăn; sau năm, bảy phút, chúng quay lại xách chó lên xe, ung dung chở đi như nhặt mót. Kiểu trộm này rất khó phát hiện.
 
Anh Trần Văn Lành, ở thôn Quy Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước, đưa tôi ra hiện trường chó nhà anh chết và kể: “Tháng trước, hai thằng đi xe máy qua đây được một lúc rồi quay lại. Vợ chồng tôi đang tát nước, thấy nó dừng xe trước nhà, kéo lê con chó. Tôi la lớn, người làm đồng ùa đến, bọn trộm ôm được một con lên xe chạy, con còn lại nằm co giật một lúc rồi chết. Cạnh chỗ chó nằm còn một miếng bã to bằng ngón tay trỏ, dài 3cm, trông giống miếng xơ thịt bò dính bột huỳnh quang trong bóng đèn nê ông”.
 
Trộm chó ngày càng lộng hành, tinh vi, nhiều người mới gầy được con chó giữ nhà chưa kịp mừng đã bị bắt mất. Có người bị mất nhiều chó chỉ trong một thời gian ngắn. Anh Nguyễn Ngọc Sơn cho hay trong vòng sáu tháng, nhà anh mất ba con chó. Trong xã cũng có nhiều người cùng cảnh mất nhiều chó như anh; nhưng bà con không báo vì giá trị vật chất tính từ con chó không lớn, lại ngại chuyện đi lại, trình báo nên đều tự tìm cách giữ chó.
 
 

img
Trộm chó hoành hành, nhiều người ra khỏi nhà lập tức khép cổng để… giữ chó.

Giữ chó
 
Nuôi chó để giữ nhà, giúp người nhà an tâm làm việc; nhưng ngược lại người nuôi chó hiện nay luôn bất an. Bà Nguyễn Thị Quả ca cẩm nhà có con chó cái đang chửa, thường nằm đầu hè nên không đêm nào bà ngủ trọn giấc, hễ nghe tiếng xe máy dừng trước nhà là dậy bật điện thăm chừng. Có đêm bà ra - vào năm bảy lần, thức rồi, không ngủ lại được. Trong khi đó, cụ Nguyễn Bá, 91 tuổi, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, than phiền: “Trộm biết nhà tôi có chó, cổng duối rào thưa nên cứ vài đêm là chúng tới, đứng ngoài rào huýt sáo. Những đêm như vậy tôi thức trắng giữ chó, mệt lả”.
 
Trước nạn trộm nhiễu nhương, nhiều người phân vân nuôi chó sợ trộm bắt mất uổng công, không nuôi trộm lại nhiều hơn… Rồi họ quyết nuôi, giữ chó bằng nhiều cách. Anh Nguyễn Đình Thương, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, chia sẻ: “Trước giờ, nhà tôi mất bốn con chó. Nản quá, định nghỉ nuôi một thời gian nhưng khổ nỗi nhà lại trồng nhiều cây cảnh, không có chó cũng không yên. Vất vả lắm tôi mới gầy lại được một con chó lai, phải xây cổng ngõ kiên cố và 44m lưới rào xung quanh. Dân ở vùng này ai nuôi chó cũng đều làm như thế!”.
 
Có tường rào, cổng ngõ chắc chắn, nhưng sơ hở để chó lọt ra ngoài cũng bị trộm bắt mất. Cô Phạm Thị Hồng Yến, giáo viên Trường THCS Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tâm sự: “Con chó lai nhà tôi bị trộm bắt là do người nhà quên đóng cổng trong chốc lát. Rút kinh nghiệm, nay tôi xích chó cả ngày lẫn đêm”.
 
Bức xúc trước nạn trộm chó lộng hành, người dân đã tự giao ước quản chó cộng đồng, bài trừ nạn trộm bằng cách sẽ thức, lắng nghe tiếng xe dừng trong xóm đêm khuya, theo dõi hành vi chủ xe và thông báo kịp thời cho nhau qua điện thoại di động. Anh Lê Văn Duy, ở xóm Bàu, thôn Lạc Sơn, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ - người tích cực trong vây, chặn trộm chó - cho hay: “Nhóm tôi có sáu anh em, phân hai người phụ trách một lối rẽ vào xóm. Điểm chặn trộm trên các lối rẽ, chúng tôi luôn để sẵn hai cây tre trong rào.
 
Khi nhận được tin có trộm vào xóm, chúng tôi lập tức ra điểm chặn, kéo tre chốt lối, truy hô. Cách đây ba tháng, chúng tôi vây một tên trộm giữa xóm, cùng đường, chúng chạy ngược lên đồi truông, thả lại hai con chó. Từ đó đến nay, chưa thấy trộm chó vào xóm tôi nữa. Cách làm này đang được áp dụng hiệu quả, dù vất vả nhưng phải làm. Thời này đã nuôi chó thì phải giữ chó thôi!”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo