xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rầu vì… ve sầu

Theo NGUYỄN VĂN TRANG (Bình Định Online)

Tiếng ve từng đi vào tâm thức của con người với những ký ức đẹp về tuổi học trò. Tuy nhiên, trên thực tế, “đặc sản mùa hè” này đã gây không ít phiền toái. Khi những con ve sầu đực đồng loạt cất lên bản tình ca kêu gọi “bạn tình”, cũng là lúc không gian xung quanh náo động…

Đau đầu với tiếng ve
 
Ai đã từng ngủ lại trên đảo Cù Lao Xanh (TP Quy Nhơn-Bình Định) vào những ngày hè mới hiểu thế nào là nỗi cực khổ do tiếng ve. Inh ỏi suốt ngày đã gây khó chịu, nhưng tiếng ve ào ạt vào thời điểm 4 giờ sáng, khi mọi người còn ngon giấc thì “ngán” vô cùng. Vừa rồi, tôi có chuyến công tác ở xã Tây An (Tây Sơn), lại nghe bà con nơi đây phàn nàn rất nhiều về lũ ve trên các rặng tre phát ra tiếng kêu quá lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ con.  

img
Thời điểm này, học sinh trường Tiểu học Bồng Sơn Tây (Hoài Nhơn) cũng đang đối mặt với tiếng ve đinh tai nhức óc. ảnh: BẢO SƯƠNG

 
Tiếng ve cũng đã ảnh hưởng đến việc dạy và học ở các trường học. Bắt đầu từ thời điểm sau Tết, các trường tiểu học Tây Bình, Tây Vinh, Bình Thành, số 1 Bình Tường… ở Tây Sơn đã nghe vang động tiếng ve. Thầy Nguyễn Văn Thạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Thành, cho biết: “Ve kêu ra rả suốt từ 8 giờ sáng đến hết giờ học buổi chiều; nghiêm trọng nhất là ở điểm trường Kiên Mỹ, nơi có hơn 15 cây bóng mát các loại. Nhiều học sinh ngồi ở cuối lớp học phản ánh không nghe rõ lời thầy, cô giảng bài vì tiếng ve kêu quá to. Nhiều trường đã cho cắt cành, dọn gốc, thay các loại cây bóng mát khác nhau nhưng vẫn không ăn thua”.

Theo Wikipedia, ve sầu là một siêu họ côn trùng có đầu to, hai cánh trong, có nhiều vân. Có khoảng 2.500 loài ve sầu trên thế giới. Một số loài ve có khả năng tạo âm thanh đến 120 dB, tiếng kêu to nhất nhì trong loài côn trùng. Trong khi đó, tầm nghe của con người khoảng từ 0 đến 125 dB, trên 105 dB tai người sẽ bị đau đớn và trên 115 dB trong khoảng thời gian dài sẽ bị điếc vĩnh viễn.

 
Các trường học ở khu vực thị trấn Bồng Sơn và lân cận đều có nhiều cây bóng mát lâu năm, là nơi lý tưởng cho lũ ve trú ngụ, “hát ca” suốt ngày. Thầy Trịnh Xuân Toàn, giáo viên Văn của trường THCS Hoài Xuân (Hoài Nhơn), tâm sự: “Trước đây ve chỉ kêu rộ vào giữa hè, lúc việc thi cử đã xong nên không ảnh hưởng gì mấy. Hai năm gần đây, ve đã xuất hiện từ sau tết, đến khoảng tháng 3 đã inh ỏi như một dàn harmonica khổng lồ”.
 
Thời điểm hiện tại, tiếng ồn của ve làm cho cả thầy và trò không thể tập trung ôn luyện cuối năm. Thầy cô phải “đối phó” bằng cách, đầu buổi sáng khẩn trương truyền đạt cho học sinh những kiến thức cơ bản, quan trọng; nửa buổi còn lại tiến hành kiểm tra bài cũ. 
 
Trong khi đó, ở các trường mẫu giáo, mầm non, tiếng ve còn “ám ảnh” hơn nhiều. Cô Trần Thị Ái Vy, quyền Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Bồng Sơn, bức xúc: “Các cô giáo ở 11 điểm trường đều phản ánh rất mệt mỏi do các cháu sinh hoạt thất thường. Ve kêu ồn ào khó dỗ các cháu ngủ. Khi đang ngon giấc thì bất chợt ve kêu đồng loạt làm các cháu giật mình thức giấc, cháu này khóc thì các cháu khác tỉnh giấc theo, rộn ràng cả lên”. 
 
“Giảm âm” của ve sầu
  
Thông thường, vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau những cơn mưa đầu mùa chính là lúc ve sầu hoạt động mạnh. Ấu trùng từ dưới đất chui lên cây, lột xác để trở thành con ve trưởng thành và bay đi tìm bạn tình. Tiếng kêu ve ve inh ỏi là của con ve đực dụ con ve cái, sau khi giao phối ve cái sẽ đào một rãnh trên cây để đẻ trứng.
 
Những vết rãnh trên thân cây do ve sầu cái đào là những vết thương tạo cơ hội cho các loại nấm và vi khuẩn có hại thâm nhập vào cây trồng, nên ve sầu gây hại lớn cho các vùng trồng cây cà phê. Trứng sẽ nở thành ấu trùng và rơi xuống đất. Sau khi chui được xuống đất, ấu trùng đào hang và sống trong đó. Ấu trùng cắn hút nhựa của những rễ cây xuyên qua thành hang suốt giai đoạn ấu trùng, sau đó mới lên lại cành cây để lột xác thành ve.
 
Ở các vùng trồng cây cà phê bị ve sầu phá hoại, người dân đã nuôi kiến vàng để tiêu diệt trứng ve. Ban đêm, người ta thắp đèn hoặc đốt lửa tạo ánh sáng dụ ve xông vào để bắt sống. Vào giai đoạn ve sầu lột xác, khoảng tầm 7 giờ tối, bà con lại rủ nhau dùng đèn pin soi vào các gốc cây, bụi cỏ trong vườn để tìm bắt ve sầu khi lột xác.
 
Theo Thạc sĩ Phan Thị Hồng Vân, cựu Trưởng bộ môn Động vật, khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, trường Đại học Quy Nhơn, ve sầu ở khu vực tỉnh ta có nhiều loài, phổ biến nhất là loài Lyristes plebeja, có vòng đời ngắn (từ 1-2 năm). Tuy tiếng ve kêu rất đinh tai nhức óc, nhưng vì bảo vệ không gian xanh ở môi trường sư phạm, nên các trường ít khi chặt bỏ các cây bóng mát lâu năm.
 
Để hạn chế số lượng ve, biện pháp đơn giản là tráng xi măng mặt sân, quét vôi quanh gốc cây để ấu trùng không còn môi trường sống. Bên cạnh đó, cũng có thể dùng các chế phẩm sinh học, như chế phẩm vi khuẩn, chế phẩm của nấm lục cương, nấm bạch cương… phun lên cây. Các chế phẩm này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thời gian dùng tốt nhất là vào mùa sinh sản của ve.
 
Từ trước đến nay, ở tỉnh ta chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đề cập đến tác hại của tiếng ve và cách hạn chế nó. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, khi tiếng ve đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, người dân có thể liên hệ Chi cục để được hỗ trợ về phương pháp cũng như công cụ hạn chế.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo