xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống giản dị trên “cõi tiên”

Theo KHÁNH HƯNG (An Giang Online)

“Tui và mọi người ở đây xác định sẽ bám trụ lâu dài với mảnh đất, ráng một thời gian nữa sẽ khá lên thôi. Vả lại, ở ngay trên ngọn núi anh hùng, ai cũng rành lịch sử đấu tranh của quê hương hết, tự dặn mình phải sống thật vững vàng như cha anh đi trước” – Tôi nhớ như in câu nói của một người dân khu vực núi ô Tà Sóc (xã Lương Phi, Tri Tôn, An Giang), trong một chuyến công tác.

Thấm thoắt đã 2 năm trôi qua, tôi trở lại. Họ vẫn mặn nồng với quê hương như thế, vẫn bám núi mà sống!

Cái quán phục vụ khách nghèo vẫn còn… nghèo như trước, cũng chỉ tính tiền vài nghìn đồng một ly nước. Bến chuối (do thường xuyên tập kết chuối cho bạn hàng) có vẻ đìu hiu, vài vị khách nghỉ ngơi trên võng. Cô chủ quán giải thích ngắn gọn: “Bữa nay không có hàng”. Buổi trưa nắng, nghe tiếng gió rì rào trên những nhánh cây, tiếng suối róc rách phía xa xa, tôi cứ tưởng mình đi lạc tận cõi tiên.

Ánh mắt tôi chợt dừng lại ở con đường chạy dài lên núi. Anh Nguyễn Hữu Phước (40 tuổi, người dân địa phương) hồ hởi khoe: “Con đường 1.400m này do dân tụi tui làm vào năm 2012 đó, đẹp chứ? Tổng cộng 50 triệu đồng tiền vật tư, 1.000 ngày công lao động, thực hiện trong 2 tháng trời. Ai có tiền nhiều thì hùn nhiều, có ít hùn ít, không có thì ra công”.
 
Thấy tôi ngạc nhiên vì những con số, anh cười: “Con đường là tâm huyết của hai chục hộ dân ô Tà Sóc này, nhiều năm nay mới được thỏa ước nguyện. Để làm được, tụi tui phải cẩn thận tính toán kinh phí thực hiện, chú ý từng đoạn dốc, từng khúc cua sao cho giảm tối đa nguy hiểm đối với người chạy xe. Con đường làm xong, ai cũng mừng rơn. Nhờ nó, con nít hết thức dậy lội bộ xuống núi từ 5 giờ sáng để đi học. Người lớn không còn oằn vai gánh hàng chục kg hàng xuống núi nữa. Thấy chuyện làm đường hợp lý, nhiều chủ đất sẵn sàng chấp thuận cho con đường chạy ngang đất mình”.
 
Con đường đã thay đổi cuộc sống của họ theo hướng tích cực hơn. Anh Khiêm, một người dân địa phương khác nhẩm tính: “Lúc trước, gánh hàng là nỗi ám ảnh của mọi người xứ núi này. Sức đàn ông khỏe mạnh thì từ 7 giờ sáng tới 2 giờ chiều cũng chỉ gánh được 3 gánh, khoảng vài trăm kg. Với giá gánh thuê chỉ 500 đồng/kg, in dấu mồ hôi vài lượt trên núi cả ngày cũng chưa đủ ăn. Nhưng bây giờ khác lắm rồi nghe! Nhờ con đường, xe thồ hàng cứ gọi là bon bon lên xuống núi. Thời gian chở hàng mỗi đợt được rút ngắn lại, số lượng hàng chở tăng lên.
 
Mỗi ngày, chúng tôi có thể chở 20 chuyến bằng chiếc xe cà tàng, được 2-4 tấn hàng chứ ít gì. Thu nhập cũng được tăng lên đáng kể: 300.000 – 400.000/ngày/người. Nhưng thu nhập vẫn còn phụ thuộc vào việc bạn hàng có đến mua hay không, có hàng chở xuống bán hay không. Như hôm nay, chúng tôi nghỉ xả hơi vì ế hàng”.
 
img
Anh Phước ngỏ ý muốn chở chúng tôi lên nhà anh ở lưng chừng núi. Ngồi sau xe, bấu chặt áo anh, tôi nhắm mắt không dám nhìn xuống con đường. Anh mỉm cười, giải thích: “Phải vững tay lái mới chạy tốt được, nếu không sẽ té như chơi. Có đoạn dốc 25o hay 45o, người dân phải tìm cách làm cho đường thoai thoải dần”. Khi mở mắt, tôi ngỡ ngàng vì khung cảnh tươi đẹp: Giàn đậu rồng mướt mắt che phủ trên đầu, kéo dài như vô tận. Bóng râm của cây, khí lành lạnh của núi phả vào mặt, vào từng chân tóc.
 
Anh Phước lại giải thích: Tận dụng diện tích, anh cùng người em ruột trồng đậu rồng ngang qua con đường, vừa mát, vừa tiện lợi. Ngừng xe lại trước căn nhà gỗ, anh dịu dàng nựng đứa bé đang bò dưới nền nhà. Căn nhà nhỏ, chẳng có gì đáng giá, gió cứ lùa thốc qua những khoảng trống mà chơi cút bắt.
 
“Lúc trước, vợ chồng tui ở Châu Phú, không có đất đai, tài sản chỉ là hai đứa con gái. Bàn tính kỹ, cả nhà cố gắng mua hơn 7 công đất trên núi, với giá 11 triệu đồng, rồi dựng tạm mái nhà, bỏ công sức khai hoang”. Anh Phước trồng rẫy theo công thức “lấy ngắn nuôi dài”: Trồng đậu rồng, rau cải, chuối… để ăn qua bữa; còn cây lâm nghiệp, xoài thì vun vén từng ngày. Thấy ở tít trên cao mãi cũng không ổn, anh bàn với vợ xuống gần chân núi một chút, để tiện cho việc học của hai con.
 
Trong hai năm trời, ngày ngày anh vừa mưu sinh tất bật, lúc rảnh tranh thủ đi xẻ cây. Số cây xẻ được anh cất riêng một bên, dành dụm đến khi nào đủ bộ khung nhà. Không có tiền, anh tự mình làm tất cả các công đoạn, từ làm nền, dựng nhà, lợp tôn… Cứ rỉ rả như thế, căn nhà mới cũng hoàn thành. Giờ đây, gia đình nhỏ của anh vẫn cứ sống theo ngọn núi, giữa cái không khí trong lành của thiên nhiên và cái cần cù, dẻo dai của người “ở núi”.
 
Trước khi xuống núi, người dân ô Tà Sóc còn gửi đến tôi một nguyện vọng “Tụi tui rất mong được có điện sử dụng, để được thắp sáng vào ban đêm, được coi tivi những lúc rảnh rỗi. Không có điện, đa số sử dụng bình ắc quy, nhưng tốn kém lắm. Vả lại, người dân cũng mong khu vực này sẽ sớm được đầu tư hoàn chỉnh, để có thể phát triển tốt hơn”. 
 
Từ năm 1962-1967, ô Tà Sóc là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy An Giang, có các cơ quan trực thuộc: Quân sự, An ninh, Binh vận, Dân vận, Mặt trận, Tuyên huấn, Tổ chức, Kiểm tra và các đoàn thể Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ. Hệ thống hang động và đường mòn nối liền các cơ quan từ bụng ông Địa (Tổ giao liên Tỉnh ủy) đến ô Vàng (Ban an ninh, Binh vận, đài Binh ngữ), vồ Út Mươi (Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh) có bán kính gần 3km, mà tâm điểm là Điện Trời Gầm - nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo