xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tháng ba vía Bà

Theo Ngô Gia Phú (Cà Mau Online)

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã có từ thời Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh Tế. Đã gần 200 năm rồi, cứ đều đặn hằng năm, bất luận thời kỳ chiến tranh điêu tàn, máu lửa, lễ hội vẫn được cử hành với nghi lễ long trọng nhất, tôn nghiêm nhất.

Lễ hội tín ngưỡng dân gian này ngày nay không là của riêng người phương Nam nữa mà nó đã trở thành mùa hành hương của mọi người trong cả nước, Việt kiều, khách từ ngoại quốc.

Theo nghi lễ truyền thống, ngày khai hội chính thức diễn ra vào lúc 0 giờ ngày 24 tháng tư âm lịch bằng lễ "tắm Bà" và kết thúc sau đó bốn ngày bằng những nghi lễ trang nghiêm, long trọng khác.
 
Mặc dù theo suy nghĩ ban đầu, người ta xem đây là một nghi thức giống như "tẩy trần" cho Bà trước khi bước vào những ngày đại lễ quan trọng. Nhưng không ai ngờ rằng, chính nghi lễ diễn ra vào lúc nửa đêm khuya này lại là thời khắc thiêng liêng nhất mà mọi người chờ đợi.
 
Trước giờ hành lễ  
 
img
 
Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam.  Ảnh: PHÚC ĐỨC
 
Theo truyền thuyết, xưa kia Bà vốn ngự trên đỉnh núi Sam, chỗ ngày nay vẫn còn bệ đá xanh được cho rằng chính là nơi đặt tượng Bà. Thế rồi vào một ngày cách nay gần 200 năm, có bọn giặc cướp đến hoành hành, chúng định khiêng Bà đi, nhưng hàng trăm tên cướp lực lưỡng mà vẫn không khiêng nổi. Chúng nổi giận đập phá, làm gãy cánh tay trái của Bà (cánh tay nay đã được phục chế).
 
Dân làng Vĩnh Tế đau xót nên quyết định đưa Bà về làng để thờ phụng. Xong, bao thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất làng vẫn không khiêng nổi. Bà liền đạp đồng nhập vào một phụ nữ cho dân làng biết rằng Bà chính là Chúa Xứ Thánh Mẫu của vùng này, muốn đưa Bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh.
 
Ngày nay, lễ phục hiện rước Bà tái diễn lại truyền thuyết đó với đoàn người rồng rắn hàng ngàn người nối nhau theo kiệu, lọng của 9 cô gái đồng trinh, chiêng trống vang rền. Đường lên núi cũng như đỉnh núi (nơi có bệ đá xanh) quá bé nhỏ, chật hẹp nên có cả một biển người dồn lại phía sau chờ đợi đón Bà xuống núi.
 
Những đoàn Lân Sư Rồng từ Chợ Lớn, Long Xuyên và nơi sở tại đều được mời tham dự cuộc lễ này, mỗi đoàn một màu sắc khác nhau nên cuộc rước trở nên tưng bừng màu sắc. Hoành tráng, đông vui nhưng thật tôn nghiêm, trật tự, một nề nếp tự nguyện xuất phát từ lòng thành kính, tin tưởng đối với thần linh. Sự có mặt của con dân trăm họ từ khắp mọi miền, như đa sắc tộc (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm…), đa tôn giáo và thuộc nhiều giai tầng trong xã hội.
 
Đêm huyền bí
 
Lễ tắm Bà diễn ra vào thời gian như đã nói ở phần trên. Ai muốn vào dự lễ phải đăng ký trước với Ban quản trị trước đó 1 ngày để được lên danh sách theo đoàn. Tuy nhiên, mỗi đoàn chỉ được cử đại diện tối đa là 2 đại biểu, bởi khách thì đông mà mặt bằng khu vực thì hẹp. Riêng khu vực chính diện, nơi thờ tượng Bà chỉ dành riêng cho những chức sắc và người được phân công phục vụ cho công việc hành lễ, khách chỉ được vào chiêm bái sau khi Bà được tắm xong.
 
Năm nay có đến trên 300 đoàn hành hương đăng ký, nên số người được vào dự lễ cũng lên đến con số trên dưới 700 người. Người không được vào dự (là dân trong đoàn đã đăng ký) ngồi chật kín phía ngoài sân (trong vòng rào ngôi miếu). Ngoài đường phố có cả một rừng người chờ đợi.
 
Lễ diễn ra vào lúc giữa đêm, nhưng người ta sẵn sàng đến sớm hơn năm bảy tiếng đồng hồ, bởi ai cũng muốn mình là người đầu tiên có được diễm phúc diện kiến Bà sau khi bức màn nhung được mở ra.
 
Mọi việc chuẩn bị đã xong, các nghi thức đã được tiến hành, giờ thiêng đã đến! Hai cánh màn nhung màu đỏ khép lại, những chùm đèn có cường độ ánh sáng mạnh vụt tắt. Không gian bổng chốc trở nên mầu nhiệm, người người bất động, hai tay chấp trước ngực, mắt không chớp hướng về phía màn nhung, nơi chỉ thấy nhấp nháy ánh hào quang và tai chỉ nghe được tiếng nhạc du dương kỳ bí, tiếng nước chảy, bóng người lờ mờ chuyển động.

Tôi là một trong số hơn chục người có nhiệm vụ nên được phép đứng ngay khu vực trung tâm chính diện. Tôi bắt đầu quan sát, tôi đã không ít lần dự những lễ hội tín ngưỡng và tôn giáo, nhưng chưa đâu có được không khí thần bí như ở Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam này. Bên trái, bên phải và sau lưng tôi, gần một ngàn con người như hóa đá.
 
Nhìn họ, ta có thể hiểu được rằng, đây là những phút giây mà mỗi con người đang được thoát ra khỏi sự hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si trần tục của cuộc đời, để sống trọn vẹn nhất với nét đẹp lung linh, trong sạch của đời sống tâm linh. Phút giây ấy thật ngắn ngủi, chỉ là một khoảnh khắc lóe sáng trong cả một chuỗi đời người trần trụi, mỏi mệt trong cái thế giới đối mặt của chính, tà, thiện, ác.
 
Nhưng đó là những khoảnh khắc quý báu nhất mà trong mỗi đời người không phải ai cũng có được. Và thế là tôi hiểu, lý giải được vì sao hằng năm có đến hàng triệu con người từ khắp mọi nơi trên đất nước này, cũng như những người đã rời xa Tổ quốc lại hành hương về đây, phủ phục dưới chân tượng  Bà, mà những người vô thần ngoại đạo như tôi chỉ dừng lại ở sự hiểu biết giản đơn rằng, đây chỉ là một pho tượng đá…
 
Niềm tin là vô giá

Khi hai bức màn nhung được mở ra và ánh sáng trắng được bật nhanh trở lại. Bà vị Thánh Mẫu hiện ra uy nghi lộng lẫy trong bộ áo mão sang trọng, cực kỳ rực rỡ. Có thể khẳng định rằng, Bà Chúa Xứ núi Sam là vị thần giàu có và đem lại nhiều phúc lợi xã hội nhất trong tất cả các vị thần thánh ở Việt Nam. Tiền của khách thập phương cúng vía Bà được tính bằng bạc tỷ.
 
Trong mùa hành hương năm ngoái, tiền cúng Bà là 29 tỷ đồng, năm nay, tính đến thời điểm mà chúng tôi có mặt đã là 25 tỷ đồng, dự kiến hết mùa sẽ có trên 30 tỷ đồng.
Từ tiền cúng vía này nhiều năm nay, Ban quản trị miếu đã xuất quỹ xây đến 6 trường từ cấp tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, làm đường sá, xây nhà cho người nghèo, cứu trợ thiên tai bão lụt cho nhiều vùng trong cả nước và đóng góp vào bao ích lợi cộng đồng khác.
 
Riêng những người có đóng góp lớn cho ngôi miếu hay dâng hiến tặng vật có giá trị cho Bà đều không muốn nói về mình, nhưng họ đều khẳng định rằng hoàn toàn không phải vì động cơ mê tín dị đoan. Bá tánh đến đây đâu phải chỉ là những nông dân có trình độ dân trí thấp hay những người ít học hoặc mông muội.

Người có đóng góp lớn chủ yếu là thương nhân, trí thức, Việt kiều trở về từ các nước văn minh, hiện đại và không ít cán bộ, công chức Nhà nước về hưu, đương nhiệm. Anh Quang, một kiến trúc sư đến từ Sài Gòn kể rằng, đoàn của anh có hơn 30 người, tất cả đều là thương nhân, trí thức.
 
Đã 25 năm nay, các anh chị (bác sĩ, kỹ sư...) không bỏ sót một kỳ lễ hội nào. Tôi hỏi vì sao các anh chị lại tặng Bà những phẩm vật có giá trị hay số tiền lớn đến mức như vậy? Anh Quang sửa lời tôi rằng phải nói là được dâng chớ không phải tặng, rồi giải thích: “Con người ta sống cần phải có được niềm tin vào một nơi nào đó”.

Theo Ban quản trị miếu cho biết, mùa hành hương năm ngoái có khoảng 2,4 triệu lượt người đến đây chiêm bái, năm nay sẽ trên 3 triệu. Năm sau, rồi năm sau nữa, ắt hẳn sẽ nhiều hơn…
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo