xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tụ điểm thờ đủ thứ, mê hoặc đủ thứ… ngay trong xã văn hóa

Theo THỦY HÀ (Ấp Bắc Online)

Hơn 3 năm nay, cứ đến ngày 29 và 30 âm lịch mỗi tháng, tại khu vực tổ 16 (ấp 6, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang - cặp Quốc lộ 1) lại trở nên huyên náo lạ thường.

img
Giác hơi trị bệnh.
Hàng trăm người, thậm chí có lúc lên đến hơn một ngàn người từ các nơi trong tỉnh và các tỉnh miền Tây, miền Đông đã “rồng rắn” kéo đến đây đi lễ “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ”. Tại đây có những hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan...
 
Đi lễ "Ngồ ngộ, không giống ai"
 
Một người bạn nói với tôi về một nơi thờ tự mà chị từng đến theo sự rủ rê của người bạn. Chị không hiểu đó là loại hình tôn giáo hay tín ngưỡng gì, chỉ thấy nó “ngồ ngộ, hổng giống ai” nhưng người đến đây thì rất đông. Nơi này nổi tiếng tới mức chỉ cần lên xe buýt hay xe khách rồi nói cho xuống “Nhà thờ trăm họ” là xe dừng đỗ khách đúng địa chỉ. Theo lời chỉ dẫn, vào ngày 8 và 9-5 (nhằm ngày 29 và 30-3 Âm lịch) vừa qua, tôi đã tầm đến nơi để tìm hiểu.
 
Từ hướng cầu Mỹ Thuận về Mỹ Tho, qua khỏi ngã tư Văn Cang (Cái Bè) khoảng 2 km, tôi thấy ngay đầu con hẻm nhỏ có 2 tấm biển giới thiệu và chỉ đường vào. Một tấm nhỏ được treo trên vách quán ăn, ghi: “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ, đi vô 200m”; một tấm biển khác hoành tráng hơn (kích thước khoảng 1,2m x 3m), trên đó giới thiệu: “Nơi thờ cửu huyền trăm kiến họ. Đại diện họ Lê, Nguyễn, Đỗ, Trần, Huỳnh, Cao. Cư ngụ tổ 16, ấp 6 (Phú An, Cai Lậy, Tiền Giang)”.
 
Đoạn đường trước lối vào “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ” có rất nhiều ô tô loại 50 chỗ ngồi mang biển số của các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…
img
 
img
Nhảy múa tưng bừng trước bàn thờ Phật và rất đông phụ nữ chờ đến lượt được “soi căn”.
 
Từ ngoài đầu hẻm đã nghe tiếng đàn, hát và tiếng người cười nói xôn xao. Tôi tháp tùng cùng nhóm hơn 20 người từ Vĩnh Long được Tịnh thất Minh Tâm gửi thiệp mời đến dự “Đại lễ: Cúng tổ. Tổ đường trăm kiến họ”. Chúng tôi đi vào con hẻm nhỏ, trên đường đi phải liên tục tránh những chiếc xe máy chở người chạy từ ngoài vào và từ trong ra. Đến khúc cua thứ hai thì thấy nhiều người xúm xít mua bán rau, bánh và các loại trái cây.
 
Tôi được những người buôn bán nơi đây mời mua ngũ quả vào cúng “ông bà”. Hỏi ra mới biết đây là những người nông dân, thấy chỗ đông người tụ tập nên mang rau, trái cây trong vườn ra bán. Tôi tiếp tục đi trên con đường dal nhỏ vào khoảng 100m nữa là đến nơi gọi là “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ” hay Tịnh thất Minh Tâm.
 
Có đến vài trăm người đang tập trung trong 2 ngôi nhà khá lớn, đa số là phụ nữ tuổi trung niên trở lên. Phía trước ngôi nhà là khoảng sân rộng được che rạp và kê nhiều bàn ghế đón khách, bên cạnh nhà là bãi giữ xe 2 bánh, có những thanh niên đeo băng đỏ ở cánh tay làm nhiệm vụ trông xe và giữ trật tự. Thâm nhập vào đây, tôi chứng kiến vô số chuyện bát nháo, từ việc thờ cúng, tổ chức nghi lễ cho tới các hoạt động mê tín dị đoan khác.
 
Thờ đủ thứ, mê hoặc đủ thứ…
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nơi gọi là “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ” hay Tịnh thất Minh Tâm thật sự chỉ là tư gia của ông Nguyễn Văn Thiện (46 tuổi). Ông Thiện được dân nơi đây gọi là Mười Hai (thứ 12 trong gia đình). Trước đây ông có vợ, sau đó đột nhiên chuyển qua mặc quần áo phụ nữ rồi tự xưng là cô Minh Tâm. Ngôi nhà của cha mẹ để lại được ông ta biến thành “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ”.
 
Bên cạnh ngôi nhà chữ đinh, ông ta xây thêm một ngôi nhà khác để làm nơi thờ phượng. Phía sau 2 ngôi nhà này là dãy nhà rộng khoảng 200m2, được ngăn thành nhiều phòng và khu vực khác nhau như nơi trị bệnh, phục vụ văn nghệ, nhà bếp và có cả một chòi lá dựng riêng biệt bên ngoài để coi chỉ tay. Khắp nơi trong nhà đều treo những tấm biển ghi “Nghiêm cấm đồng bóng, bói toán, mượn đạo tạo đời, kinh doanh, lừa đảo”. Phải chăng đây là cách che đậy?
 
Sự bát nháo ở “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ” thể hiện trước tiên là cách bày trí, thờ cúng. Trong 2 ngôi nhà này vừa có thờ Phật vừa thờ Thiên nhãn theo đạo Cao Đài; có bàn thờ cửu huyền thất tổ với “Bảng vàng cơ bản 100 kiến họ”, lại có bàn thờ “Tổ quốc ghi công”… Đặc biệt, trên bàn thờ Tổ quốc ghi công là ảnh và khoảng 50 pho tượng mặc quân phục đứng xếp hàng ngay ngắn nhưng chẳng biết đó là đạo quân nào.
 
Theo cách giải thích của ông Thiện (cô Minh Tâm) thì: “Đây là nơi thờ cửu huyền trăm kiến họ. Ông bà mình mỗi người theo một đạo khác nhau nên phải thờ đủ các đạo. Hôm qua tới nay (ngày 8 và 9-5) có hơn một ngàn người về đây cúng ông bà rồi đó” (?!).
 
Nghi thức cúng lễ của “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ” cũng quái dị. Khách đến cứ việc đặt phẩm vật lên bàn thờ, cho tiền vào thùng công đức rồi thành tâm thắp nhang bái lạy mà không biết mình đang lạy ai. Đặc biệt, trước bàn thờ Phật, nhiều phụ nữ cứ liên tục thay phiên nhau nhảy múa điên cuồng để “bày tỏ lòng thành kính với mẹ (?!)”.
 
Sau khi “làm lễ”, khách tập trung ra dãy nhà phía sau 2 ngôi nhà chính của Mười Hai để được xem chỉ tay đoán hạn vận hay xem mạch đoán bệnh và trị bệnh bằng giác hơi. Còn những ai muốn biết số kiếp của mình thì tập trung trước nhà để được “soi căn”. Người thực hiện công việc “quan trọng” này là một phụ nữ trung niên, gọi là cô Sáu, ngụ ấp Tân An (Tân Phong, Cai Lậy).
 
Sau khi được nhìn mặt, khách chỉ cần cho biết là con thứ mấy trong nhà thì cô Sáu sẽ “hát trợ duyên” cho một câu cải lương về thân phận của mình. Với phụ nữ cao niên thì trong câu hát của cô Sáu réo rắc những lời thương cảm, nào là vất vả một đời hy sinh cho chồng con, khi trở về già thì lưng mỏi gối đau, ăn ngủ chẳng an vì lo cho con cháu. Với phụ nữ trẻ, cô Sáu bảo rằng “thân cò” phải nặng mối lo bên hiếu, bên tình. Xem ra những điều này chẳng một phụ nữ nào không thấy mình trong đó.
 
Sau 2 ngày bám lại “Nhà thờ cửu huyền trăm kiến họ”, tôi ghi nhận được đây là hoạt động của một nhóm người, do ông Nguyễn Văn Thiện tổ chức và nghe nhiều phụ nữ đến rỉ tai: “Ở đây là thờ mẫu, linh thiêng lắm. Muốn gì xin là được. Nhưng mình phải có lòng thành”. Lòng thành theo mách bảo của họ là bỏ tiền vào thùng công đức đặt trước các bàn thờ.
 
Từ trong ra ngoài đặt tất cả 4 thùng công đức. Tôi hỏi cô gái trong “Ban thư ký tiền công đức” và được hướng dẫn “Cúng bao nhiêu cũng được. Cúng nhiều được phước nhiều, cúng tiền ít được phước ít. Tốt nhất là cúng tiền, cúng trái cây ít thôi”. Ngoài việc kêu gọi khách cúng tiền, tại đây còn tổ chức các điểm bán nhang và các loại chuỗi hạt, đồ trang sức với giá “cắt cổ”, có loại gấp đôi bên ngoài như chuỗi mã não.
 
Tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng là quyền của công dân đã được pháp luật quy định. Thế nhưng với những gì diễn ra tại nhà ông Nguyễn Văn Thiện cho thấy có những hoạt động không tốt, có tính chất mê tín dị đoan… Hơn nữa xã Phú An đã được công nhận là xã văn hóa thì việc kiểm tra, xử lý tụ điểm này cần được quan tâm đúng mức nhằm tránh những hệ lụy.               

          

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo