xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuy An - những trầm tích trăm năm

Theo PHẠM UYÊN THU (Phú Yên Online)

Một ngày chớm hạ, từng sợi nắng nhảy nhót tinh nghịch… Hãy cùng tôi về Tuy An, lắng nghe thời gian lan tỏa trên lòng bàn tay bạn, trên những trầm tích trăm năm.

img
 
Gành Đá Dĩa. - Ảnh: U.THU
 
Cách TP Tuy Hòa 30km về phía bắc, dọc theo quốc lộ 1 là thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An); từ đây xuôi theo hướng đông hơn 10km sẽ gặp Gành Đá Dĩa (xã An Ninh Đông), một kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho con người.
 
Với sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên, Gành Đá Dĩa không mềm mại như những doi đất vẫn vươn ra biển để ôm ấp từng con sóng bạc đầu, gành hiện ra với sự hùng vĩ và hoang sơ. Theo một số tài liệu, cách đây khoảng 200 triệu năm, Gành Đá Dĩa được hình thành sau một đợt núi lửa phun trào. Những khối nham thạch nóng bỏng khi gặp nước biển đã tạo thành từng “chồng dĩa” lạ mắt gối lên nhau bên chân sóng. Nhưng đó chỉ là giải thích và cũng chưa ai “kiểm chứng” những gì của 200 triệu năm về trước, mà chúng ta chỉ biết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ của gành và biển.
 
Từng phiến đá hình lục giác xếp chồng lên nhau lấn dần ra biển. Gành hiền hòa, lặng lẽ chứng kiến lúc giận dữ của biển, lúc hiền hòa của sóng. Bất giác, những phiến đá thô mộc, không cầu kỳ và trau chuốt của Gành Đá Đĩa làm tôi liên tưởng đến nét chân chất của con người nơi đây. Gành Đá Đĩa cứ vậy, lặng lẽ góp phần làm thi vị hơn mảnh đất ở miền Trung này.
 
Nắng đã vàng hơn. Chẳng thể chần chừ thêm được nữa, phải tiếp tục cuộc hành trình bởi mảnh đất Tuy An luôn mê hoặc bước chân du khách với những trầm tích hàng trăm năm tuổi. Chúng ta hãy cùng nhau về thăm Nhà thờ Mằng Lăng.
 
Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621, theo nhà truyền giáo người Ý Cristophoro Borri, lúc đó có ba cảng thị chính là Hội An, Nước Mặn, Thanh Chiêm và đây cũng chính là ba trung tâm truyền đạo của Đàng Trong. Như vậy, lúc bấy giờ Phú Yên ảnh hưởng bởi các nhà truyền giáo đặt cơ sở tại Nước Mặn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) do linh mục Bozumi làm trưởng đoàn và các giáo sĩ bắt đầu xây dựng những cơ sở truyền đạo. Trong số đó, Nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch, huyện Tuy An) là một trong những nhà thờ cổ và còn nguyên vẹn nhất. Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
 
Con đường đến nhà thờ thật lãng mạn, ngang qua những khu dân cư chân chất và cởi mở. Sự hùng vĩ của biển lúc nãy dường như nhường lại cho sự bình yên của những ngôi làng Việt.
 
Nhà thờ Mằng Lăng là một công trình kiến trúc cổ theo phong cách Gotic, đẹp và hài hòa với thiên nhiên. Đến đây, ngay sau khi bước qua cổng, bạn dường như lạc vào thế giới khác, tách biệt hẳn với những gì náo nhiệt bên ngoài. Bạn sẽ có cảm giác như bầu trời hôm nay xanh hơn và mây cũng êm hơn. Tiếng thời gian in dấu trên những bờ tường rêu phong, trên những phiến gạch cổ, những đường nét hoa văn chạm trổ cầu kỳ trên những cánh cửa gỗ.
 
Hãy yên lặng để nghe rõ nhịp đập của tim mình, một cái gì nhẹ lắm như đang len vào tâm hồn bạn! Thời gian lúc này như ngừng lại, dấu trăm năm đang lan tỏa trong lòng bàn tay bạn. Sao không cùng tôi về thăm Nhà thờ Mằng Lăng vào một ngày chớm hè?
 
Chiều bắt đầu ngả. Ngược lại theo lối vừa đi, đến ngã ba Chí Thạnh rồi xuôi theo con đường thiên lý nam - bắc, độ 20 phút sau thì đến thành An Thổ - thủ phủ của Phú Yên xưa.

img
 
Chùa Đá Trắng. - Ảnh: D.T.XUÂN
 
Thành An Thổ có bình đồ hình vuông, mặt tiền quay về hướng đông, mặt nam cách sông Phú Ngân (nhánh sông Cái) khoảng 400m, mặt bắc cách sông Vét (sông Con) khoảng 150m. Bao quanh bên ngoài là chiến hào, tiếp đến là thành ngoại, thành nội ở vào vị trí trung tâm của khu thành và bên trong thành nội là nơi đặt công đường làm việc của bộ máy quan lại. Thời gian đã xóa dần đi dấu vết của một ngôi thành xưa.
 
Nhưng nếu lần theo trang thư tịch cổ, bạn sẽ bất ngờ khi biết cách nay hàng trăm năm, nơi đây một thời vang tiếng vó ngựa. Chỗ bạn đang ngồi là cảnh lính tráng với vũ khí canh giữ thành, là nơi công đường của bộ máy quan lại cũ… Giữa không gian bao la xanh ngắt của ruộng vườn gần đó, ngẩng đầu lên nhìn thành ta thấy như mình đang được nâng cao lên một chút. Thành An Thổ là thế! Nó thu hút người ta bởi sự giản dị của trăm năm.
 
Về Tuy An mà không đến chùa Đá Trắng (Từ Quang tự) là một thiếu sót. Chùa tọa lạc trên núi Bạch Thạch thuộc xã An Dân, được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XVIII (1797) do thiền sư Pháp Chuyên khai sơn. Chùa nằm trên núi toàn đá trắng, có lẽ vì thế mà được gọi là chùa Đá Trắng. Chắc năm xưa, khi chọn nơi này tiền nhân muốn từ đây có thể ngắm cảnh sông đang xuôi bên dưới, đồng cỏ trù phú yên bình xung quanh.
 
Ngược theo những bậc đá, sẽ thấy ngôi chùa nằm khiêm nhường. Nhìn từ đây, dòng Ngân Sơn mềm mại như dải lụa uốn lượn ôm lấy núi. Khí thiêng sông núi tụ hội, chùa trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương. Nơi đây có một giống xoài ngon nổi tiếng - xoài tượng Đá Trắng. Tương truyền dưới thời nhà Nguyễn, xoài này còn có tên gọi là “Nhị bảo ngự thiện”, hàng năm phải đem dâng vua. Có một điều kỳ lạ, cũng giống xoài đó, đất vùng đó nhưng nếu trồng ngoài khuôn viên chùa thì xoài mất đi vài phần thơm ngon.
 
Chiều rơi thật nhanh, tiếng chuông thu không đã đổ trên những tầng trời!
 
Đã đến lúc quay lại Tuy Hòa cho kịp trời tối, trước khi về bạn hãy ghé đầm Ô Loan thưởng thức món sò huyết Ô Loan ngon nức tiếng cả nước, bạn nhé! 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo