xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vũ điệu chen lửa quá "hoang dại"!

Theo Minh Phượng (CSTC)

Một trong những nét đẹp mang màu sắc huyền bí mà vô cùng hoang dại, đó là vũ điệu nhảy lửa.

Trên vùng rẻo cao nơi địa đầu Tổ quốc tỉnh Hà Giang, người Pà Thẻn vẫn còn lưu giữ được rất nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Bằng đôi chân trần của mình, các chàng trai người Pà Thẻn bỗng nhiên trở thành những vũ công, họ được thần linh ban cho sức mạnh để nhảy múa trên những đống than đang độ nóng nhất mà không hề bị bỏng rát. Chúng tôi gọi đó là những vũ điệu chen lửa, thể hiện sự dũng mãnh của một dân tộc.

Khám phá tục nhảy lửa

Rong ruổi trong những ngày đầu năm ở huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang, nơi tập trung đông đúc đồng bào dân tộc Pà Thẻn, chúng tôi đã được các cụ già nơi đây kể về lễ hội nhảy lửa truyền thống. Từ lâu người Pà Thẻn đã gắn liền với cuộc sống nơi rừng núi nên lửa luôn là biểu tượng của sức mạnh.


Màn chen lửa độc đáo trong lễ hội nhảy lửa ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình.

Màn chen lửa độc đáo trong lễ hội nhảy lửa ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình.

Từ thủa hồng hoang, lửa đã thể hiện cho ý chí, đặc biệt là việc đấu tranh để sinh tồn. Ngày nay, vũ điệu chen lửa lại được các chàng trai tộc người Pà Thẻn thể hiện trong các lễ hội, họ luôn tỏa sáng để chứng minh cho sự dũng mãnh của một cộng đồng dân tộc.

Từ khi sinh ra, chúng tôi cũng chỉ được chứng kiến những màn ảo thuật thực thực hư hư trên màn ảnh tivi hoặc trong các rạp xiếc lôi cuốn người xem. Tuy nhiên, đối với các chàng trai người Pà Thẻn nơi núi rừng này, họ chẳng cần phải học qua một trường lớp chuyên môn nào cả, nhưng lại thể hiện được những màn chen lửa đầy “ma quái” rất hoang dại, nó lôi cuốn người xem đi từ hồi hộp này đến hồi hộp khác.

Pà Thẻn là một dân tộc ít người nhưng họ sớm ý thức được nền văn hóa của dân tộc mình, nhất là việc giữ gìn bản sắc nhảy lửa. Người Pà Thẻn chỉ có khoảng 5.000 người tập trung sinh sống ở hai huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) và huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Đời sống của họ chủ yếu dựa vào nương rẫy trồng lúa ngô... Các bản làng của người Pà Thẻn thường tập trung sinh sống gần sông suối, trong các thung lũng hoặc trên các triền núi thấp. Kho tàng văn hóa truyền thống của họ là các làn điệu dân ca, hát ru, truyện cổ tích, các điệu nhảy múa…

Cứ vào những dịp cuối năm, người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình lại tổ chức “Lễ hội nhảy lửa huyền bí”. Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, tục nhảy lửa có từ khi nào không ai còn nhớ, chỉ biết rằng đây là nét đẹp truyền thống có từ ngàn đời rồi. Các cụ cho rằng, đối với người Pà Thẻn, lửa chính sức mạnh, là khao khát, hướng đến sự phổn vinh…

Bởi cuộc sinh sôi nảy nở của một dân tộc không thể thiếu lửa. Vào trung tuần tháng 10, 11 (âm lịch) hằng năm, các chàng trai tộc người Pà Thẻn, đại diện cho ý chí và sức mạnh của cộng đồng sẽ tham gia nhảy lửa.

Theo các già làng ở trong xã, lễ hội nhảy lửa sẽ được tổ chức trong một khoảng sân rộng. Trước khi nhảy lửa, thầy cúng sẽ phải khấn để báo cáo với thần linh, xin phép thần linh, tổ tiên, cho phép dân làng được mở hội nhảy lửa. Sau khi bài khấn kết thúc, thầy cúng sẽ ngồi trên một cái ghế dài, cầm que gõ liên tục vào một chiếc đàn (một nhạc cụ cúng tế phổ biến của người Pà Thẻn).


Trang phục chủ đạo của người Pà Thẻn là màu đỏ, màu của lửa.

Trang phục chủ đạo của người Pà Thẻn là màu đỏ, màu của lửa.

Nhiệm vụ của thầy cúng là truyền sức mạnh, truyền những bí quyết cho các học trò chứ không nhảy lửa. Trong thời gian này, các học trò của thầy cúng sẽ thành tâm ngồi bên cạnh, họ thay phiên nhau gõ que vào chiếc đàn cho đến khi thần linh cho phép được nhảy lửa.

Chẳng biết đó có phải là thần linh hay không, nhưng các động tác của các chàng trai đều rung lên bần bật, họ lắc lư cũng mạnh dần lên. Khi ngọn lửa chỉ còn lại là đống than đỏ, cũng là lúc cơ thể những người tham gia nhảy lửa nhảy chồm lên rời khỏi ghế ngồi. Tiếng gõ mỗi lúc một thôi thúc, báo hiệu họ sắp có sức mạnh.

Bí ẩn vũ điệu chen lửa

Theo cảm nhận của chúng tôi, những chàng trai người Pà Thẻn giống những người vô hình, quên mình để lao vào những đống than đang độ rực rỡ nhất… Những đốm than tro tung tóe tỏa sáng cả một khoảng sân.

Những chàng trai người Pà Thẻn như đang trong cơn mê, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình mà không hề bị bỏng rát hay tỏ ra sợ hãi. Những bước chân càng trở nên mạnh bạo hơn, bóng người lẫn vào những đống than lúc ẩn lúc hiện tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp mà hoang sơ, tựa như thủa hồng hoang của miền sơn cước.


Vũ điệu nhảy lửa huyền bí của các chàng trai người Pà Thẻn

Vũ điệu nhảy lửa huyền bí của các chàng trai người Pà Thẻn

Những động tác nhảy múa cứ miên man hết màn này đến màn khác, khiến cho người xem như bị “thôi miên”. Điều kỳ bí chính là đôi chân trần của họ, chất chứa trong đó chính là niềm khao khát mãnh liệt để chế ngự thiên nhiên, mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp và thanh thoát hơn.

Thời gian và sự trường tồn của một dân tộc chính là ý chí và nghị lực. Bằng đôi chân chai sạn trong những ngày đi làm nương rẫy hay rong ruổi nơi đại ngàn, nhưng họ đã khẳng định được mình, xứng danh là những anh chàng tỏa sáng đại diện cho sức mạnh của một cộng đồng dân tộc.

Theo thầy cúng Sỉn Văn Phong, để các học trò của mình nhảy được vào đống lửa nhất thiết phải mời bằng được thần linh về để chứng kiến. Chính vì vậy nên lễ hội nhảy lửa được cộng đồng, dân làng rất hưởng ứng, có như vậy thì những người tham gia nhảy lửa mới tỏa sáng được.

Lễ hội nhảy lửa chỉ diễn ra trong khoảng từ 1 đến 2 giờ. Nhưng sôi nổi nhất vẫn là những giây phút khi đống lửa đang độ hừng hực nóng. Chính vì củi đều lấy từ những cây rừng nên nó còn là thuốc quý, bởi vậy sau khi lễ hội kết thúc, các chàng trai người Pà Thẻn cũng sẽ khỏe hơn.

Đối với nhiều người ở bản làng, họ cho rằng hồn của những người tham gia nhảy lửa hợp với thần linh, chính vì vậy nên khi có tiếng nhạc cơ thể của họ cứ rung lên bần bật. Đối với những người nhảy lửa, lông chân, tay sẽ bị cháy hết, duy chỉ có mái tóc là không cháy, và cơ thể của những người tham gia nhảy lửa cũng không hề hấn gì.


Những người nhảy lửa đều cho rằng mình được thần linh ban cho sức mạnh phi thường.

Những người nhảy lửa đều cho rằng mình được thần linh ban cho sức mạnh phi thường.

Khi lửa đã tàn, than đã nguội, thầy cúng sẽ làm lễ thu quân về và đưa tiễn thần linh về chốn cũ. Những người tham gia nhảy lửa lại trở về trạng thái bình thường, một trò chơi kết thúc, đem lại tiếng cười và niềm phấn khởi cho tộc người Pà Thẻn.

Anh Lân Văn Quang xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang), người đã từng tham gia rất nhiều cuộc nhảy lửa cho biết: “Khi tham gia nhảy lửa, cơ thể mình trở nên thanh thoát, mình vẫn minh mẫn nhưng vẫn có cảm giác như có ai đó thúc giục, thôi thúc mình. Lúc đó, khi mình nhìn vào đống lửa nó cứ bé dần đi, thế là cứ đâm đầu vào đống lửa và nhảy thôi, khi nào có cảm giác nóng thì tự nó đẩy mình ra”.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết: Việc ông thầy cúng cầm que gõ vào chiếc đàn vô tình kích thích trạng thái tâm lý của những người tham gia nhảy lửa, đưa họ đến một trạng thái bị kích thích mạnh về tâm lý.

Ở điều kiện bị kích thích mạnh về tâm lý sẽ đưa đẩy ý thúc của mình bị lu mờ, khi đó hoạt động vô thức sẽ trỗi dậy. Và lúc đó con người ta sẽ có ảo giác nghĩ đến chuyện thần linh nhập vào để truyền cho mình sức mạnh. Và chính điều đó đã đánh thức họ, khiến họ có thể làm nên những việc phi thường như nhảy trên than hồng.

Lễ hội nhảy lửa chính là dịp để các chàng trai người Pà Thẻn thể hiện được bản lĩnh của mình. Đây chính là hoạt động văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tuy nó còn có những nét hoang sơ huyền bí, nhưng nó lại thể hiện được ý chí và niềm khao khát hướng đến những điều tốt đẹp.

Và để có một cuộc sống phồn vinh cần phải có những hoạt động văn hóa mang tâm thế, vừa là để giáo dục, vừa là để phát triển đất nước. Nhưng làm sao để lưu giữ được những nét hoang sơ đầy bí ẩn qua tục nhảy lửa, rất cần có sự quan tâm, nhìn nhận của các nhà nghiên cứu văn hóa đất nước.

Có thể nói, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn chính là minh chứng cho quá trình lao động sáng tạo không ngừng vươn lên để chế ngự thiên nhiên, khẳng định quá trình sinh tồn của một tộc người trên vùng núi cao. Thông qua lễ hội nhảy lửa, bà con tộc người Pà Thẻn đã có thêm nhiều niềm vui và động lực trong cuộc sống, qua đó nó còn góp phần tô đẹp cho kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo