xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trắng đêm "đội" cá!

Theo Mỹ Hoa (Infonet)

Với họ, yêu biển chính là lao động, sống gắn bó với ngư trường. Dù làm nghề đánh bắt hay đơn thuần chỉ là nữ cửu vạn "đội" cá thì với họ đó là sự sống.

Đây là công việc mưu sinh hàng chục năm nay của những “nữ phu” ở cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh).

 
Trắng đêm đội cá! - Ảnh 1.

Tờ mờ sáng các "nữ phu" đã đội những mớ cá lên bờ khi tàu cập bến (ảnh: M.Hoa)

"Đội" cá lên bờ!

Sau sự cố môi trường biển tại Hà Tĩnh, một thời gian dài các cảng cá cũng neo dần những con thuyền cập bến, vắng dần những bóng người giao thương. Tuy nhiên, sau thời gian cố gắng không mệt mỏi của các cấp, các ngành và nhân dân, môi trường biển Hà Tĩnh đang dần lấy lại “phong độ”. Ngư trường sầm uất, ngư dân rộn rã ra khơi, nghề nuôi trồng thủy, hải sản lại dần khôi phục.

Nhận thấy điều đó, những “nữ phu” lâu nay quen với việc nhẹ nhàng, giờ để tăng thêm thu nhập, họ không ngần ngại í ới nhau “đi đêm” kiếm tiền. Nắng hay mưa, đêm lạnh hay sương gió, các chị em vẫn thường nhật trực đêm tại cảng cá Cửa Sót đợi thuyền về.

Hình ảnh những người phụ nữ “đầu trần chân đất” đội từng khay tôm, cá… từ dưới tàu lên bờ, người ướt nhẹm, run lên từng hồi vì nước đá ngấm vào người, thật sự khiến người thấy không khỏi chạnh lòng. Việc nặng nhọc này đâu dành cho giới nữ, thế nhưng với họ đó là kế sinh nhai.

Có mặt tại bến cảng khi trời còn nhá nhem tối, nhiều tốp chị em ngồi co ro chụm đầu vào nhau. Đó là cách mà những người phụ nữ này thường làm để chắn bớt gió biển giữa tiết trời đông lạnh cắt da, cắt thịt.

Họ túm tụm, nhẫn nại chờ những con tàu từ trùng khơi đầy ắp cá trở về để gánh lên bờ. Tôi nhìn vào những đôi mắt đỏ hoe vì mất ngủ, thân hình gầy còm, đôi vai bé nhỏ run lên theo từng đợt gió thốc mà xót xa. Họ bảo đó là nghề - cái nghề đã nuôi sống gia đình họ bao đời nay, dẫu biết rằng nó nặng nhọc, vất vả vô kể.

Hòa lẫn trong tiếng sóng vỗ rì rào, một phụ nữ trạc lục tuần bỗng dưng đứng phắt dậy hô to “tàu cập bến rồi”.

“Mỗi lần khiêng cá, tôi được chủ tàu trả từ 20.000 - 30.000 đồng, có thuyền người ta cho mớ cá rồi mình đem bán hoặc đưa về ăn. Ngày nào thuyền về nhiều thì tôi có thể kiếm được 80.000 - 100.000 đồng, gặp hôm chủ tàu bội thu hoặc chủ thoáng sẽ “bo” thêm một ít nhưng chẳng đáng là bao. Cũng có hôm tôi phải về tay không vì tàu thuyền về ít” – bà Phạm Thị Lan cho biết.

Không ai bảo ai, hàng chục phụ nữ khác tản ra hướng về phía biển. Trong khung cảnh náo nhiệt ấy, bà Phạm Thị Lan (thôn Long Hải, xã Thạch Kim) cùng hàng chục người khác tất bật với việc khiêng cá lên bờ. Bà Lan là người có thâm niên bốc vác lâu nhất với 25 năm. Bà bảo rằng: “Ngày nào không được ngửi mùi tanh nồng, không được tắm nước đá ướp hải sản là ngày đó coi như đói”.

Bà Lan, dù đã 60 tuổi, cái tuổi được nghỉ dưỡng nhưng với bà “muốn ăn thì lăn vào bếp”, còn sức nghĩa là còn lao động. Vì thế mà cứ khoảng 4 giờ sáng bà lại dậy, quần áo ra cảng khuân cá.

 
Trắng đêm đội cá! - Ảnh 2.

Có những đêm một người phụ nữ có thể đội cả chục tấn cá từ thuyền lên bờ (ảnh: M.Hoa)

Phút giải lao, chị Nguyễn Thị Thu (xã Thạch Kim, Lộc Hà) chia sẻ: “Sau sự cố môi trường biển, ngư dân chúng tôi mất mát rất lớn, thu nhập giảm hẳn. Để vực lại, cả nhà ai ấy đều chung sức. Chồng theo thuyền ra khơi đánh bắt, tôi làm khuân vác, kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học .

Biết là cực lắm nhưng không làm thì lấy gì mà ăn? Thời gian đầu đi làm về, chân tay nhức mỏi, đầu cứ ong ong, mệt không nuốt nổi cơm nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên phải gắn bó".

Vọng xa xa, một chị tên Nhung nói lớn: “Làm dần thành quen. Tôi đây nè, có ngày đội cả chục tấn cá trên đầu. Đội nhiều quá nó lõm mất một khúc rồi. Có lẽ đội cá nhiều mà đầu óc cũng lú lẫn đi, lúc nhớ lúc quên, thế nhưng khi nhận tiền thù lao thì đầu óc chị em lại sáng lên”. Nghe chị Nhung nói xong thì các chị em đều cười ồ lên trong màn đêm như xóa đi sự mệt nhọc.

Trời đang dần sáng, bà Lan trầm ngâm: “Tối về nằm ngủ đứa nào cũng kêu người mẹ tanh quá, toàn mùi cá. Tôi đáp, ờ không có mùi cá thì chúng mày có tiền mà ăn, học không. Thế là mấy mẹ con lại cười khì khì”.

May mắn khi biển còn cho ta công việc để làm

Dù là nghề cực nhọc và bèo bọt nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm. Công việc của những “nữ phu” phụ thuộc cả vào những con tàu vươn khơi. Có những chuyến tàu thất thu đội quân khuân vác còn buồn hơn cả chủ tàu. Đó là chưa kể khi trời trở mùa, mưa bão triền miên ở nhà cả tháng là chuyện bình thường.

“Nghề này thu nhập bấp bênh lắm, mình ít học thì phải ráng dùng sức mà làm, được đồng nào hay đồng đó. Ngày thuyền về nhiều, một mình tôi phải “bao trọn” cả 5-6 thuyền. Dù mệt vẫn gắng làm vì không làm họ thuê người khác coi như mất thuyền. Ấy vậy mới nói, làm cái nghề này được vất vả là còn… may”, bà Nguyễn Thị Định tâm sự.

 
Trắng đêm đội cá! - Ảnh 3.

Cùng giúp nhau đỡ những khay cá lên đầu (ảnh: M.Hoa)

Cũng theo bà Định, vì cái nghề bấp bênh nên nhiều người buộc phải tìm thêm nghề phụ để kiếm cái ăn hằng ngày như dán vàng mã, bán hàng ăn sáng…

Cảng cá Cửa Sót hiện có gần 20 “nữ phu” làm nghề khuân vác cá, chủ yếu độ tuổi từ 40-65. Công việc vừa nặng nhọc, lại thường xuyên phải dầm mình dưới biển dù trời nắng đổ lửa hay lạnh cắt da, cắt thịt nhưng cứ có tàu thuyền cập cảng là chị em lại í ới gọi nhau ra biển.

Với các bà, các chị, chỉ trừ những khi bệnh nặng mới nghỉ làm, còn cảm cúm qua loa vẫn phải gắng gượng vì nghỉ buổi nào mất tiền buổi ấy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo