xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bosnia - Herzegovina : Khép lại quá khứ đau buồn

Xuân Hòa

Tôi đã có mặt trong đoàn famtrip của Vietravel cùng Turkish Airlines tổ chức và đến Bosnia-Herzegovina để thấm đẫm nỗi buồn chiến tranh khi trên tường nhà còn hằn sâu vết đạn!

Avit - hướng dẫn viên địa phương tại Bosnia tâm sự: Nhiều người thân của tôi đã mất trong cuộc nội chiến ở Sarajevo. Vì thế, dù nhà tôi rất gần khu vực này nhưng gia đình tôi không bao giờ đặt chân đến đây vì không muốn nhớ đến quá khứ đau buồn.

Quá khứ đau buồn

Là một trong 6 nước thành viên của Liên bang Nam Tư (cũ) ở Đông Âu; diện tích hơn 51.000 km2; dân số khoảng 4 triệu người; Bosnia - Herzegovina là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng về văn hóa với 4 tôn giáo khác nhau: Công giáo, Hồi giáo, Chính Thống giáo, Do Thái giáo. Chính vì thế mà lịch sử hàng trăm năm của Bosnia - Herzegovina luôn gắn liền với những cuộc xung đột dai dẳng gay gắt giữa các sắc tộc.

Đưa đoàn chúng tôi đến Đường hầm Hy vọng - hệ thống địa đạo quân sự bí ẩn nhất thế giới được quân đội Bosnia xây dựng để đối phó với cuộc vây hãm của quân đội Serbia, Avit quay về quá khứ: Năm 1992, sau khi Bosnia - Herzegovina tách khỏi Nam Tư, tuyên bố độc lập không lâu thì bị Slobodan Milosevic - Tổng thống Serbia can thiệp quân sự để hỗ trợ sắc dân Serbia tại Bosnia dẫn tới cuộc nội chiến đẫm máu nhất châu Âu từ sau thế chiến thứ hai dưới sự thực hiện của vị tướng đồ tể Ratko Mladic - cựu chỉ huy quân đội Serbia ở Bosnia. Từ năm 1992 đến 1995, Ratko Mladic đã bắn vào các trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Sarajevo; tàn sát 100.000 người dân, trong đó có 1.500 trẻ em; khiến hơn 2,2 triệu người bị mất nhà cửa. Năm 1995, nội chiến kết thúc với sự đầu hàng của phía Serbia, Tòa án tội ác chiến tranh của Liên Hiệp Quốc đã truy tố Ratko Mladic về các tội diệt chủng và tội ác chiến tranh ở Bosnia.

img

Dưới sự hướng dẫn của Avit, chúng tôi xuống Đường hầm Hy vọng được đào thông từ thành phố Sarajevo sang khu phố Butmir và Dobrinja để tiếp tế thực phẩm và vũ khí cho lực lượng cố thủ ở đây. Mỗi ngày có khoảng 3.000 - 4.000 binh lính cùng 30 tấn hàng hóa ra vào thành phố qua đường hầm này. Dù chiến tranh đi qua đã lâu nhưng đặt chân đến đây, xem lại những thước phim tư liệu thời chiến, lòng chúng tôi cứ chợt thắt đau một nỗi dằn vặt mà không sao xóa nhòa được. Đúng như Avit nói: trong cuộc chiến tranh này chỉ dân lành là nạn nhân đau khổ nhất, là vật hy sinh cho tham vọng “một đại Nam Tư rộng lớn”.

img

Chưa hết, Sarajevo còn gắn liền với vụ ám sát thái tử Franz Ferdinand của đế quốc Áo - Hung, là nguyên nhân gây ra thế chiến thứ nhất năm 1914 dù 70 năm sau, vào năm 1984 Sarajevo lại trở thành nơi tổ chức Olympic Thế vận hội mùa đông. Đứng ở không gian u tịch này, dường như tất cả thành viên trong đoàn đều ngậm ngùi thương xót cho bi kịch của vợ chồng người bị ám sát và cả kẻ ám sát - thành viên của nhóm khủng bố Bàn tay đen.


Những vật dụng thời chiến tranh

Những vật dụng thời chiến tranh

Điểm đến hấp dẫn

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, Bosnia - Herzegovina sẽ là đất nước có tỉ lệ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới trong giai đoạn 1995-2020 vì có nhiều điểm đến hoang sơ cũng như những danh thắng hấp dẫn; trong đó có hai điểm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới: thành phố cổ Mostar cùng cây cầu cổ Stari Most. Nằm trên sông Neretva, Mostar là thành phố lớn thứ 5 của Bosnia và Herzegovina với 113.169 người; tuy bị phá hủy nhiều nhất trong cuộc nội chiến nhưng vẫn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa cao. Chả thế mà chúng tôi đã choáng ngợp trước lượng du khách quốc tế nườm nượp đến đây cùng tham quan nhà thờ Hồi giáo, ngôi chợ cũ kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, những thánh đường cao vời vợi…. Nhưng đặc sắc nhất vẫn là cây cầu cổ Stari Most được người Ottoman xây dựng từ thế kỷ XVI như một pháo đài thời Trung cổ trên sông Neretva, sau này trở thành một trong những nét đặc trưng của Bosnia -Herzegovina.


Đoàn famtrip trước cây cầu cổ Stari Most

Đoàn famtrip trước cây cầu cổ Stari Most

Stari Most là một nỗ lực kỹ thuật vượt bậc thời kỳ ấy, được xây trong hàng chục năm và trở thành cây cầu đá một vòm lớn nhất với độ cao 24 m. Thế nhưng, trong nội chiến Serbia - Bosnia, một chiến xa của Croatia đã bắn tan chiếc cầu 450 tuổi này. Năm 1995, sau khi chiến tranh kết thúc, Ngân hàng Thế giới đã tái thiết cây cầu dưới sự giám sát của UNESCO. Đến năm 2004, Stari Most xuất hiện trở lại và một năm sau, được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới. Chúng tôi đến Stari Most trong thời tiết lạnh bất thường dù trời vẫn nắng gay gắt và không thể chen chân với một lượng du khách khá lớn trong ngày hôm ấy nên phải đành đứng ngắm cây cầu tuyệt tác từ xa. Thế nhưng trong không gian mênh mông ấy, những tiếng hò hét đầy phấn khích của đoàn du khách lẫn dân địa phương đã khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Theo lời giải thích của hướng dẫn viên thì trên cây cầu này thường diễn ra tục nhảy cầu của các thanh niên trong vùng cũng như du khách để chứng tỏ lòng dũng cảm và sức chịu đựng dẻo dai vì nước dưới cầu rất lạnh. Một vài thành viên trong đoàn chúng tôi cũng “rất máu” nhưng không đủ thời gian để thực hiện hành động dũng cảm này.


Những vết đạn loang lổ trên tường nhà

Những vết đạn loang lổ trên tường nhà

Rời Sarajevo, những vết đạn loang lổ trên tường nhà cứ mãi ám ảnh tôi suốt hành trình tham quan Bosnia - Herzegovina như một vết sẹo của chiến tranh khó thể xóa nhòa!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo