xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

1.000 tỉ mở trường ĐH: Dễ "vỡ trận"!

Huy Lân

Quy định vốn đầu tư tối thiểu để mở trường ĐH tư thục là 1.000 tỉ đồng được xem là điều kiện cần thiết nhưng sẽ nản lòng các nhà đầu tư do khả năng hoàn vốn là rất khó

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2017 quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định đối với trường ĐH tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỉ đồng (không bao gồm đất xây dựng trường); đến thời gian thẩm định cho phép thành lập trường ĐH tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỉ đồng.

Cần thiết nhưng nhiều rủi ro

Nhiều ý kiến cho rằng đối với nhà đầu tư, việc bỏ ra 1.000 tỉ đồng hay nhiều hơn nữa phải tính đến bài toán kinh tế. Với con số trên, nhà đầu tư cần phải tính toán rất kỹ lưỡng nếu không sẽ "vỡ trận" tài chính. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng nếu nhà đầu tư bỏ ra nguồn vốn 1.000 tỉ thì mỗi năm, nhà đầu tư cần có một khoản lợi nhuận thực tế khoảng 100 tỉ (tương ứng 10%). Lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục ĐH giỏi lắm thì được 20%. Trong khi lại phải trích quỹ đầu tư tối thiểu phát triển thì để có lãi 100 tỉ cần có 15.000 sinh viên và mức thu học phí tương ứng là 2.000 USD/năm.

1.000 tỉ mở trường ĐH: Dễ vỡ trận! - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Công nghệ TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Một số chuyên gia cho rằng đầu tư như vậy là khá mạo hiểm vì quy mô 15.000 sinh viên là con số lý tưởng nhưng trường mới mở sao tuyển được chừng đó sinh viên? Thực tế, phải mất khoảng 5 năm mới tuyển được 10.000 sinh viên (trường hợp thành công). Do đó, bài toán tài chính dễ thất bại hoàn toàn cho dù mức học phí được đẩy lên cao.

Ở góc độ bảo đảm chất lượng đào tạo thì các chuyên gia giáo dục cho rằng quy định như vậy là cần thiết. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng về kỹ thuật, việc đầu tư trường học cần khối công trình xây dựng, bộ máy tổ chức, nhất là đội ngũ giáo viên cơ hữu. Nếu đầu tư trường theo khối kỹ thuật hay y dược thì 1.000 tỉ đồng là chưa đủ.

Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Hùng Hậu, cho rằng việc quy định nguồn lực đầu tư nếu muốn mở trường là thật sự cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo. 1.000 tỉ đồng (không tính giá trị đất sở hữu riêng) chỉ là điều kiện tối thiểu bởi để mở được trường ĐH đàng hoàng cần khoản đầu tư gấp nhiều lần. Tuy nhiên, sẽ tốt nếu trường thành lập ở TP HCM hay Hà Nội còn đầu tư ở các tỉnh sẽ là sự rủi ro lớn.

Bỏ quên trường tư thục hiện có?

Sau hơn 20 năm ra đời, hệ thống các trường ĐH ngoài công lập đã góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Nhưng bên cạnh những trường có đầu tư tốt, nhiều trường vẫn không thực hiện cam kết khi thành lập trường.

Theo quy định về việc thành lập trường, sau 3 năm kể từ khi thành lập, nếu các trường này vẫn không xây dựng được cơ sở tại địa điểm đăng ký thì đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể đối với nhà trường. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trường vẫn chưa thực hiện cam kết.

TS Lê Trường Tùng cho rằng trong nghị định của Chính phủ quy định điều kiện trong việc thành lập trường ĐH thì lại "quên" chế tài đối với những trường ĐH đang hoạt động.

Ông Tùng cho rằng khi quy định điều kiện thành lập trường ĐH lẽ ra cần thêm quy định các trường đang hoạt động có lộ trình 3 năm để tăng vốn tối thiểu lên 500 tỉ (2018), 750 tỉ (2019) và 1.000 tỉ đồng (2020). Nếu để cho các trường ĐH đã thành lập trước đó không cần biết vốn bao nhiêu cứ việc hoạt động tiếp thì sai ở 3 chỗ: Thỏa hiệp với chất lượng tồi khi đã xem vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng là một trong các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH mức tối thiểu; vi phạm Luật Cạnh tranh khi ban hành quy định "cản trở sự tham gia thị trường của các đối tác mới"; bỏ đi cơ hội tái cấu trúc hệ thống các trường ĐH qua việc tăng đầu tư, sáp nhập, giải thể khi áp dụng mức đầu tư ngàn tỉ cho tất cả các trường.

TS Kiều Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát xem các trường có thực hiện đủ những cam kết khi thành lập trường. Nếu sau này Chính phủ có quy định mới về lộ trình tăng vốn đối với những trường đang hoạt động thì các trường phải thực hiện bởi không thể phát triển được nếu các trường không có sự đầu tư lớn.

12 trường chưa thực hiện cam kết

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong số các trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp lên ĐH từ năm 2005 trở lại đây, có 12 trường (trong 60 trường ĐH ngoài công lập) chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong đề án thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố: đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện bảo đảm chất lượng khác. Đáng chú ý trong số đó có 5 trường đã có thời gian hoạt động trên 20 năm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo