xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cả xã hội giám sát chất lượng ĐH

YẾN ANH

Sự trung thực, chính xác trong công tác kiểm định sẽ từng bước tạo nên văn hóa chất lượng trong trường ĐH

Tại buổi tọa đàm “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng ĐH” được tổ chức vào ngày 10-2, các chuyên gia giáo dục khẳng định việc đẩy mạnh kiểm định sẽ buộc các trường phải trung thực với số liệu báo cáo, đặc biệt là tỉ lệ việc làm cho sinh viên (SV) sau tốt nghiệp.

Nhiều trường biến báo số liệu

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đến nay hầu hết các trường ĐH Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, nhiều trường đã được đánh giá ngoài. Bên cạnh đánh giá nhà trường, nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ phục vụ việc bảo đảm chất lượng đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ với hơn 700 người hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong số đó gần 240 người được cấp thẻ kiểm định viên, đủ điều kiện để tham gia đoàn đánh giá ngoài, đến đánh giá ở các trường ĐH.

Các trường ĐH buộc phải công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Các trường ĐH buộc phải công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động kiểm định chất lượng trong trường ĐH còn những bất cập, cần cố gắng hơn. Do xu hướng phát triển của xã hội, bộ tiêu chuẩn hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu so với yêu cầu chung. Bên cạnh đó, nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, SV các trường ĐH hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng báo cáo tự đánh giá của nhà trường chưa đạt được yêu cầu mong muốn, có những trường tốt nhưng cũng có trường kém hơn.

GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội, cho hay Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải thực hiện 3 công khai nhưng nhiều trường đã biến báo số liệu. Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết trường đã hai lần được kiểm định (năm 2009 và 2016), thực tế cho thấy bộ tiêu chuẩn hiện hành đã có nhiều tiêu chí không phù hợp. “Các trường đã chuyển sang đào tạo tín chỉ từ lâu nhưng trong bộ tiêu chuẩn này vẫn là đào tạo niên chế. Rồi các hoạt động về đoàn thể chiếm một tỉ trọng khá lớn trong các tiêu chí đánh giá đã giảm tiêu chí đánh giá của các chỉ số khác. Những vấn đề nóng hiện nay của các trường không được đề cập trong bộ tiêu chuẩn này” - ông Long nói.

Ông Mai Văn Trinh khẳng định bộ tiêu chí mới nhấn mạnh tới tính hệ thống bảo đảm chất lượng, cụ thể là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của nhà trường hoạt động thế nào để các điều kiện bảo đảm chất lượng phát huy hiệu quả, qua đó từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Cần sát sao tỉ lệ sinh viên có việc làm

Theo quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD-ĐT, các trường phải công bố tỉ lệ này mới được phép tuyển sinh, chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng được chú ý nhất tại buổi tọa đàm là việc công bố tỉ lệ SV có việc làm của các trường ĐH trong năm 2018 như thế nào? Ông Nguyễn Văn Long chia sẻ để có thể lấy được số liệu tuyệt đối thì phải có chính sách “vét cạn”. Tức là các trường phải điều tra được 100% số lượng SV ra trường. Tuy nhiên, vấn đề đó là không khả thi với các trường vì hiện tại mạng công nghệ thông tin của các trường chưa thể làm được việc đó. Vì vậy phải lấy mẫu và phải chọn mẫu như thế nào để tương đối đặc trưng chứ không chỉ tập trung vào một chỗ. “Ví dụ trường tôi ngành kỹ thuật công trình giao thông, tỉ lệ tốt nghiệp có việc làm cao lắm. Nhưng nếu lấy mẫu mà lấy chỉ ngành đó thì không ổn vì có những ngành tỉ lệ có việc làm rất thấp” - ông Long cho hay.

Chuyên gia này cũng cho rằng các trường phải làm từng bước sau khi bộ đưa ra yêu cầu các trường công bố công khai tỉ lệ SV có việc làm. Đây cũng được coi là động lực để các trường nâng cao chất lượng đào tạo của mình.

Theo GS Nguyễn Quý Thanh, khi công bố các số liệu 3 công khai hay tỉ lệ SV có việc làm, nhiều trường khai báo số liệu cao ngất ngưởng. Do đó, trong quá trình kiểm định, với các trung tâm kiểm định sẽ phải tìm phiếu khảo sát gốc, ví dụ như yêu cầu cung cấp bảng đóng bảo hiểm cho cán bộ, giảng viên của trường hay thậm chí chạy lại số liệu để xác định độ trung thực hoặc phỏng vấn lại, phỏng vấn độc lập.

25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí đánh giá chất lượng ĐH

Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH. Dự thảo được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường ĐH ASEAN (AUN-QA) ban hành tháng 7-2016. Bộ tiêu chuẩn gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, từng tiêu chí sẽ được đánh giá theo thang 7 mức, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH, được chia thành 4 nhóm: Bảo đảm chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); bảo đảm chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); bảo đảm chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận về dự thảo này, sau đó tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp để ban hành chính thức.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo