xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chấm văn: Khó kiểm soát độ vênh

Dương Thành (Trường ĐH Nha Trang)

Lường trước những vấn đề chi phối, tác động trực tiếp đến cả quy trình, đặc biệt khâu có vai trò cực kỳ quan trọng như coi và chấm thi, là điều cần tính đến càng sớm càng tốt cho một kỳ thi sắp tới

Với việc đặt vấn đề rất xác đáng trong bài viết “Phải chấm cả triệu bài thi văn” của tác giả Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM (Báo Người Lao Động số ra ngày 12-9), tôi hoàn toàn nhất trí và đồng cảm với những băn khoăn của tác giả về đề xuất cách tổ chức chấm bài thi môn văn.

Chấm chênh 3-4 điểm

Tôi đồng tình vì khối lượng bài thi tăng đột biến không đồng nghĩa với việc huy động số lượng giám khảo chấm thi tăng lên một cách thiếu chọn lọc. Bởi nếu huy động phần lớn giáo viên dạy văn phổ thông, kể cả giáo viên dạy khối lớp 10, 11 đi chấm thì chất lượng chuyên môn của đội ngũ giám khảo sẽ không đồng đều. Lúc đó “độ vênh” trong quá trình chấm sẽ tăng lên rất khó kiểm soát. Còn nếu chỉ đề xuất một số ít giáo viên từng trực tiếp giảng dạy khối 12 tham gia với tinh thần tự nguyện thì chắc chắn không đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này dẫn tới hệ lụy là thời gian chấm thi sẽ kéo dài. Mà thời gian chấm kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ cũng như kế hoạch tuyển sinh của các trường ĐH.

 

Chấm thi ĐH, CĐ năm 2014 tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Chấm thi ĐH, CĐ năm 2014 tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Qua kinh nghiệm hàng chục năm đảm nhận trưởng môn chấm thi văn ở trường ĐH, tôi nhận thấy ngay cả trình độ của giáo viên phổ thông dạy và không dạy văn lớp 12, giáo viên trường chuyên hay các trường có chất lượng giảng dạy tốt với các trường tốp dưới cũng khá cách biệt. Có giám khảo chấm chênh với giám khảo khác cùng cặp chấm đến 3-4 điểm. Sự khác biệt đó thường được dự báo ngay trong buổi đầu thảo luận đáp án. Người viết bài này từng mất khá nhiều thời gian hướng dẫn cả tổ chấm văn đi đến thống nhất khi thảo luận đáp án, chấm chung trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 vừa qua. Trong lúc phần lớn giám khảo đồng ý chấm 1 câu của một bài chấm chung dao động từ 1,5-2 điểm thì một giám khảo khăng khăng chỉ chấm 0,5 điểm.

Những lúc tranh luận, đối thoại hay chấm tập thể, lỗ hổng về kiến thức, quan điểm giữa các giám khảo mới bộc lộ rõ nét. Điều này dẫn đến tình trạng máy móc: đôi lúc chấm bài của những thí sinh có cách trình bày tốt, kiến thức vững nhưng diễn đạt không đúng với câu chữ của đáp án lại bị bỏ qua không cho điểm một cách oan uổng. Do vậy, vấn đề tiếp theo: Khâu thảo luận đáp án đối với chấm thi môn văn tuyệt đối không được xem nhẹ vì khi thảo luận kỹ lưỡng sẽ vỡ ra nhiều điều mà nếu không trao đổi, mỗi giám khảo chấm độc lập sẽ khó tìm được tiếng nói chung. Lúc đó, sự thiếu chính xác là điều khó tránh khỏi.

Khan hiếm giáo viên chấm văn

Có một thực tế trong nhiều năm, nhiều giám khảo phổ thông đăng ký chấm thi nhưng chỉ tham gia chấm vài ba ngày rồi viện lý do để “chạy làng” do căng thẳng, mệt mỏi. Những giáo viên giỏi thì phần lớn chỉ dốc sức luyện thi rồi sau đó nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng cho năm học mới, chẳng mặn mà gì với công tác chấm thi tốn thời gian, mất sức mà thu nhập không bao nhiêu. Lúc đó, tình trạng khan hiếm giám khảo chấm thi sẽ khó tránh khỏi.

Thực tế này đặt ra một yêu cầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lưu tâm. Đó là ngoài việc các trường ĐH, CĐ cử giảng viên của mình chấm thi còn phải đề nghị bộ có cơ chế thông qua các sở giáo dục và đào tạo huy động (kể cả ràng buộc) đội ngũ giáo viên giỏi ở các trường phổ thông trên địa bàn tham gia chấm thi để vừa đảm nhận chấm khối lượng lớn bài thi lại vừa bảo đảm chất lượng chấm thi. Bên cạnh việc yêu cầu hiệu trưởng, các trường THPT chịu trách nhiệm, không nên khoán trắng cho các trường CĐ, ĐH vì suy cho cùng thì đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với sản phẩm đầu ra của mình.

Một vấn đề quan trọng không kém là các trường ĐH cần xem xét cử mạng lưới các giảng viên phụ trách trưởng môn chấm thi phải vững vàng về chuyên môn, đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để tổ chức điều hành quá trình chấm thật tốt; hạn chế thấp nhất việc thiếu nhất quán trong quan điểm, nhận thức của đội ngũ giám khảo.

Tăng tiền chấm bài như đề xuất của tác giả Thu Hiền cũng là cách để động viên đội ngũ giáo viên chấm thi vì đây là công việc khá nhọc nhằn. Tình hình học sinh ngày càng chán học văn nên ngoại trừ một số ít thí sinh viết tạm ổn, còn lại phần lớn chất lượng bài thi ngày càng tệ. Chấm thi môn văn nhiều khi chẳng khác nào đánh vật với chữ nghĩa của thí sinh. Có thí sinh viết tràn lan cả chục trang nhưng đọc một hồi chẳng biết cho điểm thế nào vì bài làm không liên quan gì đến đề thi và không đáp ứng yêu cầu nào của đáp án! Trong khi đó, nhiều mùa thi, khi kết thúc mỗi đợt chấm thi, tiền thù lao chia cho giám khảo chỉ trung bình trên dưới 200.000 đồng/ngày, thấp hơn cả lương công nhân phụ hồ!

Giám sát chặt quy trình chấm thi

Trước mỗi đợt chấm thi, nhất định phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ chấm thi thật nghiêm túc đối với toàn bộ đội ngũ giám khảo. Nói như thế không có nghĩa là lâu nay chưa làm. Vấn đề là thực hiện có thấu đáo hay không, có sự giám sát chặt chẽ quy trình chấm thi hay không hay chỉ là hình thức, chiếu lệ. Để một mặt quán triệt tinh thần, nhắc nhở việc thực hiện tốt quy chế, mặt khác tạo sự nhất quán trong quan điểm và cách thức, tạo sự “đều tay” khi chấm thi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo