xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dễ nản môi trường nghiên cứu

Phạm Thị Ly

Chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước còn một khoảng cách khá xa so với đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, nhất là tại các nước phát triển ở phương Tây. Điều tạo ra sự khác biệt chính là môi trường nghiên cứu

Hội nghị nghiên cứu sinh ngành giáo dục được tổ chức ở Southern Cross University (SCU - Úc) vừa qua có sự tham dự của 3 trường: University of Melbourne, Queensland University of Technology và Southern Cross University. Phần lớn là nghiên cứu sinh (NCS) người Việt trình bày những kết quả nghiên cứu b­­ước đầu và chia sẻ trải nghiệm của họ.

Đào tạo tiến sĩ nhìn từ Úc

NCS Việt Nam chọn nhiều đề tài phong phú, từ việc giảng dạy tiếng Anh cho đến lịch sử giáo dục, tâm lý giáo dục, đánh giá giáo dục và quản trị ĐH. Có những chủ đề quen thuộc và nhiều chủ đề còn rất mới với người trong nước, chẳng hạn như văn hóa ngành hay bản sắc học thuật cá nhân của giới nghiên cứu. Tuy mức độ kinh nghiệm tích lũy được có khác nhau và nhiều người còn đang chật vật xoay xở với việc thích nghi cuộc sống ở nước ngoài, nhất là những người mang theo gia đình, nhưng tất cả đều rất hào hứng nói về đề tài mà mình đang theo đuổi.

Nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Có một điểm chung mà tất cả NCS và giáo sư hướng dẫn tham dự đều đồng ý là thực hiện một đề tài nghiên cứu trong chương trình đào tạo tiến sĩ là một công việc vô cùng gian nan nhưng cũng là một giai đoạn thú vị của cuộc đời. Lương Thị Hồng Gấm - NCS Chương trình 322, người đã qua gần 3 năm học ở Úc - nói rằng cô cảm thấy hết sức may mắn được nhận làm NCS ở SCU, nơi cô được tiếp cận nhiều lý thuyết căn bản và xu hướng hiện đại trong nghiên cứu, nhờ đó hiểu được làm nghiên cứu tức là xây dựng luận điểm của mình và tìm kiếm tri thức mới. GS Sharon Parry, người hướng dẫn của Gấm, không phải chỉ là nguồn tri thức và hỗ trợ cách thực hiện một luận án mà còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ, giúp cô hiểu giá trị thực sự của công việc nghiên cứu mà cô đang theo đuổi. Có lúc, trước bao nhiêu khó khăn, cô muốn bỏ cuộc nhưng giáo sư hướng dẫn luôn ở bên cạnh cô, là chỗ dựa tinh thần với những lời khuyên và hành động giúp đỡ vô giá, củng cố lòng tự tin để cô mạnh dạn bước về phía trước.

Với Vũ Thị Phương Thảo (NCS của Trường ĐH Melbourne), trải nghiệm thú vị nhất của cô là được tham gia một số hoạt động học thuật ở trình độ cao, chẳng hạn như viết sách. Thành quả gần đây nhất của nhóm là một quyển sách về giáo dục ĐH Việt Nam dưới sự lãnh đạo của GS Simon Marginson sẽ xuất bản trong tháng 9 này. Trong suốt hơn 1 năm, hằng tháng cả nhóm gặp nhau để thảo luận, đóng góp ý kiến và phản biện cho từng chương sách. Thảo có thể dễ dàng nói chuyện và xin ý kiến tư vấn của các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu về những khó khăn mình đang gặp phải.

Hội nghị NCS do SCU tổ chức là một sinh hoạt học thuật cho thấy tính chất của môi trường nghiên cứu ở đây. Đó là việc duy trì một bầu không khí thân thiện, hỗ trợ, cởi mở, khoan dung nhưng rất nghiêm ngặt với những chuẩn mực học thuật, có ý thức thách thức mọi tín điều có trước. NCS sẵn sàng chấp nhận thách thức với những luận điểm của mình và thảo luận trên tinh thần xây dựng.

Cần môi trường nghiên cứu có tính khích lệ

Có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với nhận định là chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước còn một khoảng cách khá xa so với đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển phương Tây. Khả năng sử dụng ngoại ngữ để có thể tiếp cận những tài liệu nghiên cứu mới nhất là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định vì ngày nay với một máy tính nối mạng, đó là điều có thể đạt được mà không cần phải đến một nước khác.

Điều quan trọng hơn đã tạo ra sự khác biệt chính là môi trường nghiên cứu. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy đặc điểm của môi trường nghiên cứu là yếu tố quan trọng nhất cho phép ta dự đoán về năng suất và chất lượng của hoạt động nghiên cứu.

Môi trường nghiên cứu theo nghĩa rộng bao gồm nhiều yếu tố như chính sách nhà nước và các quy định pháp luật đối với hoạt động nghiên cứu khoa học; sự phát triển của xã hội, nguồn vốn xã hội và nguồn lực tài chính; hạ tầng kỹ thuật như phòng thí nghiệm hay thư viện; các cơ chế bảo đảm chất lượng, kiểm định và thực hiện trách nhiệm giải trình; các thiết chế tài trợ nghiên cứu và hợp tác... (Altbach và Salmi, 2013). Hiểu theo nghĩa hẹp, môi trường nghiên cứu là bầu không khí của những mối quan hệ trong các tổ chức nghiên cứu, trong đó các hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện, bao gồm sự hợp tác, các mối quan hệ và liên kết với đồng nghiệp, cơ chế bình duyệt, sự lãnh đạo về chuyên môn học thuật của người đứng đầu, sự hỗ trợ của người hướng dẫn và mức độ tự chủ của người nghiên cứu.

Môi trường nghiên cứu được quyết định trước hết bởi đặc điểm của sự lãnh đạo và quản lý; của cơ chế vận hành, của bầu không khí trong các nhóm nghiên cứu và của phẩm chất cá nhân những người nghiên cứu trong tổ chức ấy. Đó là một thành tố quan trọng nếu không nói là có tính chất quyết định trong việc đào tạo bậc tiến sĩ và là lý do khiến các chương trình đào tạo bậc tiến sĩ có chất lượng cho đến nay không thể nào được thực hiện chỉ qua trực tuyến. Nếu chúng ta muốn cải thiện chất lượng việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước thì việc xây dựng một môi trường nghiên cứu có tính chất khích lệ là điều quan trọng bậc nhất.

Hai thách thức lớn

Với những thư viện số hóa ngày nay, nhiều trường ĐH ở Việt Nam đã có thể giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận nguồn tư liệu phong phú và mới nhất ở ngoài nước. Thư viện và tài liệu là điều tối cần nhưng tự nó không tạo ra tri thức mới. Sử dụng nó như thế nào, nhằm tạo ra cái gì và cái đó có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội đó mới là vấn đề.

Lan Hương, người vừa hoàn tất bằng tiến sĩ với đề tài xây dựng năng lực nghiên cứu ở các trường ĐH hàng đầu Việt Nam, cho biết 2 thách thức lớn nhất với cô là hiểu được bản chất của hoạt động nghiên cứu và nắm được cách thức tư duy phản biện trong môi trường học thuật phương Tây. Đó cũng là khó khăn chung mà hầu hết NCS Việt Nam đều chia sẻ khi bước qua một môi trường nghiên cứu quá khác biệt với môi trường trong nước.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo