xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đề thi thời sự, nhân văn

LAN ANH - HUY LÂN - ĐẶNG TRINH

Chủ quyền biển, đảo được đưa vào cả 2 đề thi môn ngữ văn và lịch sử. Đề thi đổi mới, mang hơi thở thời đại, giáo dục tinh thần yêu nước và đánh thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cho học sinh

Ngày 2-6, hơn 900.000 thí sinh (TS) cả nước đã hoàn thành ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Vô hiệu hóa văn mẫu

Không nằm ngoài dự đoán của TS và giáo viên, một phần trong đề thi môn ngữ văn đặt ra vấn đề rất nóng bỏng: chủ quyền biển, đảo. Ở phần đọc hiểu, đề thi yêu cầu viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên môn ngữ văn Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM), cấu trúc đề thi đã đổi mới theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Ở phần đọc hiểu, đề mang tính thời sự và không bất ngờ khi đưa ra đề tài biển đảo vì đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm.

Theo cô Dương Thu Trang - giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM), về tổng thể, đề văn thể hiện đúng tiêu chí đổi mới, cách đặt vấn đề rõ ràng, không đánh đố. Phần đọc hiểu kiểm tra được việc nắm bắt vấn đề thời cuộc; kiểm tra được khả năng nhận biết, thông hiểu và vận dụng kiến thức của TS.

Thí sinh trao đổi sau khi thi môn ngữ văn tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH
Thí sinh trao đổi sau khi thi môn ngữ văn tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH

“Ý nghĩa của văn bản đọc hiểu không dừng lại ở những thông tin về sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép mà là phần bình luận sự kiện này ở đoạn 2 của văn bản. Điều này nhằm định hướng cho TS về lòng yêu nước, cách thể hiện lòng yêu nước sao cho phù hợp” - cô Trang nói.

Cô Trang cũng cho rằng câu 2 của đề thi sử dụng văn bản từ sách giáo khoa một cách linh hoạt. Qua đó, vừa kiểm tra kiến thức cơ bản học sinh đã được học về nhân vật trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt từ đó tích hợp vấn đề xã hội: Con người cần được sống lại chính mình. Đây là bước đột phá trong cách ra đề thi. Vì trước đây, phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội được tách ra thành 2 câu độc lập.

Cô Bùi Nguyệt Hồng, giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (tỉnh Nam Định), nhận xét đề thi môn ngữ văn vừa có tính thời sự vừa có giá trị nhân văn. Đề thi vô hiệu hóa tài liệu, chỉ vận dụng được kiến thức. Câu 2 của đề rất thú vị, nâng tầm học sinh từ văn học nghĩ đến giá trị của cuộc sống.

Khơi gợi lòng yêu nước

Cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), nhận định: Đề thi môn ngữ văn mang tính khái quát và rõ ràng đã thoát khỏi văn mẫu, tránh học tủ, học vẹt. “Câu 1 gắn với thời sự biển đảo, đáp ứng được nhiệm vụ gắn kết văn học với đời sống, mang hơi thở thời đại, học đi đôi với hành, giáo dục tinh thần yêu nước và qua đó đánh thức được tránh nhiệm, nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước, rất phù hợp với đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT. Như vậy, đề thi đã nổi bật được chức năng của văn chương là giáo dục con người” - cô Hiền nhận xét.

Trong khi đó, vấn đề biển đảo một lần nữa được thể hiện trong đề thi môn lịch sử. Kết thúc môn thi tự chọn thứ hai trong chiều 2-6, nhiều TS thi môn sử cho biết đề thi hay, có tính tổng quát và thời sự. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, câu 3 của đề thi lịch sử yêu cầu TS có những hiểu biết về tình hình thời sự: “Tại sao Liên Hiệp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay”.

Cô Phạm Thị Hoài Thương, giáo viên Trường THPT Nhân Việt, nhận định đề thi lịch sử khá hay, vừa đáp ứng yêu cầu biết, hiểu rồi vận dụng sáng tạo của TS. Từ câu 1 đến câu 3 liên kết với nhau chặt chẽ. Câu thứ 3 hay nhất khi gắn liền với tình hình thực tế đất nước. Đó là việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.

Từ thông tin thời sự này, đề thi đã gián tiếp nhấn mạnh vai trò của Liên Hiệp Quốc, trong đó có vai trò giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. “Câu hỏi mở, yêu cầu TS có tư duy và những sáng tạo riêng, có hiểu biết thực tế. Nếu em nào quan tâm đến tình hình đất nước thì đều hiểu và làm được. Đề thi góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước cho TS và giúp TS nhìn nhận một cách sáng suốt trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo” - cô Thương nêu ý kiến.

Mời thí sinh và phụ huynh đón theo dõi giải đề sau các môn thi tại địa chỉ nld.com.vn

Khó đạt điểm cao

Cô Hoàng Thị Thu Hiền khẳng định câu 2 trong đề thi ngữ văn khó vì liên quan đến bài học vốn ít được giáo viên và TS quan tâm. Mặt khác, TS phải phân tích dựa trên đối thoại ngắn nên phải nắm chắc bài học. “Phải học sinh khá trở lên mới làm được câu 2a, còn học sinh trung bình sẽ không dễ hoàn thành câu này. Với mức 7 điểm cho câu 2 (gồm câu 2a và 2b), nếu phân phối điểm là 3,5-3,5 thì TS còn có cơ hội gỡ điểm nhưng nếu tỉ lệ điểm là 5-2 thì rất khó cho TS. Với đề ra như vậy, điểm giỏi và khá sẽ rất ít, chủ yếu là điểm trung bình” - cô Hiền nhận định.

ThS Châu Thủy Tiên, giáo viên mạng ôn thi trực tuyến onthi.net.vn, cho rằng đề thi lịch sử câu 1 và câu 2 mang tính khái quát. Câu 3, học sinh khó đạt điểm tối đa nếu không theo dõi sát tình hình biển Đông.

Đối với môn vật lý, nhiều TS và giáo viên nhận định đề tương đối khó so với các năm trước. Đề có tới 13 câu lý thuyết. TS Nguyễn Văn Tuấn, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho hay đề thi năm nay phức tạp và khó; nhất là phần bài tập điện, dao động cơ, thuyết lượng tử ánh sáng… ThS Hồ Anh Dũng, giáo viên Trung tâm Luyện thi Miền Đông - Sài Gòn

(TP HCM), nhấn mạnh TS phải tính toán cẩn thận để có đáp án chính xác. Nội dung đề khá dài so với thời gian làm bài, đa số TS chỉ làm được khoảng 60%, do đó sẽ hiếm có điểm khá, giỏi.

 

Đại diện thí sinh kiểm tra niêm phong đề thi tại Hội đồng thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM) Ảnh:  Tấn THạnh

Đại diện thí sinh kiểm tra niêm phong đề thi tại Hội đồng thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM) Ảnh: Tấn THạnh

An toàn, đúng quy chế

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu tiên đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đề thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các hội đồng coi thi, các phòng thi và TS.

Buổi thi môn ngữ văn có 907.912 TS dự thi, đạt tỉ lệ 99,75%; môn vật lý có 437.092 TS dự thi, đạt tỉ lệ 99,9%; môn lịch sử có 104.465 TS dự thi, đạt tỉ lệ 99,5% so với số đăng ký dự thi. Trong buổi thi môn ngữ văn, có 4 TS vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi. Môn lịch sử có 1 TS vi phạm quy chế bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi, không có giám thị nào vi phạm quy chế thi.

Tại TP HCM, trong ngày thi đầu tiên không xảy ra trường hợp TS, giám thị vi phạm quy chế thi. Ở môn ngữ văn, hệ THPT có 49 TS vắng; trong đó có 3 TS bị ốm, 1 bị tai nạn giao thông (TS tại Hội đồng thi Thủ Đức).

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết môn ngữ văn có 82 TS vắng mặt, trong đó có 47 TS do bị ốm. Có 1 TS đến hội đồng thi chậm so với quy định nên không được dự thi, 1 TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi. Chiều 2-6, có 2 TS đến phòng thi chậm không được dự thi và 49 TS bỏ thi.

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, số TS vắng mặt trong buổi thi môn ngữ văn là 12 em, môn vật lý 2 em, môn lịch sử có 1 em.

Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết có 1 TS bị khuyết tật tại Trường THCS-THPT Trường Xuân (huyện Thới Lai) được đặc cách miễn thi tốt nghiệp vì qua giám định sức khỏe, TS này có sức lao động dưới 50%. Cần Thơ có 9.251 TS tham gia dự thi ngày 2-6, trong đó hệ THPT có 7.992 TS dự thi (đạt 99,96%); không phát hiện TS hay giám thị, hội đồng nào vi phạm quy chế thi.

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho hay UBND tỉnh hỗ trợ tiền đi thi cho hơn 100 TS thuộc diện quá khó khăn. Toàn tỉnh có gần 5.000 TS dự thi, 13 TS vắng thi trong đó 2 TS bị tai nạn giao thông.

Tỉnh Cà Mau có gần 7.600 TS dự thi tốt nghiệp THPT. Riêng các điểm trường vùng sâu, vùng xa như Trường THPT Viên An (huyện Ngọc Hiển), Tân Đức (huyện Đầm Dơi), Khánh Lâm (huyện U Minh) đã tổ chức chỗ ở, phương tiện đưa rước TS đến phòng thi đúng giờ. Nhìn chung, diễn biến ngày thi đầu tiên nghiêm túc, song có 14 TS vắng mặt ở môn thi ngữ văn.

D.Nhân - C.Linh - Y.Anh - Đ.Trinh - Th.Vân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo