xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đo lường nghiên cứu khoa học

GS NGUYỄN VĂN TUẤN

Ngoài chất lượng đào tạo, yếu tố định hình thương hiệu của một đại học chính là nghiên cứu khoa học. Đây là hoạt động quan trọng nhất của đại học

Có thể nói không ngoa rằng một trường đại học (ĐH) không có nghiên cứu khoa học thì chưa phải là một ĐH đúng nghĩa mà có lẽ chỉ là một trung tâm dạy nghề.

Hoạt động quan trọng: Nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học, do đó, là một trong những hoạt động quan trọng nhất của các ĐH đẳng cấp quốc tế. Tại những trường danh tiếng như CalTech, Harvard, ANU..., số nghiên cứu sinh nhiều hơn số sinh viên cấp cử nhân. Có 3 yếu tố định hình một ĐH đẳng cấp quốc tế là năng suất khoa học cao, tác động của nghiên cứu khoa học và xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.

Năng suất nghiên cứu khoa học. Chỉ tiêu này thường được phản ánh qua số bài báo công bố trên các tập san có hệ thống bình duyệt (peer-review). Bài báo khoa học không chỉ là một bản báo cáo về một công trình nghiên cứu mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới. Đại đa số ĐH trên thế giới dùng số bài báo trên các tập san trong thư mục ISI (Viện Thông tin Khoa học) làm thước đo về năng suất khoa học.

Tác động của nghiên cứu khoa học. Tầm ảnh hưởng của công trình khoa học có thể đo lường qua chỉ số trích dẫn. Những công trình khoa học có tác động thường được đồng nghiệp trích dẫn nhiều lần. Theo thống kê, có trên 50% bài báo khoa học chưa bao giờ được trích dẫn. Ngoài ra, chỉ số trích dẫn trung bình (tính trên mỗi bài báo) có thể là một chỉ số phản ánh tác động của nghiên cứu khoa học.

img
Nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng nhất của trường đại học. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ tin học _Ảnh: TẤN THẠNH
Xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Chỉ số H đã và đang được sử dụng để đánh giá tính xuất sắc trong nghiên cứu. Ví dụ, nếu một trường ĐH có chỉ số H = 20 có nghĩa là trường này có 20 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn ít nhất là 20 lần. Ngày nay, các tập san khoa học danh tiếng như Nature, Science, Cell, PNAS… và các cơ quan quản lý khoa học ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... đều sử dụng chỉ số H để làm cơ sở cho đề bạt, cấp tài trợ và đánh giá thành công của một nhà khoa học hay một nhóm nghiên cứu.

Ngoài chỉ số H, số bài báo trong nhóm được trích dẫn nhiều lần (“Highly Cited Papers”, hay HCP) cũng có thể xem là một thước đo đáng tin cậy. Một công trình được xem là HCP nếu được trích dẫn trên 1.000 lần.

Nâng tầm ĐH Việt Nam

Hiện nay, nước ta đã có trên 400 trường ĐH-CĐ, một con số rất “ấn tượng”. Một số trường ĐH muốn có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế thì phải có kết quả nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, không rõ bao nhiêu trường ĐH trong số trên thực sự có hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong thực tế, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam trên các tập san quốc tế còn rất thấp. Xin được đưa ra các biện pháp dưới đây:

Thứ nhất, cần phải hướng đến việc công bố nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế hay đăng ký bằng sáng chế (patent) như là một tiêu chuẩn để đề bạt vào các chức danh khoa học. Ở các trường ĐH phương Tây và ngay cả trường ĐH của các nước trong vùng, số lượng và chất lượng bài báo khoa học là tiêu chuẩn số 1 trong việc xét đề bạt lên chức giảng sư hay giáo sư. Đối với cá nhân nhà khoa học, báo cáo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế là viên gạch xây dựng sự nghiệp khoa bảng. Ở nước ta, nhiều năm qua, tiêu chuẩn công bố nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế vẫn chưa được công nhận đúng mức.

Thứ hai, cần phải xem công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế là một chỉ tiêu để đánh giá (hay “nghiệm thu”?) các công trình nghiên cứu do Nhà nước tài trợ. Ở các nước tiên tiến, công bố các bài báo trên các tập san quốc tế chính là tiêu chuẩn số 1 để các cơ quan tài trợ xem xét cung cấp kinh phí nghiên cứu. Nhưng ở nước ta, các công trình nghiên cứu sau khi hoàn tất thường được nghiệm thu một cách khá hình thức. Có rất nhiều nghiên cứu với ngân sách hàng tỉ đồng được nghiệm thu và đánh giá là “đạt” hay “tốt” nhưng trong thực tế thì chưa có một bài báo nào trên trường quốc tế và do đó không xứng với số tiền đầu tư do người dân đóng góp.

Thứ ba, cần phải khuyến khích các nghiên cứu sinh tiến sĩ công bố ít nhất một bài báo khoa học trên các tập san quốc tế trước khi bảo vệ luận án. Nếu quy định này được thực hiện tốt, có thể kỳ vọng rằng sự có mặt của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế sẽ được nâng cao trong vài năm tới.

Thứ tư, cần có chính sách đãi ngộ và tưởng thưởng các nhà khoa học trẻ có công trình công bố quốc tế. Ở một số ĐH tại các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông..., người ta thưởng khá nhiều tiền (lên đến hàng ngàn USD) cho các tác giả có công trình công bố trên các tập san quốc tế có uy tín.

Sứ mệnh phục vụ xã hội

Trường ĐH được ra đời với sứ mệnh phục vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu tri thức của công chúng. Tri thức là một tài sản chung của con người mang tính phi biên giới.
Thành ra, trách nhiệm của một ĐH đẳng cấp quốc tế không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề địa phương mà phải nhắm vào việc phụng sự những vấn đề đa chiều hơn, rộng lớn hơn và qua đó để góp phần đưa giáo dục ĐH thế giới lên một chiều cao mới.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo