xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hạnh phúc nhìn học trò trưởng thành

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Trong xã hội hiện đại, vị thế, trình độ của người thầy không phải được khẳng định ở các chức danh mà ở sự trưởng thành của học trò

Sáng 17-11, buổi giao lưu gặp gỡ với các nhà giáo mang chủ đề “Trái tim người thầy” do Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức đã lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động về tình thầy - trò; nhất là trong công tác giáo dục, cảm hóa những học sinh cá biệt.

“Vì thầy, tôi mới chọn ngành sư phạm”

Nhiều nhà giáo cho rằng dù xã hội phát triển đến đâu thì người thầy vẫn luôn có một vị trí đặc biệt. Lý do chọn nghề của nhiều thầy, cô giáo hôm nay cũng là vì ngưỡng mộ hình ảnh của những người thầy đi trước. Khi được hỏi lý do chọn nghề giáo, cô Dương Thị Hải Quý, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, xúc động nhớ về hình ảnh người thầy dạy văn của mình ở những năm tháng học THPT. “Tôi lớn lên ở Hà Tĩnh, giáp biên giới Lào, cách trường THPT hơn 8 km đường rừng, mùa đông đi lại vất vả. Giáo viên dạy văn hồi đó của tôi là thầy Trần Văn Thịnh, có giọng nói rất truyền cảm, chữ đẹp. Mỗi tiết dạy của thầy khiến học sinh bị cuốn hút vào những câu thơ hay, trong sáng về tình bạn, tình yêu, tình yêu Tổ quốc. Quãng đường đi học khó khăn, thầy cho tôi ở lại nhà của mình. Hình ảnh tận tụy của thầy đã nuôi dưỡng ước mơ cho tôi thi vào ngành sư phạm. Suốt quá trình đi dạy, tôi cũng truyền lại cho học sinh những lời như thầy đã từng dạy tôi” - cô Quý kể.

Chính hình ảnh cao đẹp của thầy đã khiến cô Dương Thị Hải Quý, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, quyết tâm theo nghề giáo
Chính hình ảnh cao đẹp của thầy đã khiến cô Dương Thị Hải Quý, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, quyết tâm theo nghề giáo

Nói về vị thế người thầy trong xã hội hiện đại, cô Hoàng Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7), cho biết ở đâu đó vẫn có hình ảnh người thầy bị phai nhạt, bị tổn thương mà ai cũng thấy đau lòng, một phần là do giáo dục chưa tới. Đây là vết xước cần xóa để giữ truyền thống tôn sư trọng đạo. Người thầy hơn lúc nào hết cần tự học và hoàn thiện mình, học từ chính học sinh của mình, từ chính phụ huynh cũng là cách để xây dựng hình ảnh và vị thế người thầy. Giáo viên không chỉ đến lớp dạy hết tiết rồi về mà còn phải gắn bó, gần gũi với học sinh, từ đó nắm bắt được những tâm tư, tình cảm mà các em đang gặp phải để có biện pháp giáo dục.

“Trẻ học từ cách ăn, cách nói và cách đi đứng của người lớn nên trước hết, thầy cô giáo phải là những tấm gương mẫu mực. Hơn nữa, trong dạy làm người, hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ của các em mới có thể giáo dục tốt hơn. Vì thế, tôi muốn mình trở thành một nhà giáo dục hơn là một giáo viên” - cô Thủy nói.

Vui khi tạo được niềm tin

22 năm gắn bó với nghề giáo, từng gần gũi, cảm hóa rất nhiều học sinh cá biệt, thầy Nguyễn Thái Hoàng (Tổ phó Tổ Vật lý Trường THPT Nguyễn Công Trứ) nhìn nhận để dạy dỗ học sinh cá biệt, sự dìu dắt, quan tâm của thầy cô giáo chắc chắn phải có sự kiên trì, chịu đựng, rèn giũa các em từng bước. Thầy Hoàng nhớ lại thời điểm còn làm giám thị, thầy cô giáo bộ môn cũng như giáo viên chủ nhiệm không hài lòng về một học sinh cá biệt lớp 11. Khi dành nhiều thời gian để gần gũi, thầy phát hiện ở em có nhiều tố chất, thậm chí có thể trở thành một học sinh giỏi nếu được phát huy. Qua quá trình tìm hiểu thì biết hoàn cảnh gia đình em rất đặc biệt, có đến 8 anh em. Ngày em xin tiền đóng học phí, người cha đã quăng cặp của con, kèm câu: Tiền đâu mà đi học. Từ lúc đó, em buồn chán, nản lòng và tỏ thái độ bất cần.

“Khi làm giáo viên chủ nhiệm, tôi chọn em này làm lớp phó trước sự phản ứng của nhiều người. Tuy nhiên, em có cơ hội để phát huy và chẳng lâu sau thì trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất lớp. Ngày thi ĐH, em đề nghị tôi chọn trường cho mình. Bỗng dưng được học sinh đề nghị như vậy, tôi cũng lo nhưng vui vì em đã thật sự tin tưởng mình. Học sinh cá biệt của tôi nay đã là phó giám đốc một ngân hàng nước ngoài tại TP HCM” - thầy Hoàng tự hào.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT TP HCM, nhìn nhận ngoài dạy chữ, thầy cô giáo luôn coi học sinh như con em của mình, dù cuộc sống còn lắm vất vả nhưng âm thầm giúp đỡ vật chất, tinh thần. Từng lớp học sinh trưởng thành như hôm nay chính là nhờ vào sự hy sinh thầm lặng đó của thầy cô giáo. “Ngành GD-ĐT có nhiều chuyển biến tích cực song nếu không tự học tự rèn, không đủ năng lực sẽ không làm tròn chức năng và nhiệm vụ. Dù khó khăn nhưng vẫn cân bằng cái chung- riêng, tinh thần, vật chất, công việc, cuộc sống, điều này xã hội luôn ghi nhận” - ông Hùng nhấn mạnh.

Hãy trải lòng với học sinh

Cô Nguyễn Tuyết Mai, giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập, cho biết hiện nay, giáo viên chủ nhiệm mới thật sự là những người có thời gian gần gũi với học sinh nhiều nhất, như một người mẹ thứ hai của các em. Vì thế, giáo viên phải là người biết trải lòng, đặt mình vào hoàn cảnh học sinh để các em tin tưởng, chia sẻ điều thầm kín nhất, từ đó định hướng các em tránh sai lầm. Muốn thế, không còn cách nào khác là luôn lồng ghép kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh, dạy về giá trị sống và hướng đến giá trị chân thiện mỹ” - cô Mai chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo