xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khổ như học ở Đại học Bình Dương

Bài và ảnh: HUY LÂN

LTS: Hệ thống ĐH, CĐ đang bùng nổ, đặc biệt là các trường dân lập, tư thục. Kéo theo là tình hình chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy xuống cấp. Mở đầu loạt bài này, chúng tôi “nhận diện” cơ sở vật chất của Trường ĐH Bình Dương...

Theo phản ánh của sinh viên (SV) Trường ĐH Bình Dương, từ nửa sau tháng 10, các em phải chuyển về học tại một cơ sở mới vừa được trường thuê. Điều kiện dạy học không tốt kèm theo phương tiện đi lại không có khiến nhiều SV không muốn đến trường.


Học ở... nhà máy đường!


Trong hai ngày 23 và 26-10, chúng tôi tìm đến cơ sở vừa được Trường ĐH Bình Dương thuê của nhà máy đường (đã giải thể) làm chỗ học cho SV. Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là một dãy nhà đã xuống cấp nặng, trong đó một phòng đã được sử dụng làm giảng đường, lớp học với khoảng hơn 100 SV.

Đi sâu vào trong là  khu phòng học chính, còn mới. Các phòng được trang bị đầy đủ máy chiếu, quạt nhưng nhiều SV bỏ ra ngoài và cho biết phòng học quá ngột ngạt. Theo quan sát của chúng tôi tại lớp theo học ngành xây dựng năm thứ 3, phòng học có diện tích khoảng hơn 60 m2 nhưng có đến hơn 80 SV. Cơ sở mới này không có thư viện, phòng thực hành, thí nghiệm...

img
Sinh viên phải học tạm ở một nhà máy đường đã bị bỏ phế


Không chỉ có thế, chuyện đi học của nhiều SV cũng gặp khó khăn do không có phương tiện đi lại. Nhiều SV cho biết trước đây các em ở trọ gần trường không có xe gắn máy, xe đạp, nay phải học ở cơ sở mới cách trường 6 km lại không có tuyến xe buýt nên việc đến trường rất khó khăn. Vì vậy buổi học hôm chủ nhật, 25-10, rất nhiều SV khoa xây dựng năm thứ 3 bỏ giờ.


Bà Cao Thị Việt Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương, cho biết: Cơ sở chính của trường hiện chỉ đáp ứng được chỗ học cho 5.000 SV, trong khi số SV chính thức  của trường là 10.000. Vì vậy trường phải thuê cơ sở của nhà máy đường để làm chỗ học cho SV. Cơ sở này có 10 phòng, là chỗ học cho tất cả SV năm thứ 3, thứ 4. Trường đã làm việc xong với đơn vị vận chuyển đưa đón SV  từ cơ sở chính đến cơ sở phụ, phí mỗi chặng là 4.000 đồng, SV tự trả...


Học trong công trường xây dựng


Không chỉ có học trong nhà máy đường, SV Trường ĐH Bình Dương còn phải học ở các phòng học trong công trường xây dựng cơ sở mới của trường.


Có mặt tại lớp học của SV khoa xây dựng năm thứ 3, sáng 26-10, chúng tôi chứng kiến cảnh SV ngồi học trong lớp giữa tiếng xe, máy xây dựng dội vào tai. Lớp có hơn 80 SV nhưng chỉ có khoảng 60 SV  đi học. Ở bàn trên, nhiều SV đang “cố” nghe lời bài giảng của thầy nhưng từ hàng giữa đến cuối lớp, nhiều SV quay sang nhìn công trình đang xây dựng trong tiếng ồn ào đến khó chịu.

Chúng tôi hỏi: “Ở đây các bạn có thể học được không?”. Một SV mặt buồn, nói: “Anh thấy đó công trình xây dựng quá ồn ào làm sao chúng em học được. Vì không nghe được lời thầy giảng nên nhiều bạn quay ra xem công trình đang xây dựng, có bạn chạy xuống cuối lớp nằm ra ghế ngủ” (SV này chỉ cho chúng tôi thấy).


Ai chia sẻ với sinh viên?


Trao đổi với chúng tôi, bà Cao Thị Việt Hương  cho biết đón đầu việc tăng quy mô SV, cách đây 5 năm, trường đã khởi động kế hoạch xây dựng thêm cơ sở trên đường Hoàng Hoa Thám (gần trường). Theo kế hoạch, năm học này trường đã có cơ sở mới để phục vụ SV nhưng việc tìm được một vị trí đất mới quá khó khăn.

Ngay sau khi có giấy phép xây dựng (tháng 8-2009), trường đã xúc tiến xây dựng, dự kiến đầu học kỳ 2 sẽ đưa vào sử dụng một khu phòng học phục vụ thêm cho một bộ phận SV. Trong vòng 4- 5 năm tới, sẽ xây dựng hoàn chỉnh khu này.


Bà Hương cho rằng việc SV phải đi học tại các cơ sở khác là do khó khăn khách quan vì vậy SV phải biết chia sẻ với nhà trường. Nhưng nhiều SV nói thẳng: SV chia sẻ với trường nhưng ai chia sẻ với SV khi các em đóng học phí trễ là bị trường tính lãi; đóng học phí một lần/năm là 6,5 triệu đồng, còn đóng 2 lần/năm thì trường thu đến 7,6 triệu đồng...?

Tiến thẳng lên... ĐH !

Các trường ĐH, CĐ đang mọc lên như nấm, với tốc độ khủng khiếp. Hầu như các trường THCN, CĐ nào cũng đều muốn tiến thẳng lên ĐH để “sánh vai” cùng với những trường ĐH dân lập, tư thục!  Nếu như năm 1987, cả nước chỉ mới có 107 trường ĐH, CĐ thì sau hơn 20 năm con số đó là 367 trường! Thời kỳ “bùng nổ” của ĐH, CĐ ở nước ta xảy ra trong hai năm 2006-2007, với 40 trường mới thành lập cũng như được nâng cấp!


Một cuộc “xã hội hóa” ĐH chớp nhoáng như vậy thì làm sao bảo đảm được chất lượng, nên những “trường ĐH làng” xuất hiện là tất yếu!


GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thành viên Ban kiểm tra các trường ĐH, cho biết sau khi kiểm tra 20 trường ĐH công lập hàng đầu ở nước ta (giai đoạn 2005-2008), chỉ có 14 trường đạt yêu cầu về xác định mục tiêu, 8 trường đạt yêu cầu về tổ chức quản lý và chưa có trường nào “đạt chất lượng”.


Vì sao giáo dục ĐH xuống cấp như vậy? Đơn giản vì nó đã bị thị trường hóa. Giáo dục ĐH đang trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Điều đáng tiếc là trong bất luận trường hợp nào, Bộ GD-ĐT đều đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu nhưng thực tế lại khác.

Người ta bảo quy trình thành lập một trường ĐH dân lập quá dễ dãi nhưng thực tế không phải vậy. Theo quy định trước đây, muốn thành lập một trường ĐH dân lập phải được sự chấp thuận của địa phương, sau đó lập dự án tiền khả thi, dự án khả thi.

Cả hai khâu trên đều được một hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT thẩm định nghiêm ngặt, có ý kiến, sau đó mới trình Thủ tướng ký quyết định thành lập. Ông Bùi Văn Giáo, người đứng tên xin thành lập Trường ĐH Phan Thiết, hết sức “thật thà” khi nói với báo chí rằng mình đã đi “mòn lốp máy bay” mới xin được giấy phép thành lập trường.

Ông Giáo đã nói hết sức chính xác và cũng rất... hình tượng! Nghiêm ngặt như vậy nhưng những trường “ĐH làng” vẫn liên tục ra đời, nên ngày 15-1-2009, Chính phủ phải ban hành một quyết định mới càng chặt chẽ hơn. Theo đó, yêu cầu thành lập một trường ĐH càng nghiêm ngặt hơn, trong đó có quy định vốn điều lệ 50 tỉ đồng, diện tích trường phải 5 ha đất... Và những trường ĐH dân lập khác vẫn tiếp tục ra đời!


Vấn đề chất lượng ĐH đã gây bức xúc dư luận. Trong buổi thảo luận về Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại Quốc hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu phải nhìn thẳng vào thực tế các trường ĐH hiện nay và phải rà soát lại toàn bộ hệ thống các trường ĐH. Yêu cầu của Tổng Bí thư cũng là yêu cầu của xã hội, vấn đề là Bộ GD-ĐT “rà soát” như thế nào hay như việc kiểm tra qua loa Trường ĐH Phan Thiết, rồi tuyên bố nó đạt yêu cầu!?

L.N.D

 

Kỳ tới: Đại học kiểu "tầm gửi"
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo