xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sách giáo khoa sẽ bớt “đi trên mây”

THẾ KHA - TÔ HÀ

Chương trình mới sẽ không cứng nhắc, trong đó khoảng 70%-80% nội dung bắt buộc với học sinh cả nước; 20%-30% còn lại thì địa phương, cơ sở giáo dục tùy vào thực tế mà vận dụng cho phù hợp

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (gọi tắt là SGK) chiều 11-11, đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho biết trước đây, gia đình ông đã phải thuê thầy về luyện chữ đẹp cho con chỉ để theo kịp chương trình giáo dục mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thay đổi sau vài năm áp dụng. “SGK nếu nhầm lẫn, không có chuẩn mực thì có khi chúng ta sẽ phải trả giá cho cả một thế hệ” - ĐB Chung nói.

Cần có lộ trình thí điểm

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng học sinh tiểu học phải ngồi quá nhiều, không còn thời gian vui chơi, tập thể thao. Chúng ta bắt trẻ em học quá nhiều, thầy dạy thêm, trò học thêm và có vấn đề tài chính, kinh tế ở đó nên không được vui vẻ lắm. Bà An đề nghị: “Tôi xem chương trình hiện nay có thể thấy lược bỏ được 1/2 chương trình bậc tiểu học và THCS. Các trường phải xây dựng thêm các khu vui chơi và tăng số tiết thể dục thể thao hằng tuần chứ không thể chỉ có 1-2 tiết/tuần như bây giờ”.

ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) băn khoăn khi đề án này tác động tới 20 triệu học sinh và về lâu dài là sự phát triển của cả đất nước nhưng cơ quan soạn thảo lại chưa đánh giá được tác động của đề án đến xã hội như thế nào để làm cơ sở cho Quốc hội (QH) nghiên cứu trước khi thông qua. Đề án cũng chưa nêu rõ tính kế thừa bộ SGK hiện hành mà làm theo cách phủ định để xây lại từ đầu, như vậy là rất nguy hiểm. Cần thực hiện thí điểm sau đó mới áp dụng đại trà, không nên theo đề xuất của Bộ GD-ĐT là thực hiện đại trà ngay từ năm học 2018-2019. “Tôi cho rằng phải rất cẩn trọng, nên có lộ trình thí điểm vì không ai chắc chắn đổi mới chỉ có thành công mà không có thất bại” - ĐB Dung nêu.

 

Sách giáo khoa mới sẽ chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học Ảnh: TẤN THẠNH
Sách giáo khoa mới sẽ chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học Ảnh: TẤN THẠNH

 

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM), đổi mới SGK phải bỏ được tư tưởng nhồi nhét, phải cân nhắc kỹ lưỡng, làm từng bước vì học trò không phải như khuôn dập sẵn, nay thế này mai thế khác. Sợ nhất bình mới rượu cũ, cái gì cũng nhồi nhét vào để đến khi ra trường học sinh cứ như siêu nhân mà siêu nhân không làm được việc gì hết! ĐB Lan cho rằng cần xã hội hóa biên soạn SGK nhưng phải kiểm soát tốt, tránh hiện tượng nhà xuất bản “biến thái” chi hoa hồng giành quyền in sách như câu chuyện đưa thuốc vào bệnh viện. Một vấn đề nữa cần chú ý là cải cách giáo dục không chỉ cần SGK mà phải đi cùng đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Bây giờ, hễ ĐBQH tiếp xúc cán bộ giáo dục là chỉ thấy phản ánh vấn đề cơm áo gạo tiền, không còn đầu óc nghĩ gì đến dạy dỗ cho học trò...

Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức viết SGK

ĐB Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng không thể khẳng định ngay được sẽ có bao nhiêu bộ SGK. Bộ GD-ĐT sẽ tính toán dựa trên thực tiễn, số lượng người có thể tham gia viết được. “Lạc quan nhất có thể được 4 bộ nên kinh phí thẩm định trong đề án là 4 bộ… Tuy nhiên, 3-4 lần viết SGK trước đây cho thấy lực lượng tham gia vào viết SGK không nhiều. Trong số những người có thể và có kinh nghiệm thì không phải ai cũng sẵn sàng tham gia vì nhiều lý do khác nhau. Thêm nữa là chính sách đãi ngộ viết SGK rất thấp nên không khuyến khích được về vật chất. “Nói thật, vừa rồi có nhiều người nói rất là to, bây giờ cũng đang nói rất là to nhưng mấy lần viết sách vừa rồi thì đều không dùng được” - Bộ trưởng Luận bày tỏ.

“Tư lệnh” ngành giáo dục nói thêm: “Những lần trước, chúng ta viết sách, chúng ta dạy các cháu đều theo cách thầy truyền đạt kiến thức cho trò, trò tiếp nhận kiến thức học thuộc để thi trở lại theo lối truyền thụ kiến thức một chiều. Điều thầy nói ra là chân lý, học trò chỉ công nhận, viết đúng lời thầy, giống với sách thì điểm cao; ngược lại thì điểm thấp. Bây giờ, ta sẽ chuyển sang cách viết khác, trong đó chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Bộ GD-ĐT đang tập huấn cho rất nhiều thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục làm quen, tiếp cận với những bộ sách mà thế giới làm để phát triển năng lực của học sinh”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết SGK mà chỉ tổ chức viết SGK. Có nghĩa là bộ tập hợp con người để viết và giao cho nhà xuất bản để triển khai chứ bộ không làm và lần này cũng vậy.

ĐB Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH (cơ quan thẩm tra đề án - PV), cho biết: “Chúng ta đang thực hiện một chương trình thống nhất cứng nhắc, tất cả mọi người phải thực hiện theo chương trình đó. Chương trình của chúng ta hiện nay qua các đánh giá và báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về SGK phổ thông cho thấy không phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và khả năng tiếp thu của học sinh Việt Nam. Chị Bùi Thị An nói bỏ đi một nửa là cũng có cơ sở đấy. Lần này, chúng ta nói khả thi vì năng lực thầy tới đâu, học sinh tới đâu thì thiết kế đúng khả năng tiếp thu đến đó thôi”.

Theo ông, chương trình mới sẽ mềm dẻo, không cứng nhắc, trong đó có một nội dung bắt buộc với học sinh cả nước (chiếm khoảng 70%-80%); 20%-30% còn lại thì địa phương, cơ sở giáo dục tùy vào thực tế để vận dụng cho phù hợp. Trường có nhiều học sinh tiếp thu chậm thì chỉ dạy theo chương trình bắt buộc; khi thi cũng chỉ thi theo kiến thức cơ bản, bắt buộc học với học sinh cả nước.

“Một chương trình có nhiều SGK cho học sinh lựa chọn ở đây là trên cơ sở giáo viên dạy ở trường đó thống nhất với học sinh lựa chọn SGK. Nếu trường thấy sách của Bộ GD-ĐT không tốt thì lựa chọn sách khác” - ông Thi nói và cho biết thêm sắp tới đây, SGK sẽ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ nữa. Sách của Bộ GD-ĐT sau khi lựa chọn xong sẽ được bán đấu giá cho các nhà xuất bản. Người viết sách buộc phải làm tốt thì mới mong có nhiều người mua. SGK dù do Bộ GD-ĐT hay cá nhân xây dựng đều sẽ có một hội đồng thẩm định, khi được chấp nhận thì đều được phép sử dụng trong nhà trường; SGK đó sẽ được nhà nước đứng ra tập huấn và phổ biến cho học sinh.

 

Thế giới không có kiểu luật này!

Thảo luận về dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật vào chiều cùng ngày, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng tên luật đã ngắn gọn hơn nhưng phạm vi rộng và không rõ. “Cần phân biệt văn bản pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật, khác nhau và giống nhau ở điểm nào. Xác định được văn bản pháp luật thì phải xác định chủ thể nào được quyền ban hành” - ĐB Hà nói. Trong khi đó, ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, cho biết hầu hết các nước trên thế giới không có luật kiểu như thế này. Người ta đưa vào quy chế làm việc, chia ra một loại các văn bản luật của QH và một loại của Chính phủ. “Chúng tôi có tìm hiểu tại sao lại có luật này, bởi trước nay chúng ta có cái “luật để làm luật”. Tôi thấy phải nghiên cứu tiếp bởi nếu để thế này thì không ổn, đảo hết lý luận về pháp lý mà các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đang dạy” - ĐB Thảo nêu.

T.Kha

 

Đề xuất lập đơn vị tổng quản doanh nghiệp nhà nước

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) phân tích dự thảo luật chỉ quy định tiền thưởng được trích từ lợi nhuận sau thuế, trên cơ sở hiệu quả sản xuất - kinh doanh và mức độ hoàn thành của doanh nghiệp (DN) là khá chung chung. Cần cân nhắc kỹ để tránh có sự chênh quá lớn giữa thu nhập của người quản lý và các đối tượng khác. Cùng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thắc mắc đối với các DN công ích thì xác định chế độ lương, thưởng dựa trên tiêu chí nào. Nên quy định rõ chế độ lương, thưởng do cấp có thẩm quyền quy định.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị phải có chế độ giám sát việc bổ nhiệm nhân sự đối với DN nhà nước nhằm chấn chỉnh việc lãnh đạo DN trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm và nhận hàng trăm nhân sự.

Dự thảo luật không quy định nhưng nhiều ĐBQH cùng thống nhất đề xuất phải thành lập một cơ quan cấp bộ hoặc cấp tổng cục để chuyên trách quản lý DN nhà nước nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Nếu tiếp tục duy trì cơ chế bộ chủ quản như hiện nay sẽ không lấp được lỗ hổng pháp lý là nguyên nhân dẫn đến thực trạng DN làm ăn không hiệu quả, đổ vỡ mà không truy được trách nhiệm cá nhân.

T.Hà

 

Vừa rồi có nhiều người nói rất là to, bây giờ cũng đang nói rất là to nhưng mấy lần viết sách vừa rồi thì đều không dùng được”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo