xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thành công từ “dấu chấm động”

THÙY VINH

Đôi bạn cùng lớp Tăng Phương Phương và Nguyễn Phú Khánh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, một lần nữa đưa Việt Nam lên đỉnh cao nhất cuộc thi thiết kế vi mạch tại Nhật Bản

Đã bước sang tuổi 22 nhưng bề ngoài Tăng Phương Phương chỉ như một học sinh phổ thông. Cô gái “chỉ thích học” - như nhận xét của thầy Huỳnh Hữu Thuận, Trưởng Khoa Điện tử Viễn thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM - gây ấn tượng với chúng tôi bằng sự thông minh, tự tin, nhất là nét hồn nhiên tuổi học trò.

“Hoa” lạc giữa rừng nam

Là sinh viên nữ duy nhất theo đuổi chuyên ngành máy tính và hệ thống nhúng (khóa 07) nhưng từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, Phương luôn có kết quả học tập đứng nhất, nhì khiến hơn 20 bạn nam trong lớp phải nể phục. Đối với Phương, việc chọn ngành học có vẻ đầy chất nam tính này cũng là bước ngoặt đáng nhớ. Từ năm lớp 12, do rất thích sóng điện từ nên cô nữ sinh chuyên hóa lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - TPHCM đã quyết tâm theo đuổi ngành điện tử viễn thông.

Thế nhưng, khi đã thi đỗ vào ngành học mơ ước, Phương lại thấy mình không phù hợp với lĩnh vực này vì nó có quá nhiều khái niệm khó nhớ. Phương thấy mình phù hợp hơn nếu theo học một chuyên ngành mang tính logic cao hơn. Cùng với đam mê về kiến trúc bộ xử lý và máy tính, hệ điều hành, hệ thống nhúng…, Phương đã chuyển hướng sang chuyên ngành máy tính và hệ thống nhúng từ cuối năm học thứ 2.

img

Tăng Phương Phương và Nguyễn Phú Khánh đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế vi mạch năm 2011 tại Nhật Bản. Ảnh: HỒNG THÚY

Những môn học có vẻ không phù hợp lắm với nữ giới ngày càng lôi cuốn Phương. Cùng với sở thích nghiên cứu chế tạo một thiết bị chuyên dụng nào đó, Phương và Nguyễn Phú Khánh, bạn học cùng lớp, đã rủ nhau cùng thử sức với cuộc thi Thiết kế vi mạch lần thứ 14 – năm 2011 do Nhật Bản tổ chức dành cho sinh viên ĐH và sau ĐH của các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Nhận thấy Phương rất thông minh và có tinh thần trách nhiệm cao nên Khánh đã quyết định rủ bạn tham gia cuộc thi với mình dù năm 2010, Khánh cũng từng tham gia nhưng không qua được vòng bảng. Khánh giải thích: “Năm ngoái, em mới là sinh viên năm 3, chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Do vậy, em quyết định tiếp tục thi lần nữa để củng cố kiến thức và đặc biệt khi biết được đề thi năm nay, em rất hứng thú nên rủ Phương tham gia”.

Mới, độc đáo và táo bạo

Phương cho biết đề thi năm nay không khó và không mới. Đề yêu cầu thiết kế hệ thống nén ảnh và giải nén dùng cho phần cứng, viết bằng ngôn ngữ mô tả phần cứng HDL. Trong đề thi kèm theo một phương án thiết kế mẫu để người dự thi tham khảo. Tuy nhiên, cả hai xác định: Đã thi thì phải nghĩ ra phương án thật mới, thật độc đáo và táo bạo.

“Đối với em và Khánh, thiết kế này cả hai đều chưa từng trải qua nên khi bắt tay vào mới nảy sinh nhiều vấn đề. Tụi em mất rất nhiều thời gian loay hoay chọn mô hình cho thật hiệu quả” - Phương nhớ lại. Việc sử dụng định dạng số dấu chấm tĩnh hay dấu chấm động cũng khiến cả hai băn khoăn. Dùng dấu chấm tĩnh thì đỡ hao tốn tài nguyên nhưng độ chính xác lại không cao. Ngược lại, dùng dấu chấm động cho kết quả chính xác cao nhưng lại hao tốn tài nguyên và phức tạp hơn. Cuối cùng, sau một tháng chọn qua chọn lại, cả hai quyết định sẽ thực hiện thiết kế bằng phương án dấu chấm động.

Bằng sự quyết tâm và phân chia công việc rõ ràng, Phương bắt đầu làm mô hình thuật toán, Khánh xử lý và viết lập trình. Cả hai làm đến đâu thì tìm phương pháp kiểm tra xử lý đến đó cho từng công đoạn. Việc kiểm tra cũng gây rất nhiều rắc rối bởi càng nhiều dữ liệu lại càng dễ lẫn lộn và không biết phải sắp xếp thế nào. Cũng may, đến những ngày cuối, mọi sự cố được khắc phục và việc chạy thử trên bo khá ổn định. Lúc đó, cả hai mới thở phào và quyết định làm báo cáo chi tiết gửi ban tổ chức.

Thời điểm tham gia cuộc thi lại trùng với lúc Phương và Khánh phải thi học kỳ và đi thực tập. Khánh cho biết: “Nhiều đêm em phải thức đến 2-3 giờ sáng. Thậm chí, có đêm em còn thức trắng bởi sợ ngủ rồi, sáng thức dậy lại quên mất chi tiết nào đó”.

Chiến thắng vì không áp lực

Khi nhận được thông báo phần thi của mình đã được chọn vào vòng chung kết diễn ra tại Nhật Bản, Phương và Khánh rất mừng vì “không ngờ lại được chọn”. Tuy nhiên, ban tổ chức chỉ chấp nhận một thành viên được sang thuyết trình tại Nhật, còn người kia muốn đi thì phải tự lo. Do vậy, Khánh đã động viên Phương đi vì tiếng Anh của cô tốt hơn.

Với cô sinh viên mà khi đi học cha phải đưa đón này, việc một mình sang Nhật quả là chuyện không đơn giản. “Em chưa đi nước ngoài lần nào, đến đâu cũng có ba mẹ đi cùng, giờ đi một mình nên rất lo” - Phương tâm sự. Hơn nữa, vòng chung kết cuộc thi diễn ra tại Trường ĐH Ryukyus thuộc tỉnh Okinawa - Nhật Bản ngày 18-3, chỉ sau thảm họa động đất, sóng thần đúng một tuần, cũng là điều khiến Phương phải đắn đo. Tuy nhiên, được cha mẹ, thầy cô khuyến khích, gạt nỗi lo lắng sang một bên, Phương quyết tâm một mình đến Nhật.

img

Huỳnh Quang Trung và Nguyễn Phạm Hoàng Dũng (từ phải qua) tại buổi trao giải ở Nhật. ẢNH DO NHÂN VẬT CUNG CẤP

“Đến Nhật, em choáng ngợp bởi trời lạnh quá. Thật may, ở đây em gặp được hai anh Huỳnh Quang Trung và Nguyễn Phạm Hoàng Dũng, đại diện Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, cũng lọt vào vòng chung kết cuộc thi này” – Phương nhớ lại. Hôm sau, cô sinh viên Việt Nam nhỏ thó đã vững vàng đứng trước hội đồng giám khảo và các giáo sư hàng đầu về thiết kế vi mạch của Nhật để thuyết trình về công trình của mình và hoàn toàn thuyết phục được họ. Vượt qua 6 đội mạnh khác, thiết kế của Phương và Khánh đã được chọn trao giải nhất.

Đến giờ, Phương vẫn cảm thấy chiến thắng của cô và Khánh như một điều gì đó vượt ngoài sức tưởng tượng. “Em không hề nghĩ mình đi thi là phải đoạt giải nên rất thoải mái, không hề có áp lực gì cả. Bởi vậy, khi họ thông báo tụi em đoạt giải, em hết sức bất ngờ vì các đội dự thi đều rất mạnh” – Phương nhớ lại. Phương vui mừng thông báo kết quả cho Khánh. “Em cũng hết sức bất ngờ, suốt đêm đó không thể nào ngủ được”- Khánh thổ lộ.

Theo Phương, chiến thắng bất ngờ này có lẽ do ban giám khảo đánh giá cao việc cô và Khánh sử dụng phương án dấu chấm động, trong khi tất cả các đội khác đều dùng dấu chấm tĩnh. Phương cho biết tốc độ xử lý nén và giải nén ảnh theo phương án này nhanh hơn cả ngàn lần và độ chính xác rất cao. Chính sự táo bạo trong cách chọn phương án thực hiện cùng với sự tự tin trong phần thuyết trình đã giúp Phương chiến thắng.

Theo đánh giá của Huỳnh Quang Trung, đại diện ICDREC tham gia cuộc thi này, dấu chấm động chính là điểm sáng trong nghiên cứu của Phương và Khánh. “Giải nhất được trao cho 2 sinh viên Việt Nam mới chỉ học bậc ĐH là rất đáng khích lệ và hoàn toàn xứng đáng” - Trung nhận xét.

Phấn đấu ở lại trường

Phương và Khánh hiện đang trong quá trình thực hiện luận văn tốt nghiệp và thực tập. Phần thưởng cho đội đoạt giải nhất là một suất học bổng tại Nhật Bản trong 6-12 tháng về thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, Phương cho biết cô sẽ không thể đi học đợt này vì chưa tốt nghiệp. Dù tiếc nhưng Phương cho biết phía trước còn rất dài và ước mơ của cô là phấn đấu để được ở lại trường làm giảng viên, sau đó học bậc cao hơn nữa. “Là giảng viên, em sẽ có cơ hội làm việc và truyền đạt lại kinh nghiệm của mình với các lớp sinh viên sau”- Phương nói.

Đối với Khánh, dù chưa có dự định rõ ràng nhưng chàng trai quê Phú Yên này cũng mong được ở lại trường để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực thiết kế vi mạch. “Các công trình thiết kế vi mạch của Việt Nam hiện nay từ nghiên cứu đến ứng dụng còn rất xa. Em mong thời gian tới sẽ có những công trình lớn của Việt Nam về thiết kế vi mạch có thể áp dụng trong thực tế” - Khánh ao ước.

Việt Nam đoạt 2 giải cao nhất

Ngoài giải nhất được trao cho Tăng Phương Phương và Nguyễn Phú Khánh, đội của Huỳnh Quang Trung và Nguyễn Phạm Hoàng Dũng đã đoạt giải nhì trong cuộc thi này.

Trung cho biết anh và Dũng cũng cân nhắc nhiều khi thực hiện nghiên cứu, sau cùng quyết định chọn phương án tiết kiệm tài nguyên, đạt tốc độ cao để thực hiện đề thi. Ban giám khảo đã đánh giá cao việc tiết kiệm bộ nhân để thực hiện thiết kế so với các thuật toán khác bởi hiệu quả rất tốt.

Theo Trung, việc 2 đội Việt Nam tham dự đoạt giải cao nhất cho thấy khả năng của sinh viên ta không thua kém các nước. Tuy nhiên, để ngành thiết kế vi mạch của Việt Nam phát triển, Nhà nước cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa.

Năm 2010, Trần Thị Hồng và Luyện Đức Hạnh (thuộc ICDREC), thành viên đội Little Chickens, đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi lần thứ 13 và cũng đoạt giải cao nhất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo