xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trăn trở những cánh thư

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu - TP Đà Nẵng nổi tiếng “chuyên trị” cuộc thi viết thư quốc tế UPU với 1 HCV quốc tế và 1 giải nhất quốc gia. Nội dung 2 bức thư đoạt giải khiến người đọc bất ngờ bởi khả năng sáng tạo và sự cảm nhận thực tế qua con mắt của trẻ thơ

“Hãy để học sinh được thỏa sức sáng tạo, tưởng tượng trong cung cách hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ”. Đó là phương châm dạy và học văn ở Trường THCS Tây Sơn. Từ sự đổi mới này, học sinh của trường đã có những giờ học văn sinh động và làm nhiều bài văn đầy sáng tạo, không theo khuôn mẫu có sẵn.
 
img

Thùy Dương (trái) và Hiếu Hiền, hai niềm vinh dự của Trường THCS Tây Sơn

Thủy Tinh lên tiếng

Hóa thân thành thần nước Thủy Tinh viết thư cho Sơn Tinh để nói nói lên tác dụng quý giá của nước và kêu gọi con người hãy bảo vệ nguồn nước, bức thư đã đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU (Liên minh Bưu chính thế giới) lần thứ 42 với đề tài “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý”. Tác giả bức thư này là em Đào Thụy Thùy Dương, học sinh lớp 6 Trường THCS Tây Sơn.

Thùy Dương cho biết trong chương trình học, em đã được nghe câu chuyện về Sơn Tinh và Thủy Tinh. “Nhân vật Thủy Tinh không hoàn toàn đáng ghét. Thủy Tinh ngoài ưu điểm có tài còn có một tình yêu chân thành với Mị Nương. Chính vì vậy, Thủy Tinh mới làm cho nước dâng lên để trả thù Sơn Tinh” - Thùy Dương cảm nhận. Từ đó, Dương đã nảy ra ý tưởng hóa thân thành Thủy Tinh để nói lên vai trò của nước một cách thực tế và gần gũi nhất.

Cô giáo Phạm Thị Phong, tổ trưởng tổ văn Trường THCS Tây Sơn và là giáo viên dạy môn văn của Thùy Dương, cho rằng đề thi viết thư UPU lần này rất gần gũi với đời sống thực tế, học sinh dễ viết những bức thư hay, sinh động. “Khi đọc bức thư của Thùy Dương, tôi cũng khá bất ngờ. Bằng cách hóa thân thành thần nước, một học sinh lớp 6 đã trình bày một cách mạch lạc, đúng với thực tế cuộc sống và rất sinh động” - cô nhận xét.

Cô Phong cho rằng Thùy Dương đã có một sự sáng tạo hết sức thông minh. Mở đầu bức thư, em đã cho người đọc thấy được sự quý giá của nước thông qua khẳng định chắc nịch của Thủy Tinh về những tác dụng của chính bản thân là làm điều hòa không khí, tham gia vào quá trình trao đổi chất trong sự sống của con người…

Sau khi đọ tài với Sơn Tinh, “Thủy Tinh” Thùy Dương lại than thở về những hành động xấu của một số người thời nay. “Ngày trước, tuy họ không về phe ta nhưng đối xử với ta còn chút thân thiện, còn ngày nay thì lãng phí ta như thể một thứ xoàng xĩnh, nhiều vô kể. Lắm kẻ còn ngang nhiên xả rác rưởi, rác thải bẩn làm cho ta bẩn thỉu, nhiễm bệnh, hôi hám và chết dần chết mòn. Thậm chí, họ còn giở âm mưu thâm độc chặt hết cây rừng đi để ta không còn nơi trú ngụ khiến những ao hồ, sông suối cạn khô” - Thùy Dương viết.

Ám ảnh HIV/AIDS

Trước đó, năm 2010, một học sinh lớp 6 khác của Trường THCS Tây Sơn là em Hồ Thị Hiếu Hiền cũng đã đoạt HCV quốc tế cuộc thi UPU lần thứ 39. Bức thư của Hiền đã vượt qua hàng triệu bức thư khác trên khắp thế giới để giành giải cao nhất cuộc thi. Trong bức thư này, Hiền đã gửi tâm tư của mình đến đạo diễn nổi tiếng người Trung Quốc là Trương Nghệ Mưu, mong ông làm một bộ phim về căn bệnh AIDS.

“… Một ý nghĩ vụt lóe lên trong cháu: Ước gì cháu cũng có tài làm phim như ông nhỉ? Cháu sẽ xây dựng ngay những tác phẩm điện ảnh thật hay về đề tài HIV/AIDS để thức tỉnh loài người. Ông ạ, bộ phim đầu tay của cháu sẽ là câu chuyện đầy cảm động về một mối tình lãng mạn và bi ai: Chàng và nàng yêu nhau tha thiết song cuối cùng vẫn không lấy được nhau chỉ vì một trong 2 người có H. Tiếp đến là bộ phim có tên Phải chết cũng sẽ nổi tiếng không kém gì bộ phim Phải sống của ông. Qua phim, cháu muốn gửi gắm một thông điệp: Con người ta không muốn chết sớm mà phải chết, vì không ngờ thần chết lại luôn phục sẵn trong các hành vi nguy cơ cao như tình dục không an toàn và sử dụng bơm kim tiêm chung... Cháu hy vọng với sức ám ảnh đặc biệt, những bộ phim này sẽ vào trong đốt lửa lòng người, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ trước căn bệnh này” - thư của Hiếu Hiền đầy trăn trở.

Nay đã là một nữ sinh lớp 9, Hiếu Hiền tỏ ra chín chắn: “Trường THCS Tây Sơn đã cho em những ý tưởng hay trong việc học văn. Bức thư UPU đoạt giải của em cũng nhờ vào sự truyền dạy của các giáo viên môn văn, đặc biệt là cô Phạm Thị Phong. Trong giờ học văn, chúng em được chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm về nhân vật trong câu chuyện văn học, về những tình huống khác nhau trong cuộc sống…”.

Thầy tận tâm, trò hào hứng

Để học sinh có được những bài làm văn hay và độc đáo, giáo viên của Trường THCS Tây Sơn đã khuyến khích các em tăng cường khả năng sáng tạo. Cô Phạm Thị Phong cho rằng ở tất cả các cấp học, việc dạy và học văn còn mang tính truyền thống, chưa có sự đổi mới, đột phá để thầy trò cùng phát triển.

Tại Trường THCS Tây Sơn, tổ văn đã đề ra phương pháp đổi mới hướng dạy môn này với phương châm “học đi đôi với hành”, để học sinh được nói lên cái tôi của mình trong bài. “Giáo viên phải tôn trọng sự sáng tạo của học sinh và học sinh được tự cảm nhận, nói theo ý nghĩ riêng của mình về một vấn đề nào đó” - cô Phong giải thích.

Với kinh nghiệm trên 20 năm giảng dạy môn văn, cô Phong cho rằng cách học truyền thống theo kiểu những bài văn mẫu, hành văn theo những đáp án đã có sẵn không gợi được sự tư duy của học trò. “Học sinh đôi khi có những suy nghĩ ngây ngô nhưng lại rất vô tư, trong sáng. Vì thế, nếu để các em thỏa sức được nói lên những suy nghĩ của mình thì đôi lúc có những ý tưởng khiến người lớn cũng phải giật mình, nể phục” - cô tâm sự.

Việc dạy và học yêu cầu tính sáng tạo trong môn văn cũng gắn liền với những đề bài mang tính chất thực tế. “Nếu đề văn yêu cầu tả cảnh ngôi trường của em thì buộc phải là Trường Tây Sơn. Những học sinh nào tả hay nhưng không đúng thực tế của trường thì cũng sẽ không được điểm cao bằng những học sinh miêu tả cụ thể, chân thực về ngôi trường mà mình gắn bó” - cô Phong phân tích.

Những đề bài gần gũi với thực tế được giáo viên tổ văn của Trường THCS Tây Sơn áp dụng để ra đề cho học sinh. Tả chợ hoa ngày Tết thì phải là chợ hoa cạnh trường học. Tả mẹ thì phải đúng mẹ của mình dù hình ảnh ấy có lam lũ, quê mùa… Đó là những yêu cầu của giáo viên dạy môn văn khiến học sinh phải luôn vận dụng tư duy gắn liền với đời sống thực tế.

Tuy nhiên, theo cô Phong, việc đổi mới phương pháp học này cũng phải được thực hiện một cách có hệ thống. Việc làm đầu tiên phải là đổi mới nội dung của sách giáo khoa, đổi mới cách dạy, ra đề thi và chấm điểm.

“Học sinh làm một bài văn hay là thể hiện được những nét riêng, những cảm nhận riêng nhưng phải chân thực và sâu sắc, cộng với cách hành văn mạch lạc. Những bài văn đó đáng được chấm điểm cao. Còn lại, nếu các em quá phụ thuộc vào văn mẫu, làm văn theo những đáp án có sẵn thì không phát huy được khả năng và dẫn theo lối mòn đơn điệu” - cô Phong khẳng định.

Nhờ sự đổi mới trong việc dạy và học môn văn mà những giờ học của thầy trò Trường THCS Tây Sơn không còn đơn điệu nữa. Trong giờ văn, học sinh có thể thoải mái nói lên suy nghĩ của mình về nhân vật. Không phải ở đâu học sinh cũng có được những ý tưởng sáng tạo. “Ở đây, chúng em được học những giờ văn khác với nhiều trường. Em hy vọng ở những bậc học cao hơn, giờ văn của chúng em cũng sẽ hấp dẫn như bây giờ” - Thùy Dương hào hứng.
 
Mơ làm thẩm phán
Khi được hỏi về ngành nghề mơ ước trong tương lai, Thùy Dương trả lời: “Em muốn làm thẩm phán”.
Cô bé thật thà cho rằng hiện nay còn có rất nhiều người phải chịu những án oan, thiệt thòi. Thùy Dương mơ ước một ngày được làm thẩm phán để có thể lấy lại sự công bằng cho những người bị hàm oan.
 

Không theo lối mòn

Ngoài những bức thư đoạt giải UPU, theo cô Phong, trường còn có những bức thư sinh động không kém. Có lẽ nhờ cách dạy và học không theo lối mòn mà nhà trường đã tạo ra những bài làm văn hay, phát huy được tính sáng tạo của học sinh.

Bà Hồ Thị Bích Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn, cho rằng cách dạy và học này không những mang lại hiệu ứng tốt, tạo ra những tài năng trong viết văn mà còn gợi sự hào hứng trong học sinh.

“Nếu ai đã từng đọc những bức thư của học sinh Trường Tây Sơn thì mới thấy được truyền thống dạy và học văn của trường này. Ở đó, các em hành văn theo phong cách riêng mang tính độc đáo” - một giáo viên dạy văn ở TP Đà Nẵng nhận xét.
 

img

Thùy Dương (phải), Hiếu Hiền và cô giáo Phạm Thị Phong

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo