xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tự chủ nửa vời

Yến Anh

Đại diện các trường đại học được giao tự chủ tài chính cho rằng quyền tự chủ hiện nay chỉ nửa vời, thu không đủ bù chi

img
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Bùi Tuấn
Trường Đại học (ĐH) Ngoại thương Hà Nội là một trong số những trường ĐH được giao tự chủ tài chính từ năm 2008 nhưng lãnh đạo trường tỏ ý không mặn mà với việc tự chủ này.

“Bó chân, bó tay”!

GS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho rằng tự chủ đồng nghĩa với việc trường bị cắt giảm kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước; trường cũng không được hưởng quyền lợi, quy chế gì hơn so với các trường ĐH công lập khác ngoài việc được xây dựng một số định mức chi cao hơn quy định của Nhà nước (như chi lương đến 2,5 lần lương cơ bản). Tuy nhiên, vì không được hưởng quyền lợi và cơ chế gì nên cũng không thể phát triển thêm nguồn thu để tăng lương. Suốt mấy năm qua, trường phải tự lo liệu chi phí thường xuyên và lương, thưởng cho hơn 500 giảng viên. Trong khi các khoản chi tăng rất nhiều cho cơ sở vật chất, lương, thưởng giảng viên thì trường lại không được giao tự chủ trong các nguồn thu của mình.

Theo GS Châu, đó là thách thức lớn, nhất là trong điều kiện khung học phí chưa tăng nhưng mọi chi phí đào tạo đều tăng.

Cũng liên quan đến việc thu chi, GS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng định mức thu chi đã tồn tại mấy chục năm nên không thể thực hiện tự chủ theo định mức mới. Ví dụ, có nhiều khoản mới phát sinh như lệ phí học lại của sinh viên, nếu các trường không thu thì không được nhưng nếu đưa ra kiểm toán thì không được chấp nhận.

Bằng các chương trình liên kết, chương trình chất lượng cao, hằng năm, số thu của Trường ĐH Ngoại thương lên đến trên 100 tỉ đồng nhưng trường không được tự chủ chi từ nguồn thu này. “Vừa rồi, chúng tôi có đề xuất mua sắm trang thiết bị cho phòng vi tính để sinh viên thực hành nhưng Kho bạc Nhà nước không duyệt chi vì đang có chính sách cắt giảm đầu tư công”- GS Châu cho biết.

“Xé rào” vì học phí thấp

TS Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, thừa nhận việc duy trì mức học phí thấp chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cơ sở giáo dục ĐH “xé rào”, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định dẫn tới tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn thu.

GS Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng nếu được tự chủ, trường sẽ “sống thoải mái”. Tuy nhiên, vấn đề là tự chủ thế nào? Tự chủ tài chính sẽ dẫn đến tự chủ trong đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học. Hiện các trường mới được tự chủ thu học phí, liệu các thứ khác có được thu hay không?

Phải đo, đếm cụ thể

GS Hoàng Văn Châu đề xuất: Nếu Nhà nước không cấp chi phí thường xuyên trở lại cho trường thì phải giao cho trường cơ chế tự chủ. Cụ thể,  được quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh, quyết định mức học phí cũng như các khoản thu khác theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học. Điều này cũng có nghĩa học phí phải bảo đảm bù đắp chi phí tiền lương và có tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất cho trường.

Tuy nhiên, việc tự chủ phải đi liền với giám sát. GS Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng tự chủ và giám sát luôn đi liền với nhau và điều này rất quan trọng, nếu không thì việc tự chủ sẽ không đạt kết quả.

Lãnh đạo nhiều trường cho rằng tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo nhưng theo GS Nhạ, khi trường tuyên bố chất lượng thế nào thì sinh viên ra trường phải bảo đảm được các yêu cầu đó; phải đo, đếm cụ thể được thì việc tăng học phí gắn với chất lượng đào tạo mới thực sự là chủ trương đúng.

PGS Phan Duy Minh,Trưởng Bộ môn Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính:

Hoạt động đào tạo rơi vào tình trạng quảng canh

Cơ chế tài chính hiện nay đã làm cho hoạt động đào tạo ở các trường ĐH công lập rơi vào tình trạng quảng canh. Trong kinh tế, doanh thu được tính bằng sản lượng nhân với giá bán. Trong khi giá bán không đổi, muốn có thêm doanh thu thì phải tăng sản lượng. Mười năm qua, số sinh viên đã tăng 13 lần, các em phải học trong những lớp học có khi lên đến cả trăm người, chất lượng dạy và học vì thế không thể cao được.

Chất lượng phải phù hợp học phí

GS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT nhất trí với việc giao quyền tự chủ về mức thu cho các trường, tuy nhiên phải có cơ chế kiểm soát để bảo đảm quyền lợi người học. Hiện Chính phủ đã cho phép các trường được tăng học phí nhưng phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng. Việc cần làm bây giờ là phải xây dựng những tiêu chí đào tạo chất lượng cao phù hợp với học phí để bảo đảm quyền lợi của người học.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo