xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Với quê hương, không bao giờ đủ

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Lặng lẽ xếp từng “viên gạch”, những trí thức Việt kiều đang gắng sức để xây nên “ngôi nhà” khoa học bề thế ở nước nhà

"Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX với sự tham gia của gần 200 nhà khoa học đến từ 29 quốc gia trên thế giới, trong đó có 5 nhà bác học đoạt giải Nobel, đang diễn ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sự kiện này được xem là cơ hội tốt để các nhà khoa học trong nước tiếp cận với thành tựu khoa học thế giới. Những người tạo nên cơ hội ấy là những trí thức Việt kiều.

img
GS Trần Thanh Vân (bìa phải) say sưa giới thiệu về Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành

Đưa những nhà khoa học lừng danh đến Việt Nam

“Với quê hương, không bao giờ đủ”. Đó là câu nói của GS Trần Thanh Vân khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động trong lúc ông bận rộn nhất để tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX.

Thế giới biết đến GS Vân không chỉ vì ông đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ vật lý chỉ rõ hạt proton không phải là “viên gạch cuối cùng” của vật chất. Thế giới còn biết GS Vân nhiều bởi như Viện Vật lý Mỹ đánh giá ông là “người có công lao to lớn suốt 4 thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hóa khác nhau ngồi lại bên nhau trong tình thân ái” qua các hội nghị khoa học quốc tế, trong đó có “Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức gần 20 năm qua.

TS Roland Triay đến từ Marseille (Pháp), đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thừa nhận: “Tổ chức được hội nghị này phần lớn nhờ GS Vân. Mục tiêu của hội nghị là để cải thiện vấn đề nghiên cứu khoa học tại Việt Nam”. Trong khi đó, với GS Vân, ông luôn cho rằng đấy là những việc làm rất nhỏ mà ông cùng vợ là GS Lê Kim Ngọc cần làm cho quê hương. Cả việc xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành rộng 20 ha tại TP Quy Nhơn để làm nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi của các nhà khoa học trên thế giới, với ông vẫn là “chuyện nhỏ”.

GS Lê Kim Ngọc cho rằng trong 20 năm trở lại đây, nhiều nhà khoa học người Việt ở hải ngoại đã có những việc làm thiết thực cho nền khoa học Việt Nam. Từ năm 2007, GS Phạm Quang Hưng đã trở về Việt Nam để đặt viên gạch đầu tiên xây dựng chương trình Vật lý tiên tiến ở Trường ĐH Huế. Hằng năm, ông đều dành hơn 1 tháng để về Việt Nam giảng dạy.

“Tôi và các đồng nghiệp người Việt ở nước ngoài rất mong về Việt Nam để giúp đỡ càng nhiều càng tốt. Khoa học Việt Nam có nhiều triển vọng lắm nhưng số lượng nhà khoa học còn ít” - GS Hưng bày tỏ.

Không chỉ trực tiếp đóng góp, nhiều trí thức Việt kiều còn là cầu nối để đưa các nhà khoa học lừng danh thế giới đến Việt Nam. Sự có mặt của 5 nhà bác học đoạt giải Nobel trong “Gặp gỡ Việt Nam” lần này là một minh chứng. Hôm nay (5-8), nhà Nobel đầu tiên đến Việt Nam trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam” lần IX là GS Klaus von Klitzing. Ông sẽ chủ trì hội thảo “Vật lý nano từ cơ bản đến ứng dụng”.

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi Việt Nam có thể mời được nhiều nhà Nobel đến vậy. “Đơn giản là vì tôi mời họ không phải với tư cách những nhà Nobel mà là những người bạn. Họ đến Việt Nam là vì tình cảm” - GS Vân giải thích.

TS Nguyễn Trọng Hiền, đến từ Viện Thí nghiệm phản lực của NASA - Mỹ, cho rằng sự có mặt của 5 nhà Nobel lần này không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật. “Họ đến để bày tỏ sự ủng hộ cho mục tiêu phát triển khoa học tại Việt Nam. Sự có mặt của họ hy vọng sẽ đánh động được các chính sách cụ thể và tích cực cho các nhà khoa học trong nước” - TS Hiền nhận định.

Sinh viên Việt Nam thiếu thầy giỏi

TS Nguyễn Trọng Hiền đánh giá cao các nhà khoa học trẻ Việt Nam. “Những người nghiên cứu khoa học trong nước mà tôi biết hầu hết đều giỏi nhưng lại nghèo. Họ có thể kiếm nhiều tiền nhưng đã không làm thế. Họ đi vào nghiên cứu khoa học là vì tâm huyết. Điều quan trọng là về lâu dài, họ có giữ được tâm huyết đó hay không” - TS Hiền băn khoăn.

Tại hội thảo khoa học quốc tế vừa kết thúc với chủ đề “Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck”, chẳng thấy nhà khoa học trẻ Việt Nam nào đến dự. “Họ cũng như tôi, rất muốn nhưng chỉ vì không có kinh phí. Rồi nơi làm việc có tạo điều kiện để họ tham dự hay không nữa” - TS Võ Văn Ớn, công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), nhà khoa học trong nước duy nhất nhưng đã lớn tuổi đến dự hội thảo này, nói.

GS Phạm Quang Hưng và TS Roland Triay đều có cùng nhận định: Sinh viên Việt Nam rất triển vọng nhưng họ thiếu những người thầy giỏi. “Không một nhà khoa học nào thành công mà lại không có những người thầy giỏi giúp đỡ nhưng thầy giỏi tại Việt Nam còn quá ít. Cần có cơ chế để các em tiếp cận được thầy giỏi nhiều hơn” - TS Roland Triay đề nghị.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Trọng Hiền, gần 20 năm qua, ông đi về Việt Nam để giảng dạy tại các trường đại học chủ yếu là tự nguyện.

Thiết lập mối liên hệ khoa học

GS-TS Mai Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết bộ này hiện có 17 văn phòng ở nước ngoài với nhiệm vụ thiết lập mối liên hệ giữa các nhà khoa học Việt kiều với khoa học trong nước. Qua đó, mời các nhà khoa học Việt kiều ở nước ngoài đến Việt Nam chuyển giao học thuật và công nghệ, giúp khoa học Việt Nam phát triển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo