xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài toán xử lý rác cho TPHCM

Bài và ảnh: HỒNG THÚY

Mỗi ngày, TPHCM thải một lượng rác khổng lồ nhưng chưa có lượng rác đã qua phân loại nên thiếu rác cho nhà máy tái chế

Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh - TPHCM), được Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đầu tư. Tại đây, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác cho TP. Vì chưa có lượng rác đã qua phân loại tại nguồn nên nhà máy xử lý rác tái chế chưa thể hoạt động, hiện chủ yếu xử lý theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Kinh nghiệm của San Jose

San Jose là TP lớn thứ 3 ở tiểu bang California và lớn thứ 10 ở Mỹ, mỗi năm cư dân nơi đây thải ra khoảng 500.000 tấn rác. Đây là một lượng rác khổng lồ, nếu không có chương trình tái chế thì lượng rác thải đẩy ra môi trường rất lớn. TP San Jose có chương trình tái chế rác toàn diện nhất nước Mỹ. Đa số rác thải đều có thể được tái chế thành các sản phẩm mới.

Thành công đó bắt đầu từ ý thức của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn. Người dân San Jose tự động bỏ rác đã phân loại vào các thùng rác khác nhau: thùng rác sinh hoạt, thùng đựng vật liệu thu hồi, thùng đựng cành lá cây… Theo ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS, để người dân nước Mỹ có thói quen phân loại rác tại nguồn, chính quyền cũng phải tuyên truyền, vận động, giáo dục suốt hơn 50 năm. Tại TP San Jose, việc thu gom rác bằng xe tải chuyên dụng tự động, mỗi xe rác  và xe thu gom rác phế liệu có 2 màu khác nhau, vì vậy, rác và vật liệu thu hồi không bao giờ để lẫn lộn.
img
Ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS, giới thiệu phân compost vừa được sản xuất thử nghiệm
Khi xe vận chuyển rác đến những cơ sở thu hồi vật liệu, nhân viên lái xe đổ vật liệu thu hồi trên những băng chuyền, máy móc sẽ tự động phân loại  giấy, thủy tinh, nhựa, các vật liệu khác… Các vật liệu được phân loại sẽ chuyển đến những cơ sở xử lý và tái chế ra các sản phẩm mới. Theo ông David Dương, do giá nhân công ở Mỹ khá đắt nên công việc phân loại nêu trên sử dụng máy móc thiết bị tiên tiến để thực hiện sẽ tiện lợi hơn. Còn ở Việt Nam, chi phí nhân công thấp hơn ở Mỹ, hơn nữa hiện vẫn còn khá nhiều người chưa có việc làm nên công đoạn này được thực hiện thủ công nhằm giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương.  

Vì sao TPHCM chưa phân loại rác tại nguồn?

Tại TPHCM, việc phân loại rác tại nguồn, dù đã được làm thí điểm tại quận 6 nhiều năm trước đây, được người dân hưởng ứng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được trên toàn TP, ngay cả ở quận 6 cũng đã ngưng thực hiện thí điểm. Người dân quận 6 lúc đó đã có thói quen phân loại rác tại nguồn nhưng xe thu gom rác thì vẫn là xe cũ, không có thùng 2 ngăn. Do vậy, những gì của người dân đã phân loại cuối cùng bị đổ chung lẫn lộn trong xe rác. Điều này cho thấy chưa có sự đồng bộ trong việc triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn.

Thực tế là hiện nay có rất nhiều gia đình đã tự phân loại rác tại nhà một cách tự phát, bởi những phế liệu trong rác có thể tái chế đang được những người mua “ve chai” thu gom và sau đó được tái chế bởi hàng ngàn cơ sở nhỏ. Những cơ sở nhỏ này tái chế rác bằng phương pháp thủ công, không bảo đảm vệ sinh, càng gây ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở tái chế nhựa, thủy tinh, giấy…Trong khi đó, một dây chuyền phân loại rác tái chế có công suất 500 tấn/ngày tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, do VWS đầu tư, hiện nay chưa thể vận hành vì không có nguyên liệu.

Do rác chưa được phân loại tại nguồn nên VWS đã nhập về dây chuyền sản xuất phân compost từ rác hỗn hợp trị giá 7 triệu USD. Bài toán khó hiện nay là nếu tập trung sản xuất phân compost với công suất 1.000 tấn/ngày thì sẽ không đủ lượng rác chôn lấp để sản sinh khí gas dùng phát điện (dự kiến nhà máy phát điện sẽ hoạt động vào cuối năm 2013). Hiện 3.000 tấn rác tiếp nhận mỗi ngày cho bãi chôn lấp là đủ khí gas để phát điện, còn để cho nhà máy sản xuất phân compost hoạt động thì phải có thêm 1.000 tấn rác/ngày nữa.

Hiện nay, ngoài Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, VWS còn chuẩn bị đầu tư một dự án khu công nghệ xử lý chất thải rắn xanh tại Long An, với quy mô đầu tư khoảng 700 triệu USD, có công suất tiếp nhận và xử lý rác 40.000 tấn/ngày. Dự án này có thể xử lý rác cho Long An, TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. VWS dự định sẽ cổ phần hóa hay xã hội hóa dự án ở Long An, kêu gọi đầu tư của bà con Việt kiều và người dân trong nước.

Nên khai thác dự án đang đầu tư hiệu quả

Được biết, TPHCM đang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác. Ông David Dương cho rằng “hiện Khu Liên hợp Đa Phước vẫn chưa hoạt động hết công suất, nếu TP giao thêm rác thì chi phí xử lý rác sẽ giảm và bảo đảm được môi trường trong sạch hiệu quả hơn về lâu dài so với việc đầu tư cho những dự án nhỏ lẻ. Cách giải quyết việc xử lý rác của các tỉnh, TP cho hiệu quả cao, công nghệ tiên tiến, lâu dài, bảo đảm môi trường thật tốt và giá thành rẻ phù hợp với nền kinh tế hiện nay là nên tập trung khối lượng rác về một dự án đầu tư quy mô, thực hiện đúng và đủ các công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước tiên tiến và thành công trong việc xử lý rác bảo vệ môi trường”. Thiết nghĩ, TPHCM nên khai thác dự án đang đầu tư hiệu quả, có công nghệ xử lý rác hiện đại, tái chế rác thành sản phẩm mới, tái tạo năng lượng sạch…nhằm bảo vệ môi trường tốt, giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm quỹ đất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo