xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cá ngựa vằn phát sáng

Mỹ Dung

Dưới ánh sáng bình thường, bầy cá ngựa vằn với 108 con của thạc sĩ Phan Kim Ngọc và các cộng sự Khoa Sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM chẳng có gì là khác biệt. Nhưng trong bóng tối, dưới ánh sáng đèn huỳnh quang, chúng óng lên một màu xanh như ngọc, lung linh tỏa sáng, trông thật đẹp mắt. Đó là những chú cá đầu tiên và cũng là động vật đầu tiên của Việt Nam sinh ra bởi kỹ thuật chuyển gien

Chiều 28-12, khi chúng tôi tới thăm, những chú cá chuyển gien này mới chỉ tròn 1 tuần tuổi. So với lúc ra đời, ngày 21-12, mấy con cá ngựa vằn này đã lớn gần gấp đôi. Với chiều dài khoảng 1 cm, chúng trông như những que tăm nhỏ xíu biết di động.

Sinh linh của... bắn gien

Khi thạc sĩ Phan Kim Ngọc bật ánh đèn huỳnh quang nhỏ xíu lên, hồ cá trông giống như một bầu trời đầy vệ tinh xanh đang di chuyển. Bằng mắt thường người xem có thể biết rõ những con cá ngựa này đang hoạt động như thế nào. Nhưng để có được những con cá phát sáng đó, các nhà khoa học của Phòng Công nghệ sinh học phân tử C Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM đã mất gần 3 năm nghiên cứu với trên dưới 10 lần thất bại. Trước đó, qua nhiều lần chuyển gien được thực hiện bằng phương pháp hóa chất và vi tiêm không hiệu quả, thạc sĩ Phan Kim Ngọc và cộng sự đã tìm ra phương pháp thích hợp: bắn gien.

Dùng gien GFP có khả năng phát sáng được lấy từ sứa, kết hợp với các hạt kim loại vàng nghiền nhỏ, các nhà khoa học này bắn hạt vàng xuống khay chứa tế bào trứng cá khiến gien sứa được giữ lại trong trứng. Buồng xung điện sẽ xáo trộn các gien lại với nhau, nối các gien sứa với gien cá. Với khoảng cách bắn gien từ 6 cm, 9 cm, 12 cm, từ 300 tế bào hiện nay đã thu được gần 120 con cá chuyển gien. Cá ngựa vằn phát sáng được sinh ra nhờ vậy.

Đời con, cháu của chúng cũng sẽ phát sáng

Thạc sĩ Phan Kim Ngọc cho biết: “Khi gieo vào chúng gien phát sáng, có nghĩa là đời con cái của những con cá này cũng sẽ có biểu hiện như vậy”. Ông Ngọc lưu ý nếu chúng giao phối với những con cá bình thường thì có thể những con cá con theo gien không phát sáng và ngược lại. Các đặc điểm sinh học khác của cá ngựa vằn phát sáng này cũng không có gì khác, chúng vẫn thích ăn những loại thức ăn của loài nói chung và môi trường sống cũng tương tự.

Đặt vấn đề, tại sao lại chọn con cá ngựa vằn để... chuyển gien, có phải vì chúng dễ, một thành viên của nhóm nghiên cứu là Lê Thành Long giải thích: “Chúng tôi chọn cá ngựa vằn vì vòng đời sinh trưởng của loài cá này tương đối nhanh chóng. Chỉ khoảng 4 tháng sau cá đã vào giai đoạn thành thục và giao phối để sinh ra thế hệ sau. Như vậy, chúng tôi có thể nhìn thấy kết quả nhanh hơn”. Đúng như Lê Thành Long nói, càng lớn những chiếc “đèn pha” phát sáng (gien) trong những con cá này cũng lớn lên theo. Độ sáng của chúng đã lớn hơn nhiều so với những ngày đầu chúng mới sinh ra.

Bước tiến mới của công nghệ chuyển gien

Có lẽ với nhiều người, việc tạo ra cá phát sáng chỉ có ý nghĩa... tạo thêm muôn màu sắc cho thị trường cá cảnh. Nhưng, đối với những nhà khoa học thì việc Việt Nam tạo ra được con cá phát sáng được so sánh với một bước tiến mới cho ngành công nghệ sinh học nói chung và công nghệ chuyển gien nói riêng. “Chúng ta cứ nghĩ đó là chuyện xa vời đối với khoa học Việt Nam nhưng cá phát sáng đã chứng minh điều ngược lại”. Thạc sĩ Phan Kim Ngọc cho biết, cùng lúc với chuyển gien trên cá, ông thực hiện cả với chuyển gien trên chuột và heo. Nhưng đến nay mới chỉ thành công chuyển gien trên cá. “Cá phát sáng ra đời cho chúng tôi thêm niềm tin vào công nghệ chuyển gien mà tôi và nhiều đồng nghiệp đang theo đuổi”. Vì công nghệ chuyển gien sẽ cho rất nhiều ứng dụng hữu ích mà y học hiện nay cũng đang bó tay như dùng các liệu pháp gien để chữa bệnh, sửa chữa các khiếm khuyết của cơ thể. “Chúng ta có thể tạo ra những động vật mang những tính trạng có lợi, phục vụ cho chúng ta như bò nhiều sữa, heo nhiều thịt nạc... hoặc bảo tồn động vật quý hiếm thông qua công nghệ gien này” - thạc sĩ Phan Kim Ngọc hứng khởi nói.

Hiện nay nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện quy trình và đang mở hướng nghiên cứu để ứng dụng trên người như chuyển gien tổng hợp insulin để chữa bệnh tiểu đường tuýp 1. “Việc khai thác gien lành của tế bào gốc để ứng dụng điều trị bệnh cho người là điều mà chúng ta đã nhìn thấy chứ không phải chỉ là mơ ước” - thạc sĩ Phan Kim Ngọc cho biết.

Phòng thí nghiệm tế bào gốc đầu tiên

img
Thạc sĩ Phan Kim Ngọc

Ngày 21-12-2007, Chính phủ chính thức ký quyết định thành lập Phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam giao cho ĐH Quốc gia TPHCM quản lý. Trước đó, ngày 13-10, một hội nghị về thẩm định các công trình nghiên cứu tế bào gốc của Việt Nam đã được mở ra. Đây là phòng thí nghiệm đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực tế bào gốc.

Phòng thí nghiệm này có quy mô rất lớn (gần như là lớn nhất trong các phòng thí nghiệm) và là nơi duy nhất nghiên cứu về tế bào gốc của Việt Nam. Thạc sĩ Phan Kim Ngọc được cử làm trưởng phòng này. Phan Kim Ngọc là một nhà nghiên cứu sinh học trẻ, từng có nhiều công trình nghiên cứu như: tạo động vật trong ống nghiệm (bò, chuột...), thu nhận và ứng dụng tế bào gốc...

N.T.T

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo