xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vệ tinh F-1, dấu ấn Việt trên vũ trụ

CHÁNH TRUNG

Lúc 9 giờ 6 phút ngày 21-7, vệ tinh F-1 do Phòng Nghiên cứu không gian (FSpace) - Trường ĐH FPT Việt Nam lần đầu tiên nghiên cứu chế tạo đã được đưa lên vũ trụ thành công, đánh dấu cột mốc quan trọng cho ngành khoa học vũ trụ Việt Nam

Lúc 9 giờ  ngày 21-7, các thành viên có mặt tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và các CB-NV FPT trong tâm trạng hồi hộp theo dõi truyền hình trực tiếp phóng vệ tinh F-1 tại tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội) bắt đầu đếm ngược thời khắc vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo F-1 bay lên quỹ đạo.

Nhiệm vụ quan trọng

Lúc 9 giờ 6 phút, tên lửa HII-B mang theo tàu vận tải HTV-3 cùng vệ tinh F-1 của Việt Nam rời bệ phóng. Toàn bộ quá trình phóng diễn ra chỉ trong vòng 15 phút. Lúc 9 giờ 13 phút, độ cao tên lửa đạt 200 km. Tên lửa có khối lượng 560 tấn và tàu vận tải HTV-3 có trọng lượng 16 tấn chở 5 tấn đồ tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, trong hành lý đó có vệ tinh F-1 với trọng lượng 1 kg.

Lúc 9 giờ 21 phút, tàu HTV-3 đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy và hoạt động bằng năng lượng của chính mình. Vệ tinh F-1 chính thức bay vào vũ trụ.

Dự kiến 6 ngày sau khi phóng, tàu HTV-3 sẽ tiếp cận và lắp ghép với trạm ISS. Các phi hành gia trên trạm sẽ vận chuyển các vệ tinh nhỏ sang module Kibo. Sau đó, đến khoảng tháng 9, các vệ tinh nhỏ sẽ được đưa vào khoang điều áp (airlock). Phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide sẽ điều khiển cánh tay robot của module Kibo nắm lấy ống phóng có chứa 5 vệ tinh đưa ra bên ngoài và thả các vệ tinh nhỏ ra khỏi trạm ISS để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đây sẽ là lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi trạm ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ.

img

Vệ tinh F-1 do Việt Nam lần đầu tiên chế tạo thành công (Ảnh do FSpace cung cấp)
Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng Phòng Nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu - Trường ĐH FPT, chia sẻ: “Việc phóng vệ tinh là cột mốc quan trọng. Tuy nhiên, với chúng tôi, dự án vệ tinh F-1 chỉ thật sự được coi là thành công khi F-1 được thả ra ngoài không gian trong tháng 9 tới và thu phát được tín hiệu với trung tâm điều khiển tại trạm mặt đất. Nhưng dù sao lúc này tất cả thành viên FSpace và những người ủng hộ dự án đều rất vui mừng, vì ước mơ, công sức và những nỗ lực của mình trong 4 năm qua đã bước đầu được biến thành hiện thực”.

Có mặt tại buổi truyền hình trực tiếp, GS Hugo Nguyễn, Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển), cho biết: “Tôi rất hãnh diện vì các bạn đã thành công về mặt công nghệ khi đưa được F-1 vào vũ trụ. Các kỹ sư FPT đã đi đúng hướng”.

Làm chủ bầu trời

Ông Vũ Trọng Thư cho biết: “F-1 có thể coi là bước đi nhỏ đầu tiên để đào tạo đội ngũ và cung cấp cơ hội cho các kỹ sư trẻ của Việt Nam nắm bắt được đầy đủ quy trình công nghệ chế tạo một vệ tinh nhỏ từ ý tưởng, phân tích thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, thuê phóng và vận hành vệ tinh trên quỹ đạo.
img
Ý tưởng chế tạo một vệ tinh nhỏ theo dõi tàu biển của FSpace
Với những kết quả bước đầu này, kết hợp với những thông tin về tình hình phát triển vệ tinh nhỏ trên thế giới như Mỹ, Nhật, châu Âu…, chúng tôi tin tưởng vào xu hướng phát triển của vệ tinh nhỏ trong tương lai sẽ dần thay thế những vệ tinh cỡ lớn truyền thống. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu làm chủ công nghệ hiện đại”.
Những nghiên cứu sơ bộ của FSpace, theo ông Thư, cho thấy việc chế tạo các vệ tinh nhỏ (cỡ vài kg) là hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện tại của Việt Nam với chi phí thấp (dưới 10 tỉ đồng) và thời gian ngắn (2-3 năm).
Những vệ tinh nhỏ này có thể có ứng dụng trong công tác giám sát tàu thuyền trên biển Đông, phòng chống nạn xả trộm dầu trên biển, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát hiện cháy rừng sớm hay phục vụ các nhu cầu viễn thông, viễn thám, phục vụ an ninh quốc phòng.

Vũ trụ không quá xa xôi

Vệ tinh nhỏ F-1 có kích thước 10 x 10 x 10 cm, nặng 1 kg, do nhóm FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008 với mục tiêu là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640 x 480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Ngày 1-6-2009, lần đầu tiên nhóm FSpace mang F-1 từ phòng thí nghiệm ra ngoài trời để thử nghiệm liên lạc khoảng cách xa. Tại Hà Nội, F-1 được mang ra cầu Thăng Long (khoảng cách 7 km), sau đó tăng dần khoảng cách đến sân bay Nội Bài (20 km) và cuối cùng là lên đỉnh núi Tam Đảo (50 km).
F-1 đã phát tín hiệu, liên lạc thành công với hệ thống trung tâm. FSpace đã ra lệnh được từ xa cho F-1 chụp ảnh, đo đạc các thông số về điện áp, nhiệt độ.
Ngoài ra, khi được phóng lên vũ trụ vào ngày 21-7, F-1 còn mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ và thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7.500 người tham gia chương trình.

Đây là việc làm mang ý nghĩa biểu tượng với thông điệp: “Không gian vũ trụ không còn quá xa xôi, chúng ta có thể làm được những điều tưởng như không thể nếu như có quyết tâm!”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo