Điểm tựa cho nông dân
Là người bạn thủy chung với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhiều năm nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã cùng Công ty CP Bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp (ABIC) tham gia mạnh mẽ công tác BHNN để đưa sản xuất phát triển bền vững, bảo đảm đời sống của nông dân và an sinh xã hội.
BHNN là công cụ tài chính cần thiết và cấp bách, góp phần quan trọng duy trì sự phát triển ổn định của sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nguồn lực tài chính và bảo đảm an sinh xã hội; là điểm tựa cho nông dân mỗi khi gặp thiên tai, thảm họa, giá cả thị trường biến động… Ở một số nước tiên tiến, chính phủ thấy được lợi ích này nên đã đứng ra hỗ trợ với mức tài trợ tài chính công chiếm đến 40% số tiền chi trả cho thiệt hại.
Lợi ích của việc tham gia BHNN là rất lớn song đây vẫn là bài toán hóc búa đối với Việt Nam. Thực tế, BHNN là chủ trương phù hợp, góp phần ổn định phát triển nông nghiệp - lĩnh vực được coi là “bản lề” trong chính sách tăng trưởng ổn định, bền vững của nước ta. Tuy nhiên, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của BHNN. Mặt khác, thiên tai thường xảy ra tại một số khu vực dẫn tới việc chỉ những người dân ở đây mới muốn tham gia BHNN. Bên cạnh đó, nông dân hiện rất khó khăn nên việc chi một khoản tiền để tham gia BHNN ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống khiến họ cân nhắc. Đó là những lý do khiến BHNN khó thành công nếu như nhà nước không hỗ trợ.
Trên thực tế, BHNN đã được một số doanh nghiệp (DN) triển khai thí điểm từ những năm 1980-1990 nhưng chưa thành công. Rõ ràng, BHNN được ví như một bài toán hóc búa mà lời giải chính là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cùng sự góp sức của các cơ quan, ban ngành, tổ chức tài chính - ngân hàng, DN bảo hiểm và tất nhiên là không thể thiếu sự tham gia của đông đảo người dân.
Còn nhiều gian nan
Trong Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” của Bộ Công Thương được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010, BHNN được thí điểm ở vài khu vực với một số loại nông sản, thủy sản… Tuy nhiên, có rất ít DN được tham gia chương trình này.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp và 304.017 hộ nông dân tham gia bảo hiểm - trong đó, số hộ nghèo là 233.361 (chiếm 76,8%), hộ cận nghèo 45.944 (15,1%), hộ thường 24.711 (8,1%). Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỉ đồng, trong đó cây lúa là 2.151 tỉ đồng, vật nuôi 2.713,2 tỉ đồng, thủy sản 2.883,7 tỉ đồng. Số tiền bồi thường là 712,9 tỉ đồng, doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỉ đồng.
Dù chính sách để triển khai BHNN tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, mới dừng lại ở thí điểm, tỉ lệ tái tham gia bảo hiểm thấp. Đơn cử là Hà Nội, một trong những địa phương thí điểm BHNN trên vật nuôi, đến thời điểm này, sau khi hết thời gian thí điểm, đồng nghĩa với việc hết hỗ trợ thì tỉ lệ hộ tham gia tái bảo hiểm hầu như chẳng còn ai.
Bảo an tín dụng - Hy vọng của nhà nông
Sau 9 năm thành lập, ABIC đã triển khai thành công Bảo an tín dụng trên toàn quốc, trở thành điểm tựa cho cả nông dân lẫn ngân hàng trong quá trình đưa đồng vốn đến với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. ABIC đã mang lại lợi ích cho một bộ phận không nhỏ khách hàng; đặc biệt là các tổ chức kinh tế hợp tác, DN thuộc mọi thành phần kinh tế và hộ nông dân tại các vùng còn nhiều khó khăn...
Đến nay, doanh thu công ty tăng trưởng cao qua các năm, các chi tiêu tài chính đều đạt và vượt kế hoạch. ABIC đã được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính xếp vào nhóm DN loại 1A. Năm 2016, ABIC được Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam xếp vào nhóm 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam.
Bình luận (0)