xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Buôn lậu nhiều do QLTT yếu kém

Thế Dũng

Trong khi nhiều đại biểu Quốc hội phê bình lực lượng QLTT thiếu trách nhiệm để buôn lậu, hàng giả phá hoại kinh tế thì người đứng đầu ngành công thương đòi bổ sung 1.000 biên chế

Ngày 7-1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đã có phiên giải trình về công tác phòng chống buôn lậu.

Nhập lậu hàng triệu lít xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng Ban Chỉ đạo 127 trung ương (Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trung ương và các tỉnh, thành phố), cho biết từ năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; trong đó có 117.714 vụ buôn lậu. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng đã thu giữ trên 7,5 triệu lít xăng dầu buôn lậu qua biên giới. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9-2013, số lượng xăng dầu bị bắt giữ đã trên 2 triệu lít.

Nhận định hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng do lực lượng quản  lý thị trường (QLTT) thiếu từ biên chế đến trang thiết bị. “Hiện cả nước có 5.200 cán bộ QLTT là quá mỏng, cần phải bổ sung tối thiểu 1.000 biên chế mới có thể đủ sức ngăn chặn buôn lậu” - Bộ trưởng Bộ Công Thương phân trần.

Chưa sờ tới đầu nậu

Chất vấn đầu tiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Sỹ Cương phê phán: “QLTT vẫn là mắt xích yếu nhất trong phòng chống buôn lậu. Chừng nào QLTT vẫn không có thay đổi lớn thì buôn lậu vẫn còn đất sống. Câu hỏi đặt ra là có tiêu cực, sự tiếp tay của QLTT không?”.

Phó trưởng Đoàn Đại biểu (ĐB)QH TP HCM, ông Trần Du Lịch, nhận định nạn buôn lậu, hàng giả đang phá hoại nền kinh tế đất nước, làm mất niềm tin của các doanh nghiệp. “Tiêu cực nội bộ phải chăng mới chính là nguyên nhân gốc của thực trạng buôn lậu, hàng giả? Vì thế, khi không đánh giá đúng mức cái gốc của vấn đề thì sẽ không có giải pháp hữu hiệu. Trong khi đó, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương lại không đề cập vấn đề này” - ĐB Lịch nói.

ĐB Lịch cho rằng biện pháp chống buôn lậu chủ yếu hiện nay là rượt đuổi, bắt người vác hàng thuê mà chưa “sờ” được tới các đầu nậu, chủ hàng. “Mang vác vũ khí qua biên giới chỉ trong 24 giờ là lực lực lượng an ninh bắt ngay, biết cả ai là chủ mưu, cho thấy lực lượng chức năng của ta rất hiệu quả. Vấn đề là do thiếu quyết tâm, xem nhẹ nên tình trạng buôn lậu mới phức tạp kéo dài” - ĐB Lịch phân tích.

Vận chuyển đường lậu trên kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang 
Ảnh: 
ĐINH THANH VÂN
Vận chuyển đường lậu trên kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang Ảnh: ĐINH THANH VÂN

Về lời “kể khổ” của người đứng đầu ngành công thương, ĐB Trần Du Lịch nói thẳng: “Bộ trưởng cần đề xuất cụ thể QH quyết đầu tư số tiền bao nhiêu, phương tiện thế nào để chống buốn lậu, hàng giả có hiệu quả. Đất nước có nghèo đến thế nào thì QH cũng không nề hà việc ủng hộ đầu tư để bảo vệ sản xuất trong nước”.

Cán bộ QLTT sai phạm ít?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, ông Đỗ Văn Đương, cho biết đã nhận được rất nhiều tố cáo về tiêu cực của lực lượng QLTT. “QLTT có trên 5.000 người là con số rất lớn chứ không phải ít. Thực tế, trên 5.000 cán bộ này đã bắt giữ bao nhiêu vụ, có tương xứng với số tiền ngân sách trả lương hay không?” - ông Đương gay gắt.

Giải đáp hàng loạt bức xúc của ĐBQH, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Không thể không có tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu, trong đó có QLTT. Nhưng hiện tượng tiêu cực theo tình hình chúng tôi nắm được chỉ là số ít”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố năm 2012 và nửa đầu 2013, có 45 cán bộ QLTT bị xử lý. Công tác luân chuyển cán bộ, thanh tra nội bộ được tiến hành thường xuyên.

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Du Lịch, ông Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Để chống buôn lậu được căn cơ thì phải xử lý đầu nậu và đường dây có tổ chức, còn nhỏ lẻ thì ý nghĩa không nhiều, xin nhận là báo cáo chưa nêu đầy đủ”.

Về chất vấn của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, “tư lệnh” ngành công thương giải thích: Với 5.200 cán bộ QLTT, 1 năm chi lương khoảng 200 tỉ đồng, 3 năm là 600 tỉ đồng; trong khi số tiền lực lượng này xử phạt thu về cho ngân sách nhà nước trong 3 năm là 1.395 tỉ đồng. “Con số này chỉ phản ánh một khía cạnh, không phải là hiệu quả cao hay thấp mà chỉ để nói QLTT đã có cố gắng, nỗ lực” - ông Vũ Huy Hoàng lý giải.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận tình hình buôn lậu diễn biến rất phức tạp và gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Phó Chủ tịch QH yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục đề xuất các giải pháp. Bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật thì phải thực thi nghiêm và quan trọng là phòng chống tiêu cực ngay trong lực lượng phòng chống buôn lậu.

Một người Trung Quốc sang điều hành buôn lậu

Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm Bộ Công an, cho biết gần đây đã xuất hiện nhiều vụ buôn lậu đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới người nước ngoài. Nổi bật là vụ một người Trung Quốc sang Việt Nam lập doanh nghiệp và thuê người Việt kinh doanh iPhone 5. Khi bị bắt, người này khai đã bán 30.000 chiếc ở Việt Nam. Mở rộng điều tra, lực lượng của Bộ Công an phát hiện 4 doanh nghiệp kinh doanh iPhone 5 từ Trung Quốc với trị giá 500 tỉ đồng.

Theo Trung tướng Lực, giai đoạn 2010-2013, hơn 3.000 vụ buôn lậu đã bị khởi tố; riêng năm 2013 là gần 1.000 vụ với 1.281 bị can.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo