xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chậm, hủy chuyến bay vẫn nhiều

Thái Phương

Các hãng hàng không giá rẻ dồn dập mở đường bay mới, đặt thêm máy bay giúp thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành hàng không đã vận chuyển được 25 triệu lượt hành khách, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hãng hàng không nội địa vận chuyển được 18,6 triệu lượt hành khách, tăng 26,8% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng vượt trội

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines tiếp tục tăng trưởng tốt đã giúp hãng này có doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch. Cụ thể, Vietnam Airlines đã vận chuyển 9,65 triệu lượt khách, riêng thị trường nội địa tăng 21,1% so với cùng kỳ.

Sự tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không nội địa có phần không nhỏ từ các hãng hàng không giá rẻ khi liên tục mở thêm đường bay, mua máy bay mới, gia tăng thị phần. Cùng với việc ký hợp đồng đặt mua 100 máy bay từ hãng Boeing (Mỹ), Vietjet đã liên tục mở thêm một số đường bay trong nước và quốc tế, như Hải Phòng đi Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Thanh Hóa - Nha Trang, Hà Nội - Tuy Hòa, TP HCM đi Kuala Lumpur (Malaysia), Đài Nam (Đài Loan)...

Thị phần của các hãng hàng không giá rẻ ngày càng tăng Ảnh: TẤN THẠNH
Thị phần của các hãng hàng không giá rẻ ngày càng tăng Ảnh: TẤN THẠNH

Nếu tính cả hợp đồng thuê, mua máy bay từ Airbus của châu Âu 2 năm trước, dự kiến đến năm 2023, Vietjet sẽ có tổng cộng khoảng 200 máy bay. Hãng này đang khai thác 40 máy bay với hơn 50 đường bay trong nước và quốc tế.

Một hãng giá rẻ khác là Jetstar Pacific cũng đang có những bước tiến mới trong cuộc đua trên thị trường. Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, cho biết 10 máy bay Airbus A320 CEO Sharklet sẽ được giao trong năm 2017 theo thỏa thuận vừa ký với tập đoàn sản xuất máy bay Airbus. Từ nay đến cuối năm 2016, hãng sẽ nhận thêm 4 máy bay Airbus A320 trước khi hợp đồng mới được thực hiện. Các máy bay mới sẽ giúp hãng mở rộng hoạt động tại Việt Nam và thị trường quốc tế.

Trước áp lực cạnh tranh lớn, các hãng đua nhau tung ra những đợt bán vé khuyến mãi với giá chỉ từ 0 đồng/chặng, giúp hành khách có cơ hội đi lại bằng đường hàng không nhiều hơn. Anh Dương Văn Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết gia đình anh gồm 4 người vừa có chuyến về Hà Tĩnh thăm quê.

Trước đây, cả nhà anh thường đi tàu lửa với giá vé khoảng 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/người. Gần đây, khi hàng không giá rẻ liên tục khuyến mãi, anh quyết định đặt vé máy bay cho cả gia đình với giá khoảng 1,3 triệu đồng/vé. “Mức chênh lệch giữa tàu lửa và máy bay không quá cao nhưng tiết kiệm thời gian, đi lại đỡ vất vả hơn” - anh Thanh so sánh.

Theo lãnh đạo một số hãng hàng không, để duy trì chính sách giá vé rẻ, trên những trục đường bay chính như TP HCM - Hà Nội, họ đang phải chịu lỗ do giá bán ra thấp hơn giá thành.

Cạnh tranh khốc liệt, sân bay quá tải

Thị trường hàng không tăng trưởng nóng, áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, người dân có nhiều cơ hội đi máy bay hơn và giúp “miếng bánh” thị phần hàng không nội địa có sự thay đổi lớn. Thậm chí, hàng không giá rẻ ngày càng lấn lướt hàng không truyền thống.

Phó tổng giám đốc một hãng giá rẻ phân tích các hãng hàng không truyền thống cũng bắt đầu chuyển dần chính sách thương mại của mình sang giá rẻ để giành giật thị trường. “Ở Việt Nam, với dân số đông, khuyến khích người dân chuyển từ các phương tiện giao thông khác sang máy bay rất dễ nhưng chi phí phải thấp. Vì thế, hàng không truyền thống sẽ khó tăng trưởng đột biến” - vị này nhận xét.

Sự tăng trưởng nóng của hàng không giá rẻ cũng làm phát sinh không ít hệ lụy. Dễ thấy nhất là việc quá tải cơ sở hạ tầng ở các sân bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất. Tình trạng quá tải cả trên trời lẫn dưới đất xảy ra thường xuyên ở sân bay này, nhất là mùa cao điểm.

Nhiều máy bay đã hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất nhưng không có bãi đỗ phải chờ ngoài đường lăn hoặc đậu qua đêm ở các sân bay lân cận. Đồng thời, tỉ lệ chậm, hủy chuyến cũng có dấu hiệu tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2016.

Theo Cục Hàng không, dù hạ tầng sân bay còn nhiều hạn chế - nhất là tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh - nhưng các hãng vẫn đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa khi mở rộng mạng đường bay, tăng tần suất trên các chuyến bay nội địa.

Trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 128.000 chuyến bay, trong đó có hơn 20.200 chuyến bị chậm, chiếm tỉ lệ 15,8% - tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số chuyến bay bị hủy cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nguyên nhân chậm, hủy chuyến là do thời tiết, kỹ thuật, do khai thác của từng hãng và sự quá tải của cơ sở hạ tầng, tắc nghẽn không lưu...

AirAsia mua 100 máy bay Airbus

Cùng với Vietjet của Việt Nam, một hãng hàng không giá rẻ trong khu vực ASEAN là AirAsia cũng vừa đặt mua 100 máy bay A321neo với nhà sản xuất Airbus. Thông tin từ Airbus cho biết đây là lần đầu tiên AirAsia đặt mua mẫu máy bay lớn nhất thuộc “hệ” A320, giúp hãng tăng sức chứa, giảm chi phí vận hành. Với đơn hàng này, AirAsia đã đặt mua tổng cộng 575 máy bay A320.

Ông Tony Fernandes, Giám đốc điều hành AirAsia, cho biết tập đoàn hiện khai thác gần 1.000 chuyến bay mỗi ngày tới hơn 120 điểm đến tại 24 quốc gia.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo