Chưa đầy 3 tháng, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã có tới 2 đề xuất gây bão trong làng tài chính Việt Nam xoay quanh câu chuyện huy động vàng trong dân.
Tưởng như 2 đề xuất thành lập sàn vàng quốc gia và mở huy động vàng cho các doanh nghiệp vàng sẽ là bất khả thi, chỉ là “đề xuất rồi để đấy”, thì mới đây câu chuyện này lại được hâm nóng lên sau khi Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xem xét đưa phương án huy động nguồn lực trong dân (bao gồm vàng và tiền) nhằm tạo nguồn lực phục vụ tăng trưởng kinh tế. Làn sóng mới này đặt ra câu hỏi: việc huy động vàng trong dân có khả thi?
Ở thời điểm này, hai đề xuất của VGTA có vẻ như lại hợp thời, hợp cảnh. Và trong chuyện huy động vàng lần này, dường như đã có nhiều hơn những ý kiến đồng thuận từ phía các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, đứng từ góc độ một chuyên gia kinh tế vĩ mô, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng đề xuất này hiện nay là chưa hợp lý.
Theo ông Thành, vàng là một hàng hóa đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Với truyền thống cha truyền con nối sống tiết kiệm thì vàng vẫn được coi là “của báu” trong nhà được người dân ưa chuộng.
Vì thế, ông Thành nhận định: Gần với tiền nhất là vàng miếng, nếu không được quản tốt sẽ gây ra nguy cơ vàng hóa trở lại trong dân. Nghĩa là việc huy động vàng sẽ dẫn tới nguy cơ đầu cơ, tích trữ, gây xáo trộn lớn trong kinh tế. Và “quan trọng nhất là sẽ không tạo ra nguồn lực, động lực cho đầu tư kinh tế”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành chia sẻ: “việc quản lý vàng miếng càng trở nên vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, lạm phát trong nước có nguy cơ tăng cao hơn dự kiến”. Việc giữ nguyên hiện trạng như hiện nay là cần thiết để đảm bảo tính ổn định của kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ.
Đưa nhận định về ý kiến cho rằng huy động vàng là giúp tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, ông Thành cho biết đây đúng là một nguồn lực trong dân nhưng làm sao để huy động được và làm sao tạo ra giá trị thực thì chính sách của chúng ta chưa xử lý được.
Ông Thành cho biết muốn xử lý được vấn để này, có lẽ phải “để sau”, khi Việt Nam đã thực sự hội nhập, thu hẹp khoảng cách với sự phát triển của thế giới. Còn hiện nay, chúng ta còn thiếu rất nhiều, từ cơ chế, chính sách, tới nội lực để huy động vàng. Đây là hành động cần có thời gian, không thể vội vã được.
“Có lẽ hành động tốt nhất ở thời điểm này là chúng ta nên để nguồn lực đó nằm yên trong dân và chọn một phương án khác an toàn hơn để phát triển kinh tế” - ông Thành nêu quan điểm.
Chỉ đạo của Thủ tướng là giao NHNN chủ trì nghiên cứu huy động nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế. Điều này có thể hiểu là nghiên cứu tính khả thi của việc huy động tiền, vàng rồi đưa phương án phù hợp. Và thời gian thực hiện phương án cũng có thể chưa phải là ngay bây giờ.
Không chỉ đồng tình với ý kiến cho rằng đặt vấn đề huy động vàng trong dân hiện nay còn nhiều vướng mắc, không khả thi, nhiều vị chuyên gia còn nhận định rằng đây là phương án có thể gây ra tình trạng hỗn loạn thị trường, là một tư duy sai lầm.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng việc huy động vàng trong dân chỉ làm hỗn loạn thị trường vàng. “Vàng của dân thì để dân giữ, sao lại nghĩ đến việc huy động. Nên hiểu đó là tài sản của họ và không nên quan tâm. Đã gọi là tài sản cá nhân thì họ có quyền quyết định việc sử dụng tài sản đó” - TS Nguyễn Đức Thành bình luận.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, đề xuất huy động vàng trong dân là một tư duy sai lầm. Đề xuất trên không khác nào đang bác bỏ hoàn toàn mọi công sức, nỗ lực "loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng" của NHNN trong suốt 25 năm qua.
“Đến bao giờ người ta mới thôi tư duy huy động vàng trong dân? Đây là tư duy sai lầm dai dẳng và khó sửa nhất. Tư duy đã sai lầm thì mọi phương án chỉ càng làm tình hình rối loạn. Không hiểu sao cái tư duy huy động vàng trong dân lại có thể tồn tại và lại tồn tại dai dẳng nữa” - TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Bình luận (0)