Ngày 16-11, tọa đàm “20 năm thị trường chứng khoán và bước chuyển của dòng vốn” do Chuyên trang Người Đồng Hành tổ chức tại TP HCM dưới dự điều hành của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Các diễn giả đều thừa nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đã lớn rất nhanh, ngoài dự đoán của nhiều người. Hiện có 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chứng khoán, 320 DN giao dịch Upcom. Tính đến ngày 15-11, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 75,61 tỉ USD, tương đương 37,8% GDP. Hầu hết đại biểu hy vọng đến năm 2020, vốn hóa thị trường chứng khoán có thể đạt 70% GDP.
Là DN đang niêm yết trên sàn và giá cổ phiếu hiện rất cao, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons, nhìn nhận: “Chúng tôi được lợi nhiều hơn khi tham gia thị trường chứng khoán. Coteccons xuất phát là DN nhà nước, cổ phần hóa năm 2004. Vốn điều lệ ban đầu 15,2 tỉ đồng, doanh số cao nhất cũng chỉ 250 tỉ đồng nhưng hiện doanh số đã tăng lên 20.000 tỉ đồng/năm, có thể đạt mức tăng trưởng 40%-50% trong những năm tới”.
Nhiều người cho rằng thị trường chứng khoán sẽ thu hút vốn mạnh khi nâng hạng từ thị trường biên (Frontier market) lên thị trường mới nổi (Emerging market). Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), cho biết theo khảo sát của HoSE và Stoxplus với 115 đại diện quỹ đầu tư, trong đó 75 quỹ đang quản lý 2.400 tỉ USD (đã phân bổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam 10,8 tỉ USD) thì có đến 83% khẳng định sẽ tăng quy mô đầu tư vào Việt Nam khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Hơn 50% trong số đó cho rằng sẽ tăng quy mô trên 10 triệu USD đầu tư vào Việt Nam.
Ông Dominic Griven, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Gragon Capital, dự báo khi nâng hạng, chắc chắn chứng khoán Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ lớn, đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, họ chỉ được đầu tư một khoản nhỏ. Vì vậy, tăng quy mô vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là điều Chính phủ cần đẩy nhanh thực hiện.
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), nhận định nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại về chất lượng của các DN. “Ngoài tiềm năng, SSIAM còn tìm những DN có kế hoạch phát triển bền vững và bộ máy quản trị minh bạch” - bà Hằng nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng đánh giá: “Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện rất lớn nên DN trong nước có nhiều cơ hội thu hút vốn. Muốn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, DN phải xây dựng được bộ máy điều hành hiệu quả và phát triển mạnh nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của họ”.
Quản lý sẽ chặt chẽ hơn
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), nhận xét việc quản lý giám sát vi phạm trên thị trường của SSC đã tốt hơn trước rất nhiều, cơ bản là hướng tới thượng tôn luật pháp và sự minh bạch.
Các nước khác sẵn sàng phạt nặng, thậm chí cho phá sản, đối với DN vi phạm quy định về chứng khoán, trong khi Việt Nam lại có chế tài thấp, không đủ sức răn đe. SSC gặp khó trong việc tiếp cận email, tài khoản ngân hàng của DN, cá nhân vi phạm. Nhiều vụ vi phạm gửi đến cơ quan chức năng nhưng không được điều tra. Thẩm quyền của SSC cũng chưa đủ để phát hiện dấu hiệu vi phạm. “Luật đã được sửa đổi nhiều lần, sắp tới sẽ chặt chẽ hơn” - ông Bằng nhấn mạnh.
Bình luận (0)