Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam đạt hơn 2,8 tỉ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm cũng ở mức rất cao - 1,5 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Đứng đầu ASEAN
Năm 2015, Việt Nam cũng thu hút gần 23 tỉ USD vốn FDI. Theo điều tra mới đây của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN về mức độ hấp dẫn vốn FDI.
Cùng với những dự án FDI mới chọn Việt Nam là điểm đến, hàng loạt dự án có vốn đăng ký trên 1 tỉ USD cũng đã và sắp được hoàn thành, như: nhà máy điện tử gia dụng của Tập đoàn LG ở Hải Phòng, vốn đầu tư 1,5 tỉ USD; 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và một nhà máy điện tử gia dụng tại TP HCM với tổng vốn đầu tư 8,5 tỉ USD; nhà máy sản xuất điện thoại di động của Nokia - Microsoft trị giá 1,5 tỉ USD tại Bắc Ninh…
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, vốn ngoại sẽ làm gia tăng nhanh chóng sản lượng công nghiệp, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và tạo thêm một số mặt hàng công nghiệp mới cho xuất khẩu.
Trong khi đó, dòng vốn FDI từ nhiều tập đoàn đa quốc gia ở Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước, mà Việt Nam là một trong các điểm đến được ưu tiên. Khảo sát của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho thấy khi được hỏi về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia, có tới 49% trong tổng số gần 540 DN Hàn Quốc khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam lâu dài. Nhiều nhà đầu tư châu Âu cũng kỳ vọng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU sẽ làm tăng nhanh kim ngạch thương mại 2 chiều, gia tăng dòng vốn FDI từ khu vực này sang Việt Nam…
Với hàng loạt FTA, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết, sẽ giúp rào cản về thuế quan được dỡ bỏ, tạo thuận lợi cho thương mại giữa các nước tham gia và tác động tích cực tới dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Chỉ tính các nước thành viên TPP đã chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu và 23% kim ngạch nhập khẩu toàn cầu trong năm 2014. Vì thế, nhiều chuyên gia dự đoán khi TPP có hiệu lực, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.
“Tờ Nikkei Asian Review nhận định Việt Nam ngày càng có lợi thế trong cạnh tranh để trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngay đầu năm 2016, nhiều tên tuổi lớn như Công ty Dịch vụ truyền hình Netflix & Chill của Mỹ, hãng bia Singha Asia của Thái Lan đã công bố những thương vụ rót vốn vào Việt Nam. Hãng bán lẻ Nhật 7-Eleven cũng đang tiến hành mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm sau” - GS Nguyễn Mại cho biết.
Nhường ưu đãi cho nước ngoài?
Trong khi DN nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ các FTA, nhiều DN trong nước dường như vẫn đứng ngoài cuộc chơi.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Sử Ngọc Anh cho biết mới tiếp một đoàn DN Nhật Bản sang tìm đối tác hợp tác để tranh thủ lợi thế từ TPP. Trong khi họ hiểu tường tận về TPP và đã tiếp cận cơ hội làm ăn này thì rất nhiều DN trong nước lại chưa biết ngành mình sẽ bị đe dọa như thế nào. “Sở Kế hoạch và Đầu tư phải nghiên cứu về những tác động đến từng ngành hàng khi TPP có hiệu lực để cung cấp thông tin, giúp DN kịp thời ứng phó” - ông Sử Ngọc Anh nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận nhờ lợi thế lao động giá rẻ và ưu đãi về thuế, vốn FDI đang không ngừng đổ vào Việt Nam nhằm đón đầu các FTA, nhất là trong dệt may, da giày, logistics… “Đây là tin mừng nhưng cũng cho thấy sự lép vế của DN Việt. Nếu DN trong nước cạnh tranh kém hơn, DN nước ngoài sẽ nhận phần lớn ưu đãi từ TPP. Khi đó, lao động trong nước sẽ làm thuê trên chính sân nhà” - TS Doanh phân tích.
Giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
GS Nguyễn Mại cho rằng “cái được” lớn nhất khi vốn ngoại liên tục đổ vào là giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện có khoảng 3,5 triệu người Việt làm việc trong các DN FDI (chưa kể số lao động trong các DN phụ trợ, vệ tinh của FDI). Trong đó, khoảng 7%-10% là cán bộ quản lý cấp trung và cao cấp.
Vốn ngoại gia tăng sẽ kéo nhiều lãnh đạo là người Việt trong các tổ chức tài chính, ngân hàng, kiểm toán của nước ngoài về nước làm việc. Như vậy, hiệu quả từ vốn ngoại sẽ ngày lan tỏa.
Bình luận (0)