xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy “sống lại”?

Phương Nhung

Dù đã nộp hồ sơ xin chấm dứt kinh doanh đa cấp nhưng thực chất Thiên Ngọc Minh Uy chuyển hoạt động này sang một công ty con

Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương sáng 25-4 đã thông báo kết quả xử lý sai phạm của doanh nghiệp (DN) đa cấp - Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (gọi tắt là TNMU; trụ sở chính tại A6/D11 - A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Tuy nhiên, chiều 25-4, một thành viên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp (BHĐC) của công ty này khẳng định mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Nhanh tay xin dừng hoạt động

Trong thông báo phát đi từ Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh đã phạt tiền công ty này 140 triệu đồng đối với 3 hành vi vi phạm: Ký hợp đồng tham gia BHĐC với người tham gia không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về BHĐC cho người tham gia theo quy định pháp luật; duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, xử phạt TNMU 75 triệu đồng đối với một số sai phạm khác. Mặt khác, theo báo cáo của các Sở Công Thương, trong năm 2016, TNMU cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình đã “dính” 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, TP; bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỉ đồng.

Chiều 25-4, hoạt động của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy vẫn diễn ra bình thường Ảnh: THÙY DƯƠNG
Chiều 25-4, hoạt động của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy vẫn diễn ra bình thường Ảnh: THÙY DƯƠNG

Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm minh các vi phạm của TNMU. Tuy nhiên, vừa qua, TNMU đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động BHĐC. Do đó, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia BHĐC. Như vậy, sau khi chấm dứt hoạt động BHĐC, TNMU có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia theo quy định.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng dù quy định yêu cầu TNMU có trách nhiệm với người tham gia nhưng trên thực tế, các thành viên đương nhiên bị thiệt hại và khó lòng yêu cầu bồi thường.

“Người tham gia hầu hết chấp nhận rủi ro để tham gia cuộc chơi này nên cũng khó kêu ca được gì, chỉ có thể thu hồi được phần vốn nào đó. Phía công ty nặng lắm thì bị xử lý hình sự thôi chứ cũng không đòi hỏi được gì và như vậy là hòa cả làng” - ông Đức nói.

Theo luật sư này, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nên cần rút kinh nghiệm để tránh tình trạng các công ty đa cấp tràn lan, sai trái kéo dài mà “làm ngơ” hoặc “bất lực” không quản lý được.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, nhận xét với người tham gia hệ thống, cần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” khi đã không tìm hiểu kỹ. Việc để bảo đảm quyền lợi cho những cá nhân của các doanh nghiệp này là rất khó khi đã ngừng hoạt động. Sau cùng, các cá nhân tham gia sẽ là những người bị thiệt thòi lớn nhất.

Chỉ thay đổi tên công ty?

Cùng ngày, trên fanpage TNMU đã đăng tải thông tin: “Nếu chúng ta không mạnh dạn thay đổi thì không thể làm tốt hơn được. Thực sự chỉ dựa vào thành tích đa cấp của Thiên Ngọc thì sẽ không ổn định và đủ nhiều để đẩy tiền thưởng nhanh hơn. Giờ gom các công ty về một mối thì sẽ có lý do và hợp thức hóa được việc đưa một phần lợi nhuận của các công ty kia vào các chương trình tiền thưởng của Thiên Ngọc.

Thế nên Tập đoàn Thiên Ngọc chuyển đa cấp cho Nhã Khắc Lâm là sự lựa chọn mang tính lịch sử. Sẽ có người đón nhận nó, sẽ có người không chấp nhận nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì Thiên Ngọc vẫn tồn tại và sự nghiệp của chúng ta tiếp tục”. Thông tin này được hiểu là hoạt động BHĐC của TNMU vẫn sẽ tiếp tục, chỉ là dưới danh nghĩa công ty khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phương Ng. (ngụ TP Hà Nội, một thành viên đầu tư lớn trong hệ thống của TNMU) cho hay TNMU xin chấm dứt hoạt động BHĐC nhưng là chấm dứt hoạt động của công ty mẹ. Hoạt động này được chuyển sang một công ty con trong hệ thống có tên Nhã Khắc Lâm.

Giờ TNMU không phải là công ty TNHH mà lên mô hình tập đoàn đa ngành. Trong tập đoàn có 5 công ty trực thuộc, kinh doanh các mảng: bất động sản, thương mại, đá quý, bán hàng trực tuyến… cùng chuỗi các shop thời trang, spa chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Công ty con Nhã Khắc Lâm sẽ tiếp tục BHĐC và sẽ chuyển các “chuyên viên kinh doanh” vào đấy.

Bà Ng. cho biết hằng năm, các công ty con cùng chuỗi spa, shop bán hàng trực tuyến… sẽ trích phần trăm lợi nhuận đưa vào Công ty Nhã Khắc Lâm để trả thưởng cho những “chuyên viên kinh doanh” trước đây đã đầu tư. Tập đoàn sẽ có trách nhiệm điều phối việc này. “Mọi quyền lợi về trả thưởng vẫn được thực hiện như đã ký. Họ bảo đảm quyền lợi nên tôi chưa rút tiền và cũng không lo lắng lắm” - “chân rết” của hệ thống này nói.

Một thành viên khác cũng khẳng định: “Chúng tôi đang làm ầm ầm chứ đâu có rút gì. Bây giờ công ty lên tập đoàn thì đương nhiên phải thay đổi tên khác. Mới cách đây vài hôm, công ty tổ chức một hội nghị lớn bàn kế hoạch phát triển nên đừng nghe thông tin không đúng mà rút tiền kẻo thiệt thân”.

Tại trụ sở TNMU chiều 25-4, mọi hoạt động của công ty này vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, người lạ không thể vượt qua được cửa bảo vệ nếu không được sự “bảo lãnh” của các thành viên tham gia. Phóng viên cũng không ghi nhận trường hợp người tham gia vì lo lắng mà đến làm thủ tục rút tiền. Phần lớn thành viên đến giao dịch hoặc thanh lý hợp đồng đều có hẹn từ 1-3 tháng trước.

Về việc TNMU có thể “hồi sinh” bằng cái tên Nhã Khắc Lâm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc này pháp luật không cấm và đây chính là lỗ hổng của luật. “Cần sớm bổ sung quy định nếu một doanh nghiệp tái phạm lỗi đã bị xử phạt thì phải rút giấy phép vĩnh viễn hoặc rút giấy phép trong thời gian dài, ví dụ 30 năm để chặn doanh nghiệp sống lại” - ông Nguyễn Minh Phong đề xuất.

Sớm quản lý chặt bán hàng đa cấp

Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42 về BHĐC. Theo đó, dự thảo này đã mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật, thêm các quy định tăng khả năng quản lý, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh đa cấp và nâng số tiền ký quỹ tối thiểu là 10 tỉ đồng so với mức 5 tỉ đồng trước đây. Giới chuyên gia kỳ vọng dự thảo sẽ giải quyết phần nào những bất cập mà Nghị định 42 chưa giải quyết được; bảo đảm một nền tảng pháp lý chặt chẽ về kinh doanh đa cấp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo