Về phát triển dịch vụ ngân hàng tiện ích, Agribank đạt kết quả đầy ấn tượng. Doanh thu dịch vụ của Agribank tăng 22,2%, vượt mục tiêu tối thiểu 12%/năm của Đề án tái cơ cấu; tỉ lệ thu ngoài tín dụng đạt 12%, cao nhất từ trước tới nay. Agribank đang chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ đặc thù, hướng vào nông nghiệp, nông thôn…
Nâng cả chất và lượng
Với mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn, trong Đề án tái cơ cấu Agribank có riêng nội dung cải cách các dịch vụ, giảm tối đa quy trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ, làm tăng sự hài lòng của khách hàng. Theo đó, trên nền tảng công nghệ hiện đại; mạng lưới rộng lớn với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch được kết nối trực tuyến trên cả nước cùng chi nhánh tại Campuchia, quan hệ đại lý với gần 1.000 ngân hàng ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ…, Agribank hiện có trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích. Trong đó, nhiều sản phẩm như huy động vốn, tín dụng, thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế, thẻ, E-Banking… tạo nên thế mạnh của Agribank.
Để phủ sóng địa bàn nông thôn, Agribank tung ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay đối với khách hàng vay vốn theo các nghị quyết, nghị định của Chính phủ.
Ngoài ra, Agribank còn chú trọng cải cách về hành chính, các hoạt động dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, truyền thông quảng cáo để được cộng đồng biết đến… Trong thực hiện Đề án tái cơ cấu, Agribank có nội dung quan trọng là xây dựng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng tốt hơn; cải cách thủ tục thông qua phương thức đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tiện ích cùng ứng dụng công nghệ thông tin như Internet Banking, Mobile Banking… Đáp ứng giao dịch điện tử tăng nhanh, bình quân mỗi năm 30%-35%, cao hơn so với kênh truyền thống, Agribank luôn trợ giúp khách hàng giao dịch 24/24 giờ, giảm nhiều thủ tục với mong muốn phục vụ khách hàng tốt nhất.
Khách hàng khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của Agribank có nhiều sự lựa chọn qua hệ thống phân phối trực tiếp tại hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch và các kênh phân phối đa dạng được Agribank phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại như ATM, EDC/POS, Internet Banking, kết nối thanh toán với khách hàng (CMS) và khoảng 1.000 ngân hàng đại lý tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tiếp tục cải tiến
Trong Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020, đối với hoạt động phát triển sản phẩm dịch vụ, Agribank xác định tiếp tục tăng cường huy động vốn, cung cấp tín dụng cho nền kinh tế gắn với phát triển, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong đó, chú trọng khâu đột phá chiến lược, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến; phát triển, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ tới khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, đổi mới quy trình giao dịch, tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp cận vốn tín dụng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ.
Để đạt được mục tiêu trên, Agribank xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh doanh dịch vụ giai đoạn 2016-2020; phát triển dịch vụ ngân hàng tiện ích, tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm dịch vụ, triển khai sản phẩm liên kết với các nhà cung ứng khác… Chú trọng nâng cấp, phát triển các kênh phân phối hiện đại như Mobile Banking, Internet Banking, ATM, EDC/POS và các kênh phân phối mới. Đổi mới, chuẩn hóa quy trình giao dịch, giảm thiểu hồ sơ thủ tục theo hướng một cửa, tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch, sớm đưa vào vận hành trung tâm hỗ trợ khách hàng… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Với mục đích đưa vốn đến tay nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn, Agribank tăng cường cho vay qua tổ nhóm, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “ngân hàng lưu động”.
Bình luận (0)