Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị “Chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL” do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức ngày 22-8 tại TP Cần Thơ.
Đường thủy, bộ đều yếu
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ, với sự phát triển nhanh của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt. Giai đoạn từ năm 2010-2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 4.657,23 triệu lượt khách và 468,25 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 4,4%/năm đối với hành khách và 4,9%/năm đối với hàng hóa.
Tuy có đầu tư lớn và làm thay đổi diện mạo trong vùng nhưng ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông trong vùng ĐBSCL tương đương các vùng miền khác nhưng số km đường và trục đường mở rộng ít, chất lượng kém, nhiều tuyến đường đã xuống cấp.
“Cả nước đã có gần 1.000 km đường cao tốc nhưng toàn vùng ĐBSCL mới có 45 km (đoạn TP HCM - Trung Lương). Đoạn cao tốc từ Trung Lương - Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ dự khởi công 3 lần mà vẫn không triển khai được do thiếu vốn” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí thông tin.
Không chỉ đường bộ mà việc khai thác các cảng, logistics trong vùng còn nhiều hạn chế. Bộ GTVT cho rằng sự không đồng bộ giữa quy mô cầu bến cảng và luồng vào cảng là tồn tại lớn nhất đối với nhóm cảng biển ĐBSCL. Các luồng không được duy tu nạo vét hằng năm nên bị bồi lắng làm phương tiện thủy thường bị mắc cạn. Vì vậy, lượng hàng qua cảng những năm gần đây thấp, dao động từ 6,5 triệu đến 8,5 triệu tấn/năm. Gần 80% lượng hàng hóa của vùng vẫn phải tiếp chuyển qua các cảng ở Đông Nam Bộ.
Chính vì cảng biển, cảng sông còn manh mún nên nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào ĐBSCL. Một lãnh đạo của Cục Hàng hải cho biết trước đây, một công ty của Nhật có ý định mở nhà máy xay xát cám gạo ở ĐBSCL có công suất từ 1.000-3.000 tấn/ngày. Nhưng ngặt nỗi là việc đi thu gom nguyên liệu bằng đường thủy hay đường bộ trong vùng rất khó khăn nên họ phải chuyển hướng sang tìm hiểu thị trường Campuchia.
Đề xuất xây cảng nước sâu
Theo ông Thể, danh mục ưu tiên đầu tư của Bộ GTVT trong thời gian tới là nên tập trung vào đầu tư đường cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và xây cầu Mỹ Thuận 2. Bên cạnh đó, hoàn thành các cầu trên Quốc lộ 60. Hiện nay, trên Quốc lộ 60, cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên đã hoàn thành, chỉ còn cầu Đại Ngãi. Khi giao thông trên Quốc lộ 60 thông suốt, việc hàng hóa từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng sẽ vận chuyển theo tuyến đường này, giảm tải cho Quốc lộ 1.
Nhiều đại biểu có ý kiến rằng thời gian tới, lượng hàng hóa ở ĐBSCL tăng lên, không chỉ có nông sản mà còn việc vận chuyển hàng chục triệu tấn than/năm cho 6 nhà máy nhiệt điện, các loại hàng hóa của ngành cơ khí, lắp ráp... nên kênh Quan Chánh Bố (Trà Vinh) chỉ đáp ứng một phần trong vận chuyển hàng hóa trong vùng.
“Tôi đề nghị xây một cảng nước sâu ở Sóc Trăng. Làm một cây cầu từ bờ biển Sóc Trăng ra ngoài 5.000 m, có 4 làn xe chỉ chuyên vận chuyển hàng hóa với khoảng 4.000 tỉ đồng, tàu từ 200.000-300.000 tấn có thể đi được. Và quan trọng hơn, hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ có thể kết nối với cảng này chứ không như cảng Cái Cui phải phụ thuộc vào sự bồi lắng của kênh Quan Chánh Bố” - với cách nhìn của người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thể đề xuất.
Ngoài ra, ông Thể cũng kiến nghị xây một cảng trung chuyển hàng hóa tại Côn Đảo vì hàng hóa ở ĐBSCL cứ theo luồng Định An, kênh Quan Chánh Bố hay từ sông Sài Gòn... có thể vận chuyển ra đây rồi xuất khẩu.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ, ngành phải đặt ra phương án nghiên cứu một cảng nước sâu, trong đó có vị trí cảng Hòn Khoai tại Cà Mau (là vị trí tiếp giáp biển Đông và biển Tây, cách đường hàng hải quốc tế 12 hải lý, cách mũi Cà Mau 15 km và cách đường Hồ Chí Minh 14 km, có thể đáp ứng cho tàu 250.000 tấn - PV). “Nếu chỉ nạo vét luồng lạch cho tàu biển thì sẽ tốn kém và khó kiểm soát hiệu quả của công việc” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Dẹp dự án sân bay An Giang
Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức ở TP Cần Thơ hôm 10-8 vừa qua, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT trình bày dự thảo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT và hệ thống logistics vùng ĐBSCL giai đoạn năm 2016-2020 có đề cập dự án xây sân bay An Giang được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP, tổng vốn đầu tư lên đến 3.417 tỉ đồng. Trong cuộc họp ngày 22-8 thì dự án này đã bị loại khỏi kế hoạch. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, cho biết: “Dự thảo không phát hành chính thức. Sân bay An Giang không nằm trong kế hoạch, do phía tỉnh đề xuất nên chúng tôi tổng hợp vào kế hoạch. Bộ và Chính phủ không đồng ý phương án này”.
Bình luận (0)