xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điều hành giá chưa hợp lý: Mua rẻ, bán rất đắt

NGUYỄN HẢI

Giá bán 2 mặt hàng sữa và gas tại thị trường Việt Nam quá cao so với giá nguyên liệu sữa hoặc gas nhập khẩu. Các nhà kinh doanh có nhiều cách để né tránh sự kiểm soát về giá của cơ quan chức năng

Giá sữa đã tăng liên tục thời gian qua, từ cuối năm ngoái đến nay, các hãng sữa đã đẩy giá lên ít nhất 3 lần với tổng mức tăng từ 10% đến hơn 20%, qua đó giá sữa bột bán lẻ trên thị trường chạm mức 180.000  - 200.000 đồng/hộp 900 g (sữa nội) và 360.000  - 450.000 đồng/hộp 900 g (sữa ngoại).

Đủ kiểu tăng giá để hưởng lãi đậm

Hồi đầu năm nay, sữa nguyên liệu trên thế giới tăng giá cao, từ 3.600 - 3.800 USD/tấn, tính ra 1 kg sữa chỉ có giá khoảng 80.000 đồng, cộng thêm chi phí vỏ lon 15.000 đồng, các chất bổ sung từ 20.000  - 30.000 đồng/hộp thì một hộp sữa bột loại 1 kg cũng chỉ có giá thành khoảng 120.000  - 130.000 đồng là cùng. Thế nhưng trên thị trường, sữa hộp loại 800 g hoặc 900 g được bán với giá cao gấp 2-3 lần, thậm chí 4 lần.

img

Khách hàng chọn mua sữa tại Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Bộ Công Thương, giá nguyên liệu sữa từ tháng 3 vừa qua đã bắt đầu giảm và đến nay tại thị trường châu Úc vẫn giữ ổn định ở mức 3.000 - 3.400 USD/tấn, còn tại thị trường Tây Âu giảm nhiều hơn, từ 100  - 270 USD/tấn, chỉ còn 2.750 - 2.925 USD/tấn. Với giá này, tính ra 1 kg sữa thành phẩm chỉ có giá khoảng 100.000 đồng. Trong khi các hãng sữa vẫn bán ra với giá cao ngất ngưởng.

Theo các hãng sữa ngoại, giá nguyên liệu sữa không ảnh hưởng nhiều đến giá thành vì chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi các chi phí khác đều tăng cao như nhân công, quản lý, tỉ giá, điện nước, xăng dầu... Thế nhưng thực tế không phải vậy. Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hanco, cho rằng mỗi khi giá nguyên liệu sữa thế giới biến động đều ảnh hưởng lớn đến giá  sữa trong nước do nguyên liệu chiếm đến 65% giá thành.
Ngay cả khi không có biến động gì về chi phí đầu vào, nhiều hãng sữa cũng tìm cách đẩy giá lên bằng các chiêu như tung ra sản phẩm mới với công thức tiên tiến, bổ sung vi chất... Ngoài ra, giá sữa ngoại cao ngất còn do các hãng chi cho quảng cáo rất lớn, từ 30% - 40% doanh số, có hãng hơn 50%, đồng thời trích hoa hồng rất nhiều cho hệ thống đại lý, phân phối, cốt để tiêu thụ được nhiều hàng, bày bán hàng ở vị trí đẹp… 

Mặt hàng sữa nước cũng tương tự. Sữa tươi thu mua tại các hộ chăn nuôi vẫn giữ nguyên nhưng sữa nước bán ra thị trường thì liên tục tăng giá. Hiện giá thu mua sữa nước chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg, cao nhất chưa tới 12.000 đồng/kg nhưng sữa tươi thành phẩm bán trên thị trường lên đến 32.000  - 35.000 đồng/lít. Ngay cả sữa nước hoàn nguyên từ sữa bột cũng bán giá cao như sữa tươi, vì thế nhà sản xuất lãi rất đậm.

Giảm không tương ứng

Cho dù giá gas thế giới trong tháng 4 và 5 liên tục giảm, kéo theo giá gas bán lẻ trong nước giảm theo nhưng hiện giá gas bán lẻ trong nước vẫn còn khá cao so với giá thế giới. Người tiêu dùng đang phải sử dụng gas với giá cao vô lý.

Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, giá gas trong nước tăng liên tục (tổng mức tăng đến 94.000 đồng), có thời điểm cán mức 477.000 đồng đến hơn 500.000 đồng/bình 12 kg. Ngay lập tức, người tiêu dùng bỏ gas chuyển sang dùng bếp từ, bếp hồng ngoại… khiến sức tiêu thụ gas giảm sâu từ 30% - 50%, tùy hãng.
Đến tháng 4, giá gas thế giới giảm thêm hơn 202 USD/tấn so với tháng trước, còn 992 USD/tấn. Đúng ra, các hãng gas phải giảm giá 72.000 - 80.000 đồng/bình nhưng nhiều hãng chỉ giảm 40.000  - 50.000 đồng/bình. Sang đầu tháng 5 này, giá gas thế giới tiếp tục giảm sâu nhưng giá bán trong nước cũng chưa giảm tương ứng, cho nên sức tiêu thụ vẫn còn ì ạch.
Đúng ra, giá gas bán lẻ trong nước từ đầu tháng 5 này phải giảm hơn 40.000 đồng/bình 12 kg nhưng thực tế các hãng chỉ giảm 35.000 đồng. Các công ty kinh doanh gas lý giải do lượng hàng tồn trước đó chiếm khá cao 40% trong khi sức tiêu thụ vẫn chưa được cải thiện nên nếu giảm giá tương ứng với mức giảm của gas thế giới thì sẽ bị lỗ.

Hiện giá gas thế giới giao trong tháng 5 giảm còn 850 USD/tấn (giảm 140 USD/tấn so với tháng 4), tính ra giá thế giới chỉ có khoảng 19.600 đồng/kg, tức mỗi bình gas 12 kg chỉ đáng giá khoảng 236.000 đồng/bình, cộng với chi phí premium (vận chuyển, lợi nhuận của nhà cung cấp, bảo hiểm…) thì tổng giá cũng chỉ 264.000 đồng/bình 12 kg. Thế mà giá bán lẻ trong nước hiện nay là từ 370.000 - 390.000 đồng/bình 12 kg.

Ông Chu Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phân phối Khí đốt gas Thủ Đức (TPHCM), cho biết thông thường các hãng gas đều bán theo kiểu đứt đoạn cho các đại lý. Giá bán đến tay tổng đại lý hiện nay khoảng 315.000 đồng/bình 12 kg. Từ tổng đại lý giao xuống đại lý bán lẻ tăng lên 325.000 đồng/bình 12 kg và từ đại lý  bán lẻ đến tay thuộc về người tiêu dùng từ 370.000  - 390.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, từ khâu tổng đại lý đến đại lý bán lẻ được hưởng tổng cộng 55.000 đồng/bình, còn lại hơn 40.000 đồng/bình thuộc về  công ty gas. 

Theo giới kinh doanh gas, hằng năm giá gas trong quý II luôn có xu hướng giảm mạnh so với quý I. Do đó, trong những tháng tiếp theo, giá gas thế giới khó có khả năng biến động bất thường, xu hướng chung là sẽ còn giảm tiếp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo