xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Từ cởi trói đến kiến tạo phát triển

Tô Hà

Nghị quyết Trung ương 5 xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân

LTS: Quan điểm của Đảng đã có chuyển biến thực sự mang tính đột phá khi Hội nghị Trung ương 5 vừa qua nhất trí thông qua nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân với tư tưởng coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Song để kinh tế tư nhân phát triển như kỳ vọng cần phải có sự thống nhất cao từ tư duy đến hành động.

Chưa phát triển xứng tầm

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2003-2015 là 10,2%/năm, số lượng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tăng mạnh từ 55.236 DN năm 2002 lên 495.826 DN vào năm 2015. Tổng doanh thu của DNTN từ năm 2007 đến 2015 tăng 4,4 lần, từ 3,5 triệu tỉ đồng lên 15,5 triệu tỉ đồng.

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Từ cởi trói đến kiến tạo phát triển - Ảnh 1.

Nghị quyết Trung ương 5 được kỳ vọng giúp kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm, là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước Ảnh: TẤN THẠNH

Mặc dù đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc nhưng đến nay, kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nội lực của kinh tế tư nhân còn yếu, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015. Tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, xuống còn 7,54% trong giai đoạn 2011-2015. Đáng lưu ý, tỉ lệ DNTN thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%. Trưởng Ban Kinh tế trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận kinh tế tư nhân còn nhiều mặt hạn chế. Đó là tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại diễn ra tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá một bộ phận DNTN trong nước thường kinh doanh theo kiểu cơ hội, mang tính chụp giật, thiếu tư duy và chiến lược dài hạn. Một số khác chưa có ý thức nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh của DN do mang nặng tâm lý của người sản xuất nhỏ, tiểu nông, thiếu khát vọng lớn. Phân tích nguyên nhân của hạn chế này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng lỗi không chỉ ở phía DN mà chủ yếu do thể chế, chính sách hay thay đổi khiến doanh nhân chọn cách an toàn là "tranh thủ, chụp giật" hơn là đưa ra chiến lược kinh doanh dài hạn.

Xóa mọi định kiến, rào cản

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân với tư tưởng xóa bỏ mọi định kiến, rào cản được coi là một động lực mới cho khu vực quan trọng này. Trong đó nêu rõ tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tiếp cận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại. Đồng thời, yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức cần có sự đột phá trong tư duy và hành động; kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển…

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhận xét đây là nghị quyết trung ương đầu tiên làm rõ vai trò của kinh tế tư nhân, đồng thời thống nhất trong nhận thức và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. Từ đó có cơ sở để tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả. "Có một câu nói đã thành thuật ngữ là từ cao nguyên Đồng Văn đến mũi Cà Mau là một khoảng cách rất xa nhưng từ lời nói đến hành động còn là khoảng cách xa hơn thế để nói về hạn chế trong thực thi chính sách. Nay, Nghị quyết Trung ương 5 đã cụ thể hóa các giải pháp trên cơ sở đúc kết thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân 15 năm qua. Như vậy đã tháo cởi thêm những vướng mắc đang phát sinh trong thực tiễn để đẩy mạnh đổi mới, cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng bộ với phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới, nâng cao hiệu quả DN nhà nước" - chuyên gia Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Theo TS Lưu Bích Hồ, khu vực tư nhân có tiềm năng rất lớn, cần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế để tạo động lực phát triển kinh tế vì đây là một nguồn lực quan trọng nhất, có tiềm năng nhất chúng ta cần khai thác để phát triển đất nước trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 có đưa chuyên đề kinh tế tư nhân vào chương trình là thông điệp quan trọng. Điều đó cho thấy chúng ta ngày càng "thấm" hơn vai trò của kinh tế tư nhân và khẳng định đó chính là lực lượng cơ bản bảo đảm bền vững của phát triển kinh tế. DN nhà nước chỉ nên tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt, còn lại phải thoái vốn, tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân, để tư nhân có thể tiếp cận nguồn lực, tiếp cận cơ hội kinh doanh mà khu vực kinh tế nhà nước đang nắm giữ.

Nhiều tỉ phú không muốn lộ diện

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho rằng việc Việt Nam có tỉ phú USD trong bảng xếp hạng của thế giới gồm là điều rất mới và đáng mừng. Nhưng thực tế có thể có nhiều tỉ phú hơn nhưng họ không lộ diện. Lý do có thể vì mô hình hoạt động, lĩnh vực kinh doanh của họ không cần thiết phải lên sàn chứng khoán huy động vốn song nó cũng cho thấy đây chính là điểm yếu của các DNTN Việt Nam. Bởi khi niêm yết, mọi hoạt động của DN sẽ công khai minh bạch, làm cho thị trường vốn sôi động hơn, thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo