Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, năm 2015, nước này đón khoảng 167.000 lượt khách Việt nhưng ước tính 7 tháng năm 2016, con số này đã xấp xỉ 138.000 lượt. Vài năm qua, Hàn Quốc trở thành điểm đến hàng đầu của du khách Việt.
Đi nhiều, chi tiêu tăng
Vừa trở về từ Hàn Quốc, chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ TP Hà Nội) tỏ ra bất ngờ khi thấy du khách Việt tràn ngập các điểm đến của nước này. Không chỉ khám phá, tìm hiểu xứ sở kim chi, chị Thanh còn mua sắm nhiều quần áo, mỹ phẩm… “Giá cả có thể không rẻ hơn nhưng yên tâm về nguồn gốc và chất lượng. Đi tour ngoại kèm mua sắm đang là sở thích của nhiều du khách” - chị Thanh nhận định.
Cũng đang có ý định xuất ngoại, chị Nguyễn Phi Vân (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết giá tour sang Hàn Quốc của nhiều công ty du lịch chỉ khoảng từ 12-13 triệu đồng/khách. “Nếu vài năm trước, giá tour đi Hàn Quốc phải 25-30 triệu đồng/người. Nay thấy rẻ, gia đình tôi mới nghĩ tới chuyện đi Hàn Quốc” - chị Vân so sánh.
Cũng vì lượng khách Việt tăng mạnh nên Hàn Quốc đang thiếu trầm trọng hướng dẫn viên cho nhóm khách này.
Thông tin từ Tổng cục Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho thấy trong năm 2015, lượng khách Việt đến xứ sở hoa anh đào lên đến 185.000 người, tăng 49% so với năm trước. Riêng 5 tháng đầu năm nay, đã có 106.000 du khách Việt đến nước này. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm khách Việt qua Nhật Bản tăng trưởng bình quân 50%.
Không chỉ Hàn Quốc, Nhật Bản, du khách Việt ngày càng chuộng tour xa, như Dubai (UAE), Nga, châu Úc, châu Âu… Theo nhiều công ty du lịch tại TP HCM, tour ngoại luôn có mức tăng trưởng 2 con số trong vài năm gần đây.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông Vietravel, cho biết trong 6 tháng đầu năm có khoảng 98.000 lượt du khách của công ty đi tour ngoại, tăng 107% so với cùng kỳ. Trong đó, Malaysia tăng 300%, Hàn Quốc 174%, Dubai 170%, châu Úc 162%...
Hay tại Công ty Fiditour, trong khi các tour đến Thái Lan, Singapore, Malaysia thu hút nhiều du khách, lượng khách đặt tour xa đến Nga, châu Âu cũng tăng 2 con số so với năm ngoái…
Theo thống kê gần đây của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt du lịch nước ngoài với mức chi tiêu khoảng 6 tỉ USD trong năm 2015, trong khi con số này của năm 2012 chỉ khoảng 3,5 tỉ USD.
Được “o bế”
Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường hấp dẫn được ngành du lịch nhiều nước săn đón. Theo bà Trần Thị Việt Hương, du lịch nước ngoài hấp dẫn bởi không chỉ khám phá thắng cảnh, văn hóa mà còn có nhiều “thiên đường” mua sắm như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, những nước này cũng có nhiều chính sách giúp ngành du lịch phát triển từ visa cho đến quảng bá, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực này.
“Tại Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thông qua các chính sách kích cầu du lịch, giới thiệu sản phẩm mới... Các hãng lữ hành Việt cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ họ” - bà Hương nhìn nhận.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông Công ty Fiditour, nhận xét ngành du lịch của nhiều nước có chiến lược tiếp thị khá bài bản ở Việt Nam. Họ liên tục tung ra các chương trình kích cầu, giảm mạnh giá tour cùng nhiều sản phẩm hấp dẫn. Singapore đổi mới sản phẩm 6 tháng một lần hay Malaysia, Thái Lan thì có các mùa siêu giảm giá.
Ông Uzaidi Udanis, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Malaysia, nhận định Việt Nam nổi lên và vào nhóm các nước có lượng khách đến Malaysia tăng trưởng mạnh. “Chúng tôi áp dụng các chiến dịch quảng bá mua sắm, xây dựng hình tượng “bà Sofia - bà mua sắm” như một biểu tượng thu hút du khách cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn” - ông Uzaidi Udanis cho biết.
Điểm đến trong nước kém hấp dẫn
Trong khi người Việt đổ xô ra nước ngoài thì du lịch trong nước lại chưa phát huy hết tiềm năng để hấp dẫn du khách. Điểm đến Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các nước trong khu vực, dù có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên. Theo nhiều công ty du lịch, du khách ít chọn điểm đến trong nước do sản phẩm chưa hấp dẫn, giá tour và dịch vụ cao hơn các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, quản lý còn lỏng lẻo, vấn nạn chèo kéo khách, tăng giá chưa được cải thiện.
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn cho rằng khách Việt chuộng tour ngoại do chính sách du lịch trong nước chưa đột phá, trong khi các điểm đến khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan, hay xa hơn là Úc, New Zealand, Hàn Quốc... lại không ngừng ưu đãi về thị thực, chính sách giá, mở các đường bay thẳng để tăng tính cạnh tranh. Vấn đề quan trọng là cần sự thay đổi trong cơ chế, chính sách của nhà nước để tạo ra sự đột phá cho ngành du lịch trong nước cạnh tranh được với các điểm đến khác. Trong đó, vai trò của nhà nước rất lớn vì doanh nghiệp không thể tự làm được.
Đưa khách ra nước ngoài lợi hơn
Ông Huỳnh Văn Sơn đúc kết: “Các đối tác cung cấp dịch vụ du lịch ở nước ngoài liên tục ưu đãi cho công ty lữ hành Việt nhằm thu hút du khách Việt đến nước họ. Doanh nghiệp trong nước đưa du khách Việt ra nước ngoài sẽ có lợi nhuận cao hơn làm tour nội địa. Đây là nguyên nhân vì sao doanh nghiệp trong nước thích đưa khách Việt ra nước ngoài hơn”.
Bình luận (0)