Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng (NH) an toàn, hiệu quả năm 2016, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các NH thương mại nghiêm túc thực hiện các quy định và chỉ đạo về lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của các khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Tuy nhiên, hiện vẫn có thêm nhiều NH gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động khiến lãi suất cho vay có nguy cơ tăng theo.
“Ông lớn” cũng tăng
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Phương Nga (ngụ quận 9, TP HCM) đã tới một chi nhánh NH tại quận 2 đáo hạn sổ tiết kiệm hơn 100 triệu đồng. Thấy lãi suất tăng, chị tiếp tục gửi lại để hưởng mức 7,2%/năm kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, chưa được 2 tuần sau, nhiều NH khác đã tăng lãi suất còn cao hơn mức này.
“Tôi còn một sổ tiết kiệm đầu tháng 3 này sẽ đáo hạn và dự tính gửi kỳ hạn dài 18-24 tháng để hưởng lãi suất 7,6%-7,8%/năm, cao hơn khá nhiều so với trước Tết” - chị Nga cho biết.
Không ít người có khoản tiền nhàn rỗi tỏ ra khá bất ngờ với biểu lãi suất huy động ngày càng tăng của các NH thương mại. Tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi “gửi dài lâu, thêm tài lộc” kỳ hạn từ 15 tháng trở lên có thể hưởng lãi suất 8%/năm. Trước đó, NH TMCP Phương Đông áp dụng biểu lãi suất mới với mức huy động cao nhất là 8%/năm kỳ hạn 36 tháng, các kỳ hạn 12-24 tháng cũng rất cao so với mặt bằng chung từ 7,2%-7,8%/tháng.
Để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm online, NH TMCP Bản Việt đã tăng lãi suất huy động qua hình thức này thêm tới 0,3%/năm so với lãi suất thông thường khi gửi tiền từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất tối đa tại NH này là 7,5%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng. Tại NH TMCP Đông Nam Á (SeABank), mức lãi suất tiền gửi lên tới 8%/năm kỳ hạn 13 tháng khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 200 tỉ đồng trở lên…
“Cuộc đua” tăng lãi suất huy động không chỉ dừng lại ở khối NH cổ phần. “Ông lớn” NH quốc doanh là NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tham gia với việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi lên 7%/năm kỳ hạn 36 tháng (mức cao nhất trong khối các NH quốc doanh) đến thời điểm này.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần có hội sở tại TP HCM đang áp dụng mức lãi suất huy động cao cho biết do NH hiện có một số chương trình cho vay với lượng vốn lớn nên cần huy động nguồn tiền gửi. Còn về “cuộc đua” tăng lãi suất giữa các NH thương mại gần đây, vị này cho rằng có thể một số NH muốn giữ chân khách hàng chứ không hẳn vì lý do thanh khoản.
Lãi suất huy động chủ yếu tăng ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng (do kỳ hạn dưới 6 tháng hiện NH Nhà nước áp dụng trần lãi suất dưới 5,5%/năm), theo nhiều lãnh đạo NH thương mại, một phần do nhu cầu vay vốn trung - dài hạn gần đây tăng khá mạnh. Các khoản vay tiêu dùng, vay mua bất động sản hay doanh nghiệp vay vốn để đầu tư dài hạn cho mục đích mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới máy móc công nghệ… đều cần nguồn vốn trung - dài hạn. Chưa kể, năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành NH từ 18%-20% được đánh giá là khá cao và không đơn giản. Ngay từ đầu năm, các NH đã tăng tốc đẩy tín dụng nên cần tăng huy động vốn.
Lãi suất cho vay khó tăng mạnh?
Lãi suất huy động đang tiếp tục đi lên và chưa có xu hướng dừng lại nhưng theo lãnh đạo nhiều NH thương mại, sẽ khó có cú sốc tăng mạnh lãi suất cho vay nên doanh nghiệp và khách hàng cá nhân không nên quá lo ngại.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn phân tích NH có thể tăng lãi suất tiền gửi để hút vốn nhưng lãi suất cho vay lại phải cạnh tranh sòng phẳng theo thị trường. “Nếu một NH đẩy lãi suất cho vay lên cao, khách hàng sẽ lập tức bỏ sang NH khác, nhất là khách hàng cá nhân, nên không phải muốn tăng là được. Không ít hồ sơ vay vốn đã xong, chuẩn bị giải ngân nhưng khách hàng sẵn sàng chuyển sang NH khác chào vì được mời lãi suất vay thấp hơn” - vị này dẫn chứng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng nhiều NH thương mại đẩy lãi suất tiền gửi lên cao thời gian gần đây một phần nhằm cân đối lại nguồn vốn, tăng huy động kỳ hạn dài và “chạy trước” quy định trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NH Nhà nước về bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn. Cụ thể, dự thảo thông tư quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn (thay vì mức 60% như trước) nên các NH thương mại đã cho vay trung - dài hạn quá nhiều phải tăng lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên để cân đối lại. Tại TP HCM, trong năm 2015, tỉ trọng vốn vay trung - dài hạn tăng khá mạnh và hiện chiếm tới 57% tổng dư nợ tín dụng.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho rằng không nên quá lo lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các NH hiện nay. Bởi lẽ, lãi suất cho vay cao đồng nghĩa với khách hàng đó có rủi ro cao, chưa kể các NH còn chịu sự kiểm soát của NH Nhà nước.
Cố gắng giảm thêm lãi suất trung - dài hạn
Ngày 1-3, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước, cho biết tính đến cuối tháng 2-2016, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9%-11%/năm đối với trung - dài hạn. Mức lãi suất này đã giảm khoảng 0,2%-0,5%/năm so với đầu năm 2015. Qua năm 2016, bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung - dài hạn tăng… sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất.
Dù vậy, NH Nhà nước sẽ linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác nhằm điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế. Lãi suất liên NH cũng được điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm thanh khoản cho toàn hệ thống, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát, không gây áp lực lên tỉ giá. Phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung - dài hạn trong năm nay.
Bình luận (0)