Sáng 15-7, tại TP HCM đã diễn ra hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa TP HCM và tỉnh Lâm Đồng.
Đầu tư vào Lâm Đồng hơn 7.630 tỉ đồng
Báo cáo tổng kết chương trình hợp tác giữa 2 địa phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Sử Ngọc Anh cho biết từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cấp chứng nhận đầu tư hơn 65 dự án cho các doanh nghiệp TP với tổng vốn đăng ký hơn 7.630 tỉ đồng. Trong đó, nông nghiệp có 29 dự án.
Thời gian qua, TP HCM tiêu thụ khoảng 60% sản lượng rau và 30% hoa của Lâm Đồng. Từ nguồn cung này mà các siêu thị của TP HCM có được lượng nông sản chất lượng cao, an toàn và ổn định.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng 2 địa phương cần tăng cường trao đổi thông tin nhằm cân đối nguồn cung, tránh hiện tượng sản xuất tràn lan dẫn đến cung vượt cầu khiến nông sản rớt giá, gây thiệt hại cho nông dân.
Về việc liên kết giữa 2 địa phương, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp cảnh báo có tình trạng nhập nhèm, lợi dụng thương hiệu rau, quả Đà Lạt tại
TP HCM để đánh lừa người tiêu dùng. Theo ông Hiệp, khoai tây Trung Quốc “đột lốt” khoai tây Đà Lạt chủ yếu là do một số doanh nghiệp tại TP HCM đặt hàng để trục lợi. Sắp tới, khoai tây Đà Lạt sẽ có bao bì riêng để phân biệt với hàng Trung Quốc.
Cần khai thác thế mạnh của nhau
Đánh giá sự hợp tác của 2 địa phương trong thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nhìn nhận đã mang lại hiệu quả rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Lâm Đồng luôn mở cửa, chào đón các doanh nghiệp TP HCM đến đầu tư để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
“Lâm Đồng mong muốn sự giúp đỡ từ TP HCM bởi TP đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực” - ông Tiến bày tỏ.
Về phía TP HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đánh giá đã đạt những kết quả nhất định trong hợp tác nhưng chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng. “Trong thời gian tới cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa thế mạnh của mỗi địa phương thông qua từng nội dung, dự án được ký kết. Phải xác định được tiềm năng, thế mạnh của 2 địa phương, cần tập trung vào làm những công việc cụ thể để tránh tình trạng tổng kết lại tiếp tục điệp khúc chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh” - ông nêu rõ.
Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị Lâm Đồng tăng cường hợp tác, cung ứng nông sản cho các chợ, siêu thị tại TP HCM. TP hỗ trợ Lâm Đồng phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị. Ngoài ra, cần triển khai dự án công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt.
Thống nhất với các nội dung giữa UBND TP HCM và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết dịp này, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Không phải ký kết để đến thăm hỏi nhau mà phải hợp tác thực chất, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, phát huy tiềm năng, thế mạnh vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương”.
Sớm rút ngắn thời gian di chuyển
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp cho biết công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 nối Dầu Giây - Đà Lạt đã thi công 3/4 khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Nếu trước đây, TP HCM đi Lâm Đồng mất 7-8 giờ thì nay chỉ còn 5 giờ. Ngoài ra, chậm nhất là đến đầu năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, trong đó sẽ làm trước đoạn Dầu Giây - Tân Phú. Khi đó, đi lại giữa TP HCM và Lâm Đồng sẽ nhanh hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng hiện sân bay Liên Khương ở Lâm Đồng mỗi ngày chỉ có vài chuyến đến TP HCM là không đáp ứng yêu cầu. Về đường bộ, ông Thăng đề nghị phải khẩn trương hoàn thành cải tạo Quốc lộ 20 cũng như sớm khởi công đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, nếu trong quý III năm nay thì càng tốt. “Làm sao rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Lâm Đồng còn 3-4 giờ thì tốt. Có như thế, nông sản ở Lâm Đồng thu hoạch buổi sáng thì đến trưa, người dân TP HCM có thể mua được hoa quả, rau củ tươi ngon” - ông kỳ vọng.
Bình luận (0)