xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiểm tra chuyên ngành "hành" doanh nghiệp

THẾ DŨNG - THÁI PHƯƠNG - NGỌC ÁNH

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo

Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục cải cách toàn diện quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Thế nhưng, đến giờ, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn tốn kém chi phí, thời gian cho khâu kiểm tra chuyên ngành.

Dàn hàng ngang kiểm tra

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, cho biết mỗi năm, chỉ riêng TP HCM đã nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn thép các loại và chi phí kiểm tra chuyên ngành làm đội giá thành sản phẩm lên đáng kể. Thời gian kiểm tra quá lâu và trung bình, mỗi DN ngành thép hiện có khoảng 5-10 mẫu chờ kết quả. "Công ty chúng tôi còn 9 mẫu thép nhập khẩu đem kiểm tra chuyên ngành từ cuối năm ngoái, đến giờ chưa có kết quả, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh" - ông Khương dẫn chứng.

Kiểm tra chuyên ngành hành doanh nghiệp - Ảnh 1.

Do thủ tục hành chính nhiêu khê nên các doanh nghiệp khó đưa thực phẩm mới về Việt Nam tận dụng ưu đãi về thuế. Trong ảnh: Thực phẩm ngoại được giới thiệu tại một triển lãm Ảnh: NGỌC ÁNH

Thực tế, hiện mỗi sản phẩm thép nhập khẩu phải qua tối thiểu 2 cơ quan chuyên ngành để kiểm tra tính hợp chuẩn, hợp quy và một cơ quan kiểm định của hải quan để kiểm tra mã HS nhằm tính thuế. "Với ngành thép, không nhất thiết lô nào cũng phải kiểm tra chuyên ngành như hiện nay mà nên theo xác suất, chứ ngặt nghèo quá thì gây thiệt thòi và tốn kém chi phí cho DN. Thủ tục nào cần thiết thì nên giữ, còn không thì chuyển sang kiểm tra theo xác suất để tạo thuận lợi cho DN" - ông Khương kiến nghị.

Nhiều DN trong lĩnh vực thực phẩm cũng phản ánh thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thời gian qua, một số DN muốn nhập khẩu sản phẩm mới để kinh doanh phục vụ nhu cầu nội địa nhằm tận dụng thuế 0% nhưng không đơn giản.

Đặc biệt, các sản phẩm thuộc 2 bộ quản lý DN phải thực hiện cùng lúc 2 thủ tục từ 2 bộ này. Cụ thể, với thực phẩm có nguồn gốc động vật, DN phải liên hệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng ký nhà cung cấp hoặc nhà xuất khẩu vào danh sách các công ty được phép xuất khẩu vào Việt Nam, mất 3-4 tháng. Cùng lúc, DN phải liên hệ Bộ Y tế để kiểm nghiệm và công bố sản phẩm bán tại hệ thống bán lẻ, nhà hàng, khách sạn... Muốn kiểm nghiệm, DN phải đợi mẫu từ nhà cung cấp. Việc nhận mẫu cũng khó khăn do sản phẩm chưa được công bố nên phải mất 3-4 tháng mới xong thủ tục với nhiều chi phí khác nhau.

"Việt Nam đang dàn hàng ngang kiểm tra 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu, gây tốn kém quá mức cho DN. Trong khi đó, các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ kiểm tra từ 2% như Mỹ, 5%-10% như EU, còn Nhật Bản chỉ làm ngẫu nhiên, khi có cảnh báo mới kiểm tra 30%. Do đó, nên xếp loại DN nhập khẩu. DN có lịch sử tuân thủ tốt, nhập hàng từ xuất xứ đáng tin cậy sẽ được giảm tần suất kiểm tra" - ông Nam đề xuất.

Bà Trần Ngọc Hân, đại diện Ủy ban Lương thực và Đồ uống - Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng một sản phẩm sản xuất tại Việt Nam phải cõng hàng chục giấy phép, không chỉ thành phẩm cuối cùng mà tất cả nguyên liệu đều phải xin phép. Một vài thay đổi nhỏ trong nguyên liệu như nhà cung cấp, quy cách đóng gói cũng phải xin phép lại, làm chậm kế hoạch sản xuất và tốn kém cho DN. Chẳng hạn, DN sản xuất sô-cô-la dùng 12 nguyên liệu phải cần 12 loại giấy phép nhập khẩu nguyên liệu và 13 giấy phép công bố sản phẩm...

Một số DN châu Âu đang làm ăn tại nước ta cho rằng Việt Nam kiểm soát thực phẩm nhập khẩu còn khó hơn thuốc và mỹ phẩm - 2 mặt hàng vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hơn.

Rà soát, rút gọn mặt hàng kiểm tra

Theo Bộ Tài chính, việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng xuất nhập khẩu gây khó khăn cho DN, làm giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của DN. Điều này làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan... và đôi khi còn gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thông quan hàng hóa. Nguyên nhân là do các bộ chưa thống nhất trong phương thức quản lý, khi ban hành chưa đánh giá tác động đầy đủ. Danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra quá rộng, không chi tiết tên hàng, không có mã số HS. Nhiều văn bản ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa bị bãi bỏ...

Dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành xuống bằng với các nước trong khu vực nhưng hiện nay, khoảng 30% hàng hóa nhập khẩu vẫn phải kiểm tra chuyên ngành. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhìn nhận từ nghị quyết đến hành động trong chuyện kiểm tra chuyên ngành là một khoảng cách "xa vời vợi". Nếu không có sự vào cuộc của các bộ, nhất là người đứng đầu mỗi bộ, thì rất khó thực hiện việc giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho DN. Thống kê cho thấy chỉ cần giảm thời gian thông quan 1 ngày thì mỗi năm có thể tiết kiệm được 800 triệu USD.

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ liên quan phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan.

Theo Nghị quyết 19, trong quý I/2017, các bộ phải ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan, theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm... Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết đến nay, chưa có bộ nào ban hành danh mục này.

Do đó, Phó Thủ tướng giao các bộ quản lý chuyên ngành liên quan khẩn trương ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo đúng tinh thần Nghị quyết 19. Đồng thời, các bộ rà soát, làm rõ căn cứ pháp lý và mục đích, yêu cầu của từng loại giấy tờ kiểm tra chuyên ngành; sửa đổi, điều chỉnh theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho DN. 

Một mặt hàng quá nhiều bộ quản lý

Kết quả rà soát của cơ quan quản lý gần đây cho thấy nhiều mặt hàng nhập khẩu đồng thời phải chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Chẳng hạn, sữa chua, phô mai phải chịu sự quản lý và kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ, vừa phải kiểm dịch động vật vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Các giống cây trồng, gạch, đá, kính phải kiểm tra chất lượng và cấp giấy chứng nhận hợp quy. Trang thiết bị y tế, thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc... vừa xin giấy phép nhập khẩu vừa kiểm tra chất lượng. Mặt hàng phân bón phải chịu 3 loại quản lý, kiểm tra gồm giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo