xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh doanh truyền thống bị cạnh tranh khốc liệt

Bài và ảnh: KỲ NAM

Những ngành mới dựa vào công nghệ có thể thay đổi cơ chế, cách thức và chi phí giao dịch, thách thức cạnh tranh trực tiếp với các ngành truyền thống

Ngày 20-2, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Nhóm công tác về luật và chính sách cạnh tranh (CPLG) đã tổ chức hội thảo “Vận dụng các đánh giá cạnh tranh nhằm loại bỏ các hàng rào thương mại cho hàng hóa và dịch vụ” để chia sẻ kinh nghiệm về công cụ rà soát hiệu quả thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh.

Thay đổi cơ chế giao dịch

Về trường hợp “Taxi Uber”, nhiều vấn đề đã được đặt ra tại hội thảo, như dịch vụ này cạnh tranh như thế nào đối với taxi truyền thống; cần làm gì để bảo đảm lợi ích của người sử dụng dịch vụ, an ninh về thanh toán, an toàn kỹ thuật? Với các ngành mới tương tự, cần có chính sách gì để thúc đẩy sự sáng tạo, chấp nhận sự cạnh tranh với ngành truyền thống ra sao hay đơn giản là “đóng cửa”?

Một đại diện của Úc cho biết không chỉ taxi, tại TP Sydney còn có cả ca nô du lịch hoạt động theo hình thức “kinh tế chia sẻ”. Đại biểu của nhiều nền kinh tế đưa ra những góc nhìn đa chiều từ việc ứng xử với các ngành ứng dụng công nghệ mới để các nước có điều chỉnh chính sách phù hợp.

Các đại diện của CPLG thảo luận vấn đề loại bỏ các hàng rào thương mại cho hàng hóa và dịch vụ
Các đại diện của CPLG thảo luận vấn đề loại bỏ các hàng rào thương mại cho hàng hóa và dịch vụ

Nhiều thành viên CPLG cho rằng đây là cơ hội để các nước nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả của chính sách cạnh tranh; không chỉ đơn thuần nhìn vào luật, cơ quan quản lý cạnh tranh mà cần có khuôn khổ quản lý rộng hơn, nhất là vấn đề về đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh.

Phía Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác như Mỹ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để tiếp thu được những thông lệ quốc tế tốt nhất về chính sách cạnh tranh.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Phòng Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thừa nhận những năm gần đây, việc thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là điều hành chính sách kinh tế vĩ mô liên quan đến tiền tệ, tài khóa... Do đó, chương trình hành động của Chính phủ trong thời gian gần đây tập trung nhiều vào cải cách vĩ mô, cải cách môi trường kinh doanh, trong đó cải thiện chính sách là ưu tiên. “Mở cửa và muốn chơi với đối tác nước ngoài thì phải hiểu thông lệ chung liên quan đến cạnh tranh để tránh những hiểu biết khác nhau, tránh được khó khăn trong quá trình vận dụng cũng như điều tiết chính sách cạnh tranh. Đặc biệt gần đây là sự nổi lên của thương mại điện tử, các ngành mới dựa vào công nghệ có thể thay đổi cơ chế, cách thức và chi phí giao dịch. Từ đó, thách thức cạnh tranh trực tiếp với các ngành truyền thống” - ông Dương nhấn mạnh.

Việt Nam thiếu công cụ phát hiện xung đột

Về việc cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ, phía Việt Nam nhìn nhận chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc rà soát các chính sách liên quan, thiếu công cụ để phát hiện những xung đột, “cong vênh” giữa chính sách điều tiết ngành với Luật Cạnh tranh để từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Thực tế, doanh nghiệp (DN) có quyền quyết định độc lập, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) dựa vào pháp luật cạnh tranh để kiểm soát. Tuy nhiên, năng lực thực thi của cơ quan cạnh tranh còn hạn chế, trong khi đó về mặt khách quan, nhận thức của DN và xã hội về Luật Cạnh tranh chưa cao.

Nhiều vụ việc được nêu ra tại hội thảo là gần đây, một số cơ quan quản lý nhà nước ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam... đã ban hành văn bản có tác động phân biệt đối xử giữa các DN hoặc buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua bán hàng hóa, dịch vụ từ các DN được các cơ quan này chỉ định, vi phạm Luật Cạnh tranh. Điều đó cho thấy sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi chính sách cạnh tranh cũng như công tác tham vấn chính sách cạnh tranh của các cơ quan liên quan chưa đạt hiệu quả.

“Các nội dung xoay quanh năng lực, bồi dưỡng năng lực cho cơ quan quản lý, các bộ luật về cạnh tranh là một trong những ưu tiên đối với Việt Nam trong APEC 2017. Điều này giúp cải thiện về năng suất, năng lực của nền kinh tế” - ông Nguyễn Anh Dương cho biết.

Cần có tiêu chuẩn hàng hóa chung

Trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, chiều 20-2, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chủ trì hội thảo về đánh giá các tiêu chuẩn hàng hóa trong 21 thành viên của APEC. Hội thảo nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong khu vực, hình thành tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để áp dụng chung cho các thành viên; chia sẻ về thực hành quy phạm tốt giữa các thành viên, tập trung vào những ưu tiên như an toàn thực phẩm; các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đánh giá trình độ phát triển các nền kinh tế thành viên khác nhau nhưng yêu cầu sản phẩm phải tốt và an toàn. Các tiêu chuẩn khác nhau đang là rào cản để hàng hóa tự do lưu thông ở các nền kinh tế thành viên. Vì vậy, hội nghị là diễn đàn để các nền kinh tế thành viên chia sẻ, hỗ trợ về tiêu chí, từ đó tìm ra cách thức phù hợp để hàng hóa lưu thông thuận lợi nhất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo