xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế ấm lên nhưng chưa vững

Tô Hà

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt mức 5,62%, dự kiến cả năm đạt 5,8% nhưng kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; bội chi ngân sách còn cao; nợ công tăng nhanh

Ngày 20-10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc tại trụ sở nhà QH mới tọa lạc ở Hội trường Ba Đình. Trong số 15 báo cáo, dự thảo luật trình bày trong phiên khai mạc, đáng chú ý có báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 vì báo cáo này nhận được nhiều đánh giá khác nhau ngay từ khi trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét.

GDP tăng cao nhất trong 3 năm

Báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh một số kết quả khả quan trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2014. Đó là tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt mức 5,62%, dự kiến cả năm đạt 5,8%. Lạm phát đã được kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng 9 tháng chỉ ở mức 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua và dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên…

 

Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ nghỉ giải lao   Ảnh: THẾ DŨNG
Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ nghỉ giải lao Ảnh: THẾ DŨNG

 

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH - ông Nguyễn Văn Giàu - tỏ ý lo ngại khi cho rằng đây là năm đầu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% theo Nghị quyết của QH, đồng thời là năm thứ ba liên tục xuất siêu, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng. Thế nhưng, vẫn còn nhiều khó khăn nổi lên. Đó là kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; bội chi ngân sách còn cao; nợ công tăng nhanh. Tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại đã lên khoảng 26,2% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%).

Đáng lưu ý là tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng cao hơn so với năm 2013, bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Hiện tượng này “sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế...” - UBKT lưu ý.

Nợ công đã chạm trần

Tại kỳ họp này, Chính phủ có tổng cộng 49 báo cáo gửi đến QH. Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 và phân bổ NSNN năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự kiến cả năm vượt thu ngân sách 10,6% so với kế hoạch, tương đương 63.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, số vượt thu phải dành cho các nhiệm vụ chi cấp bách, trong đó có trả nợ công. Sức ép chi ngày càng lớn, đặc biệt là nhiệm vụ chi an sinh xã hội và trả nợ đang tăng nhanh trong khi chi đầu tư phát triển lại giảm mạnh. Riêng chi trả nợ năm 2015 đã lên đến 150.000 tỉ đồng do ngân sách phải thanh toán các khoản nợ đến hạn, trong đó vay đảo nợ tăng mạnh so với 2 năm trước. Chính phủ đề xuất QH phê duyệt mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP và giảm xuống 5% vào năm 2015.

“Áp lực trả nợ đang gia tăng phản ánh tình hình rất khó khăn của NSNN” - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của QH - ông Phùng Quốc Hiển (đại diện cho cơ quan thẩm tra) - đánh giá. Theo ông, nợ công nếu tính đủ đã chạm mức trần QH quy định là 65%, là mức rất khó khăn vì nghĩa vụ trả nợ so với NSNN cũng lên tới hơn 26% thay vì thông lệ là 25%.

Ủy ban TCNS cũng đánh giá tình trạng chi vượt dự toán diễn ra khá phổ biến ở các bộ - ngành, địa phương và nhiều nhiệm vụ chi vẫn chưa có nguồn bố trí, trong đó có nhiệm vụ chi tăng lương theo lộ trình. 

 

Hiệu quả chống tham nhũng chưa xứng với thực tế

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày trước QH sáng 20-10 cho biết đã có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý. Trong đó, có 3 người đã bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức và 40 người bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, khiển trách.

Theo ông Tranh, mặc dù kiểm toán, thanh tra đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng và đề nghị xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh,  gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức vẫn diễn ra, gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp...

Báo cáo thẩm tra - do ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, trình bày - nhận định: Mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng ở trung ương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự mong đợi của nhân dân. Tình trạng xử lý kỷ luật hành chính đối với các hành vi tham nhũng, người có hành vi tham nhũng được chuyển sang tội danh có khung hình phạt nhẹ hơn hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xử lý chưa được các cơ quan chuyên trách trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao kiểm tra, kiểm sát chặt chẽ để bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Số vụ tham nhũng mà cơ quan thanh tra chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự chưa tương xứng...

Ủy ban Tư pháp cho rằng tham nhũng còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng là tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, tín dụng, đã gây thất thoát rất lớn tài sản nhà nước. T.Kha

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo