xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế miền Trung mạnh ai nấy làm

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Do thiếu sự liên kết nên chưa tạo được động lực, không phát huy hết tiềm năng kinh tế của miền Trung

Ngày 25-8, tại TP Đà Nẵng, Ban Điều phối vùng kinh tế duyên hải miền Trung phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 với chủ đề "Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững" với sự tham gia của hơn 500 đại biểu, gồm các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp (DN).

Không gian kinh tế bị chia cắt

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các kết quả mà vùng duyên hải miền Trung làm được trong 6 năm qua. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

"Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt như chúng ta. Động lực của liên kết là gì, không phải tự nhiên 10 tỉnh, thành ngồi lại được với nhau nhiều năm rồi, dĩ nhiên phải có động lực nào đó. Trước hết, nó là lợi ích về kinh tế, xác định thế nào là động lực liên kết, phải chắc các địa phương, các vùng tham gia, tức là tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương phải được tôn trọng và phát huy, không chỉ vì bản thân tỉnh đó mà vì lợi ích chung cả vùng, cao hơn là cả nước" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Kinh tế miền Trung mạnh ai nấy làm - Ảnh 1.

Miền Trung có nhiều cảng biển nhưng chưa phát huy hết tiềm năng

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng miền Trung là nơi có nhiều ưu điểm và tiềm năng phát triển kinh tế nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Tiềm năng của các địa phương giống nhau, triển khai theo hàng ngang, không có tỉnh nào giáp 3 tỉnh, chỉ sát 2 tỉnh nên lợi thế giống nhau.

"Điều này làm cho khả năng xung đột lợi ích lớn hơn. Phải thừa nhận thực tế như vậy, xung đột lợi ích có cơ sở pháp lý, thực tiễn của nó. Vì thế, tiềm năng và lợi thế khó phát huy. Địa phương nào cũng có cảng biển đẹp, nhiều khu kinh tế. Lợi thế vùng này không căn cứ vào thế mạnh từng vùng thì sẽ xung đột rất lớn" - ông Thiên phân tích.

Ông Thiên cũng nhìn nhận miền Trung có đặc khu kinh tế Vân Phong, hơn 40 KCN, đi liền đó là cảng biển, cảng hàng không có nhiều nhưng công nghiệp phát triển không tương xứng. "Nói cảng quốc tế cho oai, cho hãnh diện nhưng khách quốc tế chỉ tập trung một chỗ, còn các nơi khác thì nhen nhóm thôi. Tầm nhìn khu kinh tế cảng biển gắn với hàng không chưa tốt, còn dàn trải và không phát triển. Phải nói rằng các khu kinh tế ở miền Trung đìu hiu nhất. Tỉnh nào cũng hãnh diện mình có nọ có kia nhưng thực ra chả có gì" - ông Thiên nói.

Cần phân công và hợp tác chặt chẽ

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận miền Trung có lợi thế quan trọng, trong đó có biển, du lịch nhưng chưa rõ động lực phát triển. "Động lực của đoàn tàu kinh tế miền Trung chắc chắn là kinh tế tư nhân. Miền Trung đang thiếu những DN đầu đàn, nên sắp tới không có cách nào khác là phải tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ cho các DN nhỏ nhưng cũng chăm chút cho DN lớn. Liên kết của miền Trung chính là liên kết của cộng đồng DN. Chính quyền các địa phương và trung ương nên tạo môi trường cho sự liên kết đó" - ông Lộc gợi ý.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo kết nối đã có nhưng chưa thực chất, chưa có chất kết dính trong liên kết vùng ở miền Trung. Kinh tế khu vực này phát triển dưới tiềm năng và mong đợi, GDP bình quân còn thấp, tỉ trọng nông nghiệp lớn nên thu nhập bình quân thấp. Trong xuất khẩu cần hết sức lưu tâm khi vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chỉ đóng góp 2%, trong khi vùng kinh tế trọng điểm hai đầu Bắc - Nam đều trên 30% và 40%.

"Hạn chế của liên kết vùng miền Trung là còn rời rạc và thiếu cơ chế thực hiện các cam kết. Để phát triển bền vững cần phân công và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các địa phương trong vùng, trong đó có cảng biển, dịch vụ, khu kinh tế, du lịch biển đảo gắn với lịch sử" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo